1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Xét nghiệm Covid-19 có thể khiến Trung Quốc tiêu tốn 1.700 tỷ nhân dân tệ

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc triển khai xét nghiệm hàng loạt trên toàn quốc ở tất cả các thành phố cấp một và cấp hai có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiêu tốn 1.700 tỷ nhân dân tệ.

Xét nghiệm Covid-19 có thể khiến Trung Quốc tiêu tốn 1.700 tỷ nhân dân tệ - 1

Người dân địa phương xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, nơi chính quyền tuyên bố sẽ xét nghiệm quy mô lớn hàng tuần kể từ ngày 5/5 (Ảnh: Getty).

Chính quyền khu vực đông bắc thành phố Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh hôm 3/5 thông báo bắt đầu tổ chức xét nghiệm quy mô lớn hàng tuần, kể từ ngày 5/5.

Thành phố Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam cùng ngày cũng cho biết sẽ thực hiện 3 đợt xét nghiệm hàng loạt tại các khu vực trung tâm thành phố kéo dài cho đến ngày 6/5.

Đây chỉ là hai trong danh sách ngày càng dài các thành phố địa phương đã thúc đẩy việc xét nghiệm thường xuyên hơn khi Trung Quốc đối mặt với các đợt bùng phát dịch mới, sau các động thái tương tự ở thủ đô Bắc Kinh, cũng như ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến và phía đông thành phố Hàng Châu.

Theo ông Tao Chuan, nhà phân tích vĩ mô của Công ty tư vấn tài chính - chứng khoán Soochow có trụ sở tại Bắc Kinh, việc xét nghiệm hàng loạt thường xuyên có thể được mở rộng trên phạm vi toàn quốc sau khi kỳ nghỉ lễ 5 ngày kết thúc vào hôm 4/5, nhằm nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Nếu tất cả thành phố cấp một và cấp hai của Trung Quốc, với khoảng 505 triệu dân, tiến hành xét nghiệm hàng loạt trong một năm, chi phí có thể lên tới 1.700 tỷ nhân dân tệ (257 tỷ USD), tương đương 1,5% GDP, tương đương 8,7% doanh thu tài chính công của đất nước vào năm ngoái, ông Tao nói.

Và ông cảnh báo rằng chi phí bổ sung này sẽ gây thêm áp lực lên chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý thành phố, vốn đang căng thẳng do việc thực hiện cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc.

Bắc Kinh kiên định chính sách "Không Covid" trong khi đang chống chọi làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ đợt bùng dịch ở Vũ Hán vào năm 2020.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đang cản trở mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng của Trung Quốc, khoảng 5,5% vào năm 2022.

Cũng trong ngày 3/5, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự đoán ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc sẽ giảm từ 4,8 xuống 4,3%, với dự báo nước này sẽ tuân thủ chính sách "Không Covid" linh hoạt cho đến năm 2023.

Vẫn "rẻ" hơn phong tỏa hàng loạt

Trong một cuộc họp mới đây, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ kiên trì chính sách "Không Covid".

Nhưng giới lãnh đạo nước này cũng nhấn mạnh rằng các nỗ lực ngăn chặn phải "phù hợp với các đặc điểm lây truyền mới của virus", giúp giảm thiểu tác động của các đợt bùng phát đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.

Mặc dù đó có thể không phải là giải pháp tốt nhất cho Trung Quốc, nhưng xét nghiệm hàng loạt thường xuyên vẫn là một lựa chọn ít tốn kém hơn so với phong tỏa nghiêm ngặt, ông Tao nhận định.

Ông Tao ước tính, thiệt hại hàng tháng có thể lên tới 156,8 tỷ nhân dân tệ nếu các thành phố lớn nhất của đất nước, như Thượng Hải, bị đóng cửa trong 2 tuần.

Con số đó được so sánh với chi phí ước tính hàng tháng mà chuyên gia này đưa ra là 143,6 tỷ nhân dân tệ, tức là tổng cộng 1.700 tỷ nhân dân tệ trong 12 tháng, cho việc xét nghiệm hàng loạt thường xuyên. Trong khi đó, việc đóng cửa trên toàn thành phố cũng cần phải xét nghiệm quy mô lớn, do đó, thiệt hại kinh tế sẽ tăng cao hơn.

Các nhà phân tích tại Founder Securities cũng cho biết, xét nghiệm đã bùng nổ theo chính sách "Không Covid-19" linh hoạt của Trung Quốc, đặc biệt là trong năm nay. "Xét nghiệm đã trở thành nhu cầu hàng ngày của người dân khi ra ngoài", Founder Securities cho hay.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, đến giữa tháng 4, Trung Quốc có khoảng 13.100 cơ sở xét nghiệm và khả năng xét nghiệm là 51,56 triệu mẫu/ngày.

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm