Xây hải đăng ở Trường Sa, Trung Quốc có ý đồ gì?
Biển Đông đã trở thành một vấn đề quốc tế không thể lảng tránh. Câu chuyện hải đăng Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn.
Ngày 10/10/2015 Tân Hoa Xã loan tin TQ khánh thành hai ngọn hải đăng Hoa Dương và Xích Qua trên bãi đá Châu Viên và Đá Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn, nơi TQ tấn công và chiếm đóng của VN vào năm 1988.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh ngày 9/10/2015 tuyên bố không chấp nhận việc “vi phạm lãnh hải” trước ý định của Washington đưa tàu tuần tra vào trong khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo TQ xây dựng trong vòng hai tuần tới. Mỹ, Philippines và Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối bước đi có tính khiêu khích này của Trung Quốc, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002.
Hệ quả chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình
Hải đăng Trung Quốc và tuyên bố của Hải quân Mỹ đưa tàu vào sát các đảo nhân tạo là hệ quả trực tiếp từ cuộc gặp Tập Cận Bình-Obama tại Washington tháng 9 năm 2015. Tại cuộc gặp ông Tập Cận Bình ít nhất đã tạo cảm nhận cho giới phân tích về ưu thế của mình trước ông Obama trên vấn đề Biển Đông. Ông Tập đã dùng tới 233 từ trong phát biểu của mình so với 110 từ chỉ trích từ ông Obama. Ông thể hiện tính xác quyết trong khẳng định Trường Sa là lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc, bất chấp các bằng chứng lịch sử pháp lý, quyền lợi của các nước đồng minh và bạn bè của Mỹ tại khu vực.
Một trong hai ngọn hải đăng tại Trường Sa mà Trung Quốc mới khánh thành.
Đáp lại, ông Obama chỉ khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không, tàu thuyền và máy bay Mỹ sẽ bay, bơi và hoạt động bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Ông đã không tận dụng cơ hội để chỉ ra rằng chính yêu sách chủ quyền quá đáng, vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc là nguyên nhân chính tạo nên các bất ổn ở Biển Đông, đe dọa quyền tự do hàng hải, hàng không và lợi ích của các quốc gia trong và ngoài khu vực, cũng như không kêu gọi Trung Quốc cư xử đúng với trách nhiệm nước lớn trong thực thi DOC và xây dựng COC.
Cạnh tranh Mỹ-Trung liên quan chặt chẽ tới quy chế pháp lý của các đảo nhân tạo và tự do hàng hải. Trong phát biểu của mình tại Mỹ, ông Tập đánh đồng khái niệm đảo tự nhiên và đảo nhân tạo để giành quyền coi các bãi san hô mới được dựng lên thành đảo có lãnh hải 12 hải lý, và qua đó hạn chế quyền tự do đi lại của tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ.
Tháng 5/2015 khi Mỹ đưa máy bay do thám cùng phóng viên CNN vào gần 12 hải lý các bãi Trung Quốc cải tạo, Bắc Kinh phản pháo bằng tuyên bố chuẩn bị xây dựng hải đăng. Tháng 10/2015 khi các tướng Mỹ đệ trình kế hoạch đưa tàu và máy bay vào trong vòng cung 12 hải lý, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ra tuyên bố khánh thành hai ngọn hải đăng để “cung cấp cho các nước trong khu vực, cũng như tất cả tàu thuyền qua lại, các dịch vụ hàng hải nhằm mục đích củng cố hệ thống an toàn trong khu vực”. Trong khi Mỹ chưa có một biện pháp cụ thể thì Trung Quốc đã thực thi chiến lược cắt lớp bài bản, từng bước khống chế Biển Đông.
Việc xây dựng hải đăng cũng như các công trình khác phục vụ mục đích quốc phòng dưới dạng dân sinh của TQ nhằm vào các mục đích sau đây:
Một là phá vỡ tính nguyên trạng ở Biển Đông đã được ASEAN và Trung Quốc cam kết trong DOC, tạo tiền lệ diễn giải Luật Biển mới có lợi cho Trung Quốc.
Hai là củng cố thêm yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Trường Sa.
Ba là buộc thế giới chấp nhận chuyện đã rồi về việc Trung Quốc cải tạo bãi thành đảo nhân tạo.
Bốn là tìm hiểu ý định thực sự và mức độ chịu đựng của Mỹ trong việc Trung Quốc đòi quy chế lãnh hải 12 hải lý cho các đảo nhân tạo. Đổi lại Trung Quốc sẽ bảo đảm cho Mỹ và các nước quyền tự do hàng hải bên ngoài giới hạn 12 hải lý.
Và năm là, nếu Mỹ không có bước đi kiên quyết, TQ sẽ tiếp tục cải tạo hơn 200 đá, bãi còn lại ở Trường Sa, tạo cơ sở hậu cần vững chắc chọc thủng chiến lược các chuỗi đảo ngăn chặn của Mỹ, tiến ra Thái Bình dương, đòi Mỹ chia sẻ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo tiền lệ thúc đẩy một cuộc chạy đua xây dựng hải đăng mới tại Trường Sa khi sau TQ, Đài Loan đã công bố ý định xây dựng hải đăng trên đảo Ba Bình.
Biến chuyển phức tạp
Trước sự lấn lướt của TQ, chắc chắn Mỹ sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định. Theo giới quan sát, những phản ứng của Mỹ có thể hướng tới các mục tiêu:
Tàu Mỹ sẽ áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa.
Thứ nhất, bảo vệ các quy định của luật pháp quốc tế, không thể chấp nhận cải tạo các đá, bãi thành đảo nhân tạo, mở rộng vùng an ninh 500 m quanh các đảo nhân tạo thành lãnh hải 12 hải lý.
Thứ hai là xác định ý đồ thực sự của TQ đối với nguyên tắc tự do hàng hải và hóa giải sức ảnh hưởng chiến lược của TQ trong việc xây dựng các đảo nhân tạo tại khu vực Biển Đông.
Thứ ba là kiểm tra cam kết “không quân sự hóa” mà ông Tập mới đưa ra.
Và cuối cùng là tạo sự “cân bằng” giữa phái quân sự và phái thương mại Mỹ. Đàm phán Hiệp định TPP kết thúc tạo thế cho chính sách xoay trục châu Á của Mỹ trong lĩnh vực thương mại. Giới quân sự Mỹ cần có bước đi tương xứng, thể hiện vai trò của mình trong hệ thống chính sách ngoại giao Mỹ.
Quyết định và bước đi cụ thể, theo giới quan sát, sẽ được xem xét trong tổng thể. Trong đó, một số yếu tố sau đây có thể được Mỹ tính tới:
Thứ nhất, Mỹ muốn tận dụng cơ hội Chủ tịch Tập Cận Bình vừa cam kết “không quân sự hóa Biển Đông” để ép TQ chấp nhận sáng kiến ba “dừng” (dừng tôn tạo các bãi đá, dừng xây dựng các cơ sở mới, dừng quân sự hóa các cơ sở hiện có), song cũng không muốn tạo cớ hợp pháp để TQ tăng cường quân sự hóa.
Thứ hai là quan hệ Mỹ-Trung liên quan đến tiến trình Quốc hội Mỹ thông qua TPP. Nếu mềm yếu với các yêu sách thái quá của TQ, ông Obama có lẽ chỉ nhận được sự ủng hộ ít ỏi của các nghị sỹ. Nếu quá cứng rắn, có thể xảy ra xung đột, thành công của TPP sẽ bị ảnh hưởng, và khả năng TQ tham gia TPP sẽ khó khăn.
Các biến chuyển ở Biển Đông ngày càng phức tạp. Theo giới quan sát, Mỹ có thể chọn chiến thuật sức ép từng bước tăng dần. Mỹ và một số nước ASEAN không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, song các nước này hoàn toàn có quyền yêu sách các quyền lợi tự do hàng hải, tự do bay và các sử dụng biển một cách hợp pháp khác.
Mỹ và các nước ASEAN không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông không thể giữ thái độ trung lập, một khi luật quốc tế bị đe dọa. Thế giới cần một nước Mỹ có thái độ kiên quyết hơn, cần một ASEAN đồng lòng trong vấn đề Biển Đông. Biển Đông đã trở thành một vấn đề quốc tế không thể lảng tránh. Câu chuyện hải đăng TQ và 12 hải lý Mỹ sẽ còn tiếp diễn.
Theo TS Nguyễn Hồng Thao
Vietnamnet