1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bắc Kinh cố bao biện không “quân sự hóa” các đảo ở Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc tuần qua cố bao biện rằng nước này "không quân sự hóa" các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam và nước này cũng bất ngờ "hạ giọng" trong việc mời các quốc gia láng giềng cùng tập trận chung.

 


Trung Quốc đang cố bao biện cho các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông (Ảnh: CSIS-AMTI//DigitalGlobe)

Trung Quốc đang cố bao biện cho các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông (Ảnh: CSIS-AMTI//DigitalGlobe)

Những động thái trên của Trung Quốc, theo giới quan sát, không có gì là bất ngờ và có thể dự báo, đặc biệt trong bối cảnh gần Mỹ đánh tiếng sẽ phái tàu quân sự và máy bay tuần tra tại khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép. 

Mỹ cũng đang lên kế hoạch sẽ tăng cường mở rộng quy mô tập trận tại vùng biển này trong năm tới bằng việc mời thêm các quốc gia khác ngoài các đồng minh truyền thống như Nhật Bản và Philippines.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/10 lại nhắc lại rằng nước này không “quân sự hóa” các đảo ở Biển Đông mà chỉ xây dựng các “căn cứ quân sự cần thiết”, phù hợp với những gì mà Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trong chuyến thăm Mỹ tháng trước.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, phát biểu với báo giới hôm thứ Sáu (16/10): “Sẽ không có cái gì liên quan điến việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo và rặng san hô ở Biển Đông".

“Việc xây dựng do phía Trung Quốc tiến hành trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa chủ yếu đáp ứng các nhu cầu dân sự, trong đó có việc hoàn tất 2 ngọn hải đăng trên các bãi Châu Viên (Cuarteron) và Johnson mới đây”, bà Oánh giải thích.

Tuy nhiên, bà Oánh còn quanh co khi một phóng viên yêu cầu bà làm rõ nội hàm khái niệm giữa cái gọi là "quân sự hóa" và "xây căn cứ quân sự".

Cùng ngày (16/10), Bắc Kinh cũng xuống giọng bất ngờ khi Bộ trưởng Quốc phòng nước Thường Vạn Toàn tuyên bố trong cuộc gặp không chính thức với các Bộ trưởng quốc phòng các nước Đông Nam Á tại Bắc Kinh rằng nước này sẵn sàng tiến hành các cuộc tập trận chung với các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông.

Ông Thường cũng nhấn mạnh rằng nhu cầu chung lớn nhất giữa hai bên là thúc đẩy phát triển quan hệ đúng đắn và duy trì sự ổn định.

Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Hương Sơn vào ngày hôm nay (17/10), một vị tướng quân đội khác của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ không liều lĩnh sử dụng vũ lực ở Biển Đông và đang tìm cách tránh xung đột với các quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại rằng gần đây Trung Quốc luôn "tiền hậu bất nhất" giữa nói và làm, không tương xứng với tư cách của một cường quốc có trách nhiệm. Thực tế, Trung Quốc vẫn liên tục bồi đắp và xây các đảo nhân tạo, trong đó có 3 đường băng đang được tiến hành thi công trên các bãi đá ngầm.

Theo một báo cáo ra mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, tổng diện tích mà Trung Quốc bồi đắp trên các đảo nhân tạo lên đến gần 1.200 héc ta, hơn tất cả các quốc gia cùng tranh chấp khác cộng lại.

Giới phân tích cũng cho rằng những lập luận gần đây của Trung Quốc không gì hơn ngoài "trò chơi chữ" để nhằm xoa dịu những căng thẳng leo thang với các quốc gia láng giềng yếu thế hơn, hoàn toàn ngược lại với những gì nước này đang làm tại các bãi đá ngầm ở Biển Đông.

Trở lại tuyên bố "đầy hàm ý" của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng trước, trang mạng The Diplomat cho biết tuyên bố trên của ông Tập ngay lập tức thu hút nhiều chuyên gia quốc tế tham gia làm rõ thông điệp mà ông Tập muốn chuyển tải tới quốc tế là gì.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là "Đường lưỡi bò" hay "Đường chín đoạn".

Vũ Duy

 

Bắc Kinh cố bao biện không “quân sự hóa” các đảo ở Biển Đông - 2