1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xây dựng lòng tin ở châu Á để giải quyết vấn đề Biển Đông

(Dân trí) - Tranh chấp trên biển đang tạo ra thách thức lớn với các nước ASEAN trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Học giả quốc tế cho rằng, để giải quyết thách thức này trước hết cần xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực cũng như với các cường quốc bên ngoài đang can dự ở châu Á.


Quang cảnh hội thảo về “Xây dựng lòng tin ở châu Á” tại Hà Nội ngày 4/12 (Ảnh: TG)

Quang cảnh hội thảo về “Xây dựng lòng tin ở châu Á” tại Hà Nội ngày 4/12 (Ảnh: TG)

Ngày 4/12, Hội thảo Quốc tế về “Xây dựng lòng tin ở châu Á” do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học giả quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như giới truyền thông.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội Hiroshi Fukada cho rằng, việc thúc đẩy xây dựng lòng tin là vô cùng thiết yếu để đạt được hoà bình, ổn định và là tiền đề để đảm bảo sự thịnh vượng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại hội thảo, các học giả và chuyên gia đã đưa ra các tham luận cũng như đánh giá về vai trò của xây dựng lòng tin ở châu Á trong bối cảnh kiến trúc khu vực đang có sự thay đổi trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự can dự của các cường quốc bên ngoài.

Còn đường lưỡi bò thì không nước nào tin Trung Quốc

Một trong những nội dung được đề cập tại hội thảo là sự trỗi dậy của Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự. Điều này đang tạo ra những thách thức với ASEAN.

Tiến sỹ William Choong, chuyên gia cao cấp thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Singapore, nhận định: "Trong khi Trung Quốc đang cố gắng xây dựng các mối liên kết kinh tế và an ninh với các nước ASEAN thì thách thức lớn nhất đối với khu vực này chính là chiến lược của Trung Quốc đối với các tranh chấp ở Biển Đông". Theo chuyên gia này, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đang tạo ra tiền lệ đáng lo ngại xét về quy mô lấn biển và quân sự hóa.

Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Minh - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho rằng, hành động đơn phương của Trung Quốc đang cản trở xây dựng lòng tin giữa các bên và chừng nào còn "đường lưỡi bò" thì chưa thể xây dựng lòng tin.

Cũng luận bàn về sự xói mòn niềm tin này, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao cho biết, cho đến nay ASEAN đã mời Trung Quốc tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận nhưng Trung Quốc thường không thực hiện đầy đủ. Do đó, vô hình chung càng nhiều hiệp định càng khó “kiểm soát” Trung Quốc, ông Thái đánh giá.

Giáo sư Shin Kawashima - Đại học Tokyo cũng cho rằng: "Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo. Vì có khoảng cách giữa lời nói và hành động nên ảnh hưởng đến độ tin cậy của Trung Quốc. Mà lòng tin một khi đã mất thì khó lòng lấy lại".

Do đó, ông Thái cho rằng, Trung Quốc nên tính toán lại lợi ích, điều chỉnh hành vi bởi hợp tác với ASEAN là cuộc chơi đôi bên cùng có lợi, đặc biệt là khi trong tương lai gần vấn đề hàng hải sẽ chi phối khu vực.

Thách thức trong xây dựng lòng tin ở ASEAN

Phát biểu tại hội thảo, Phó giáo sư-Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, cho rằng không ai khác ngoài ASEAN có thể giải quyết được vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và rằng đã đến lúc các nước nhỏ và vừa cũng cần trỗi dậy hợp tác cùng nhau.

Tuy nhiên, để đảm bảo được vai trò trung tâm này một cách hiệu quả, ASEAN đang đối mặt với không ít thách thức.

Bàn về thách thức này, Tiến sỹ William Choong chỉ ra vai trò trung tâm của ASEAN đang giảm sút do mất phương hướng trong quan hệ với các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản. Ông cũng cho rằng, ASEAN chưa có chiến lược thực sự để điều phối, giải quyết các vấn đề tranh chấp biển đảo. Trong khi đó, Giáo sư Renato De Castro, từ Đại học De La Salle của Philippines, cho rằng chính cách thức tiếp cận của ASEAN mà cụ thể là quy ước “không can thiệp nội bộ” đang hạn chế hợp tác để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, ngay từ đầu, sự tranh chấp trên biến trong khu vực đã thu hút sự chú ý của Mỹ - nước đang duy trì vị thế hàng đầu về hải quân ở Đông Á bất chấp Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc kinh tế và quân sự. Còn Nhật Bản, đối thủ chiến lược của Trung Quốc và đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Á, đóng vai trò cân bằng trong các tranh chấp thông qua giúp đỡ các quốc gia khác có yêu sách về chủ quyền xây dựng tiềm lực hải quân. Sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và Nhật Bản trong khu vực đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông đã tạo ra sự cân bằng chiến lược. Tuy nhiên, các nước nhỏ có yêu sách chủ quyền như Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines lại mắc kẹt trong thế cân bằng chiến lược này.

Do đó, các học giả  khuyến cáo, để giữ vai trò trung tâm một cách hiệu quả, ASEAN cần xây dựng niềm tin trong khu vực, thúc đẩy vai trò của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản - hai quốc gia đang chuyển hướng chính sách sang châu Á.

Minh Phương