1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Học giả bàn về "xây dựng lòng tin ở châu Á"

(Dân trí) - Các học giả cho rằng châu Á cần có biện pháp để xây dựng lòng tin, đặc biệt là giữa ASEAN và Trung Quốc, để giải quyết các thách thức, trong đó có vấn đề tranh chấp Biển Đông.

 


Hội thảo Quốc tế về “Xây dựng lòng tin ở châu Á” tại Hà Nội ngày 4/12 (Ảnh: TG)

Hội thảo Quốc tế về “Xây dựng lòng tin ở châu Á” tại Hà Nội ngày 4/12 (Ảnh: TG)

Sáng nay 4/12, Hội thảo Quốc tế về “Xây dựng lòng tin ở châu Á” do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều học giả quốc tế cũng như các chuyên gia trong nước.

Thành phần đại biểu tại Hội thảo gồm có ông Hiroshi Fukada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Hội thảo cũng có sự góp mặt của nhiều diễn giả quốc tế trong đó có Giáo sư Kawashima Shin (Đại học Tokyo), Giáo sư Oba Mie (Đại học Khoa học Tokyo), Tiến sỹ William Choong (Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore), Giáo sư Rennato De Castro (Đại học De La Salle của Philippines). Các diễn giả trong nước gồm có PGS.TS Nguyễn Duy Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; GS.TS Đỗ Tiến Sâm, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc; TS. Nguyễn Thanh Minh từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Tại hội thảo, các học giả và chuyên gia đã đưa ra nhiều tham luận, trao đổi về các cách thức xây dựng lòng tin, sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự thay đổi kiến trúc ASEAN trong bối cảnh các cường quốc với chiến lược xoay trục sang châu Á cũng như vai trò của khối trong giải quyết thách thức ở Biển Đông.

Trong khi Trung Quốc đang cố gắng xây dựng các mối liên kết kinh tế và an ninh với các nước ASEAN, thách thức lớn nhất đối với khu vực này là chiến lược của Trung Quốc đối với các tranh chấp ở Biển Đông.

Tiến sỹ William Choong, đến từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore, cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “tằm ăn dâu” (chia nhỏ để đối phó) ở Biển Đông với những hành động và bước đi không phải trong 2-3 năm mà cả thời gian dài. "Cuộc chơi” của Trung Quốc có thể kéo dài 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa và với những cách tiếp cận riêng", ông cảnh báo.

Thực tế, Trung Quốc vẫn giữ nguyên cách tiếp cận song phương trong các vấn đề tranh chấp. Chiến lược này được cho là đã gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN và nhằm làm suy yếu các liên minh của Mỹ, giảm vai trò của Mỹ trong khu vực.

Trước thách thức này, theo các học giả, châu Á cần có biện pháp để xây dựng lòng tin, đặc biệt là giữa ASEAN và Trung Quốc. Để xây dựng lòng tin giải quyết tranh chấp Biển Đông, GS.TS Đỗ Minh Sâm cho rằng, các bên cần hợp tác tuần tra chung, giảm bớt hành động quân sự đơn phương, tuân thủ luật pháp quốc tế, lập cơ chế kiểm soát và ngừa xung đột giữa ASEAN và Trung Quốc.

Minh Phương