Xác tàu đắm của phát xít Đức châm ngòi tranh cãi ở Na Uy
(Dân trí) - Xác con tàu đắm của phát xít Đức từ Thế chiến II gây ra tranh cãi căng thẳng ở Na Uy, với 2 luồng ý kiến trái chiều liên quan tới việc giữ hay bỏ nó.
Nhà máy sản xuất dầu cá nổi trên mặt nước "Hamburg", con tàu chìm năm 1941 ở khu duyên hải Svolvær ở phía bắc Na Uy, đang gây tranh cãi căng thẳng khi nó cản trở một dự án mở rộng cảng.
Phía chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp muốn bỏ nó đi, trong khi phía các nhà khảo cổ và thám hiểm lại phản đối mạnh mẽ điều này.
Hamburg hiện là một trong những xác tàu đắm cổ nhất ở phía bắc Na Uy và là bằng chứng sống của Claymore, một chiến dịch mà phe Đồng minh thực hiện nhằm chống lại phát xít Đức.
Con tàu hơi nước 9.000 tấn nằm ở độ sâu dao động từ 5-25 mét tùy thời tiết. Vào một số ngày, một phần của tàu có thể xuất hiện trên mặt nước.
Các câu chuyện đằng sau con tàu đã biến nó trở thành một trong những điểm đến yêu thích của các thợ lặn và những người ham mê khám phá. Tuy nhiên, con tàu lại nằm ở vị trí cản trở dự án mở rộng cầu cảng. Mặt khác, vì con tàu đã hơn 100 tuổi, nó đã trở thành một di tích văn hóa cần được bảo vệ ở Na Uy, theo NRK. Điều này khiến cuộc tranh luận về việc giữ hay bỏ con tàu thêm căng thẳng.
Giám đốc cảng ở khu Vagan Ole Osland, cho rằng tàu Hamburg gây ra mối đe dọa với các tàu lớn vào và ra cảng và đặt ra câu hỏi về tầm quan trọng lịch sử của nó, nhấn mạnh rằng con tàu không phải là chiến hạm mà chỉ dùng để sản xuất dầu cá.
"Tôi hiểu được tầm quan trọng của việc lưu giữ các di tích văn hóa, nhưng một con tàu sản xuất cá thì có bao nhiêu giá trị về mặt văn hóa chứ?", ông Osland nói.
Nhà khảo cổ học Tor-Kristian Storvik cho rằng điều quan trọng là phải bảo vệ con tàu, một trong những xác tàu chiến lâu đời nhất ở miền bắc Na Uy.
"Đây là một trong những dấu vết hiện hữu của Chiến dịch Claymore, một trong những chiến dịch hợp tác đầu tiên giữa phía Na Uy và phe Đồng minh", ông Storvik nhận định.
Nhà khảo cổ học đại dương Stephen Wickler của Bảo tàng Đại học Tromsø cho rằng, xác tàu có giá trị lịch sử và văn hóa lớn và nó nên được phát triển trở thành một điểm du lịch thay vì loại bỏ nó.
Ngày 4/3/1941, khoảng 550 quân nhân Anh và Na Uy đã di chuyển tới khu vực Austvågøy ở bán đảo Lofoten và tấn công các nhà máy sản xuất dầu cá trích ở Svolvær, Stamsund, Henningsvær và Brettesnes, cũng như các tàu do phát xít Đức kiểm soát, bao gồm cả tàu Hamburg. Phát xít Đức sau đó đã đánh chìm con tàu để nó không rơi vào tay Anh, rồi trả đũa bằng cách đốt nhà, bắt con tin đưa tới trại tập trung.