1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

WHO cảnh báo không tiêm trộn vắc xin Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các nước không tiêm trộn các loại vắc xin khác nhau khi chưa có đủ dữ liệu.

WHO cảnh báo không tiêm trộn vắc xin Covid-19 - 1

Nhà khoa học WHO Soumya Swaminathan (Ảnh: NDTV).

Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã khuyến cáo các nước không nên tiêm trộn và kết hợp các loại vắc xin Covid-19 từ các nhà sản xuất khác nhau. Bà Swaminathan cho rằng đây là "xu hướng nguy hiểm" vì hiện có rất ít dữ liệu về tác động của việc tiêm trộn vắc xin đến sức khỏe của con người.

"Có nhiều người đang nghĩ đến việc trộn và kết hợp vắc xin. Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ những người nói rằng, họ đã tiêm một liều vắc xin và đang có ý định tiêm một liều khác. Đó là xu hướng khá nguy hiểm. Chúng tôi chưa có dữ liệu và có bằng chứng về khả năng kết hợp vắc xin", bà Swaminathan nói trong cuộc họp trực tuyến ngày 12/7.

Bà Swaminathan cho biết hiện có dữ liệu rất "hạn chế" về việc tiêm trộn vắc xin Covid-19.

"Các cuộc nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, chúng ta cần phải chờ đợi các nghiên cứu đó. Có thể đó sẽ là một cách tiếp cận tốt. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta mới chỉ có dữ liệu về vắc xin Oxford-AstraZeneca, tiếp đó là Pfizer. Sẽ xảy ra tình huống hỗn loạn ở các quốc gia, nếu người dân bắt đầu tự quyết định khi nào và ai sẽ tiêm liều thứ hai, thứ ba và thứ tư", nhà khoa học WHO cảnh báo.

Việc tiêm trộn vắc xin Covid-19 là phương pháp chủng ngừa bằng cách sử dụng hai liều vắc xin từ các nhà sản xuất khác nhau. Hầu hết các loại vắc xin đang được sử dụng, bao gồm cả vắc xin của Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Bharat Biotech cũng như Sputnik V, đều được yêu cầu tiêm hai liều với khoảng thời gian giãn cách giữa các mũi tiêm khác nhau đối với mỗi loại vắc xin.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, sự cách biệt về nguồn cung vắc xin Covid-19 trên quy mô toàn cầu đang diễn ra "cực kỳ không đồng đều và không công bằng".

"Một số quốc gia và khu vực đang đặt hàng triệu liều vắc xin tăng cường trước khi các quốc gia khác có đủ vắc xin để tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất tại nước họ", ông Tedros nhấn mạnh.

Nhà khoa học Swaminathan cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phân phối vắc xin công bằng trên toàn thế giới.

"Chúng ta có 4 quốc gia đã công bố các chương trình tiêm vắc xin tăng cường và một số quốc gia khác đang suy nghĩ về việc này. Nếu 11 quốc gia có thu nhập cao và trung bình quyết định sẽ tiêm vắc xin tăng cường cho người dân của họ, hoặc thậm chí cho các nhóm nhỏ, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ cần thêm 800 triệu liều vắc xin", nhà khoa học WHO nói thêm.

Theo bà Swaminathan, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy bắt buộc cần phải tiêm vắc xin tăng cường, đặc biệt là ngay sau khi đã tiêm hai liều. Thay vào đó, bà cho rằng vắc xin cần được phân phối thông qua chương trình COVAX đến các quốc gia vẫn chưa tiêm chủng cho nhân viên tuyến đầu của họ, những người già và những người dễ bị nhiễm bệnh.

Sáng kiến COVAX của Liên Hợp Quốc hướng đến mục tiêu đảm bảo nguồn cung vắc xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, với tỷ lệ tiêm chủng thấp.