1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

WHO cảnh báo "kẻ thù" có thể chọc thủng lá chắn vắc xin của thế giới

Minh Phương

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, kể cả khi ngày càng nhiều người được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, nhưng lá chắn đó vẫn có thể bị chọc thủng nếu thế giới không có những bước đi tiếp theo.

WHO cảnh báo kẻ thù có thể chọc thủng lá chắn vắc xin của thế giới - 1

Chuyên gia của WHO, bà Maria Van Kerkhove (Ảnh: Reuters).

Chính phủ các nước đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng toàn dân với hy vọng đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước đại dịch. Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa hẹn một "mùa hè tự do" nếu nước Mỹ có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số trước quốc khánh 4/7. Nhiều chuyên gia cho rằng, các vắc xin hiện tại vẫn an toàn và hiệu quả kể cả với các biến chủng dễ lây lan như Delta - biến chủng phát hiện lần đầu ở Ấn Độ.

Tuy vậy, WHO vẫn lo ngại nguy cơ các biến chủng mới trong tương lai có thể "vô hiệu hóa" vắc xin.

Tại một cuộc họp báo ngày 21/6, bà Maria Van Kerkhove, trưởng bộ phận kỹ thuật phụ trách Covid-19 của WHO, cảnh báo đến một thời điểm nào đó, các vắc xin hiện tại có thể không còn tác dụng với "chùm biến chủng" xuất hiện trong tương lai.

Do vậy, chuyên gia của WHO nhấn mạnh, việc sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 thế hệ mới trong tương lai là điều cần thiết và ngoài ra "chúng ta cần thêm các công cụ khác" để ngăn đại dịch. Bà Van Kerkhove không nêu cụ thể "các công cụ khác" là gì, nhưng dường như đề cập đến các biện pháp phòng dịch lâu nay gồm đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giãn cách xã hội.

Thông thường, virus biến chủng liên tục và chủ yếu theo hướng giảm độc lực, tuy nhiên có những trường hợp virus biến chủng nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn. Hiện WHO đã đưa 4 biến chủng virus SARS-CoV-2 vào diện "đáng lo ngại" gồm biến chủng Delta phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, biến chủng tại Anh, biến chủng tại Nam Phi, biến chủng Brazil. Các biến chủng thuộc nhóm này có thể dễ lây lan hơn, độc lực cao hơn hoặc dễ né vắc xin hơn.

Theo đánh giá của WHO, dường như không biến chủng nào trong số các biến chủng này có độc lực cao hơn các biến chủng trước mặc dù dễ lây lan hơn. Theo dữ liệu của WHO, số người tử vong vì Covid-19 toàn cầu có xu hướng giảm kể từ đầu năm nay, với 95 quốc gia ghi nhận hơn 7.500 ca trong tuần cuối tháng 5, so với 50.000 ca trong tuần đầu năm nay. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do Covid-19 tăng kỷ lục hồi tháng 3 nhưng hiện giờ đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019, đến nay đã khiến gần 180 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, trong đó gần 4 triệu người tử vong. Các nước đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc xin trong bối cảnh sự xuất hiện của các biến chủng mới cũng khiến các hình mẫu chống dịch trước kia chao đảo. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là thế giới vẫn thiếu trầm trọng nguồn cung vắc xin Covid-19, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chưa kể đến việc ở nhiều nơi, người dân có tâm lý do dự tiêm vắc xin.

WHO đã kêu gọi các nước giàu chia sẻ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc xin. WHO dự kiến sẽ lập một trung tâm chia sẻ công nghệ tại Nam Phi cho phép doanh nghiệp của các nước có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi tiếp cận sáng chế sản xuất vắc xin.