1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

WHO cân nhắc ban bố tình trạng “khẩn cấp toàn cầu” do virus Vũ Hán

(Dân trí) - Trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm và số người tử vong vì viêm phổi do virus corona chủng mới bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc tăng nhanh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ nhóm họp hôm nay và cân nhắc ban bố đây là một vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.

WHO cân nhắc ban bố tình trạng “khẩn cấp toàn cầu” do virus Vũ Hán - 1

Bác sĩ điều trị cho một ca viêm phổi do nhiễm virus corona mới tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Getty)


Reuters cho biết, Ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ họp kín vào hôm nay 30/1 để xem xét lại quyết định trước đó khi không công bố dịch viêm phổi do virus corona mới ở Trung Quốc là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. Cuộc họp được triệu tập sau khi WHO bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các ca nhiễm mới.

Tuần trước, WHO nói rằng "còn quá sớm" để ban bố dịch viêm phổi ở Trung Quốc hiện nay là “vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu”. "Đây là vấn đề khẩn cấp tại Trung Quốc nhưng vẫn chưa trở thành vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu quan điểm tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 23/1.

Tuy nhiên, quan điểm này dường như đã bắt đầu thay đổi trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch viêm phổi với các ca nhiễm bệnh lây từ người sang người. “Vài ngày trở lại đây, tình hình lây lan của virus này, đặc biệt ở một số nước và tình trạng lây từ người sang người, khiến chúng tôi quan ngại sâu sắc. Mặc dù số ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc vẫn tương đối nhỏ, nhưng dịch có nguy cơ bùng phát rộng hơn”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm qua.

Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, cho biết, vài ngày trở lại đây đã có ít nhất 6 trường hợp nhiễm bệnh thậm chí trước đó không hề tới Trung Quốc. Một trong các trường hợp này là một nam giới 33 tuổi ở Đức nghi bị lây bệnh từ một đồng nghiệp Trung Quốc.

Việc tuyên bố một dịch bệnh nào đó là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" của WHO sẽ đòi hỏi các quốc gia phải đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý ngăn chặn dịch ở quy mô quốc tế.

Đầu tuần này, ông Tedros cũng đã lên tiếng xin lỗi vì bản báo cáo của WHO hồi cuối tuần trước nói rằng nguy cơ toàn cầu từ virus Vũ Hán là “vừa phải”. WHO đã sửa từ mức “vừa phải” thành mức “cao”, và sự nhầm lẫn này được giải thích là do “lỗi soạn văn bản”.

Theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc và các tổ chức quốc tế khác, kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019 đến ngày 29/1, số người tử vong vì viêm phổi do virus corona mới là 133 người (chủ yếu ở Trung Quốc), số ca nhiễm bệnh là hơn 7.000 người. Trung Quốc đã thực hiện cách ly gần 60 triệu dân để ngăn dịch lây lan.

Một số hãng hàng không lớn đã ngừng khai thác các chuyến bay đến Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Trong khi đó, chính phủ nhiều nước đã bắt đầu triển khai kế hoạch sơ tán công dân khỏi vùng dịch ở Trung Quốc.

Dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc bùng phát từ cuối năm 2019 được cho là từ một khu chợ chuyên kinh doanh động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của nước này. Đến nay giới chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định nguồn gốc phát tán virus corona chủng mới gây dịch viêm phổi nói trên. Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng, virus này phát tán từ rắn hổ và rắn cạp nong, một số chuyên gia thiên về giả thuyết chúng bắt nguồn từ loài dơi.

Minh Phương
Theo Reuters