1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

WHO: Các nước phải học cách sống chung với Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng các nước phải học cách sống chung với Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia.

WHO: Các nước phải học cách sống chung với Covid-19 - 1

Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới đang có chiều hướng tăng trở lại (Ảnh minh họa: Reuters).

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với báo La Vanguardia của Tây Ban Nha, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết, WHO không thể tuyên bố chấm dứt đại dịch Covid-19 nếu các hệ thống y tế vẫn có nguy cơ không thể đối phó với số ca nhiễm tăng đột biến.

"Chúng ta phải học cách sống chung với virus. Vào thời điểm hệ thống y tế của chúng ta không bị quá tải bởi các ca nhập viện và tử vong do Covid-19, đồng nghĩa với việc hệ thống này có thể cung cấp các dịch vụ như đã từng cung cấp trước đây, đại dịch có thể trở thành bệnh đặc hữu", ông Kluge nói.

Phát biểu của quan chức WHO được đưa ra giữa lúc có nhiều lo ngại về tình hình dịch bệnh tại châu Âu khi mùa đông tới gần.

Trả lời câu hỏi về việc liệu "châu Âu có trở thành tâm chấn của đại dịch thêm một lần nữa hay không", ông Kluge cho biết WHO dự đoán khu vực này sẽ có "nửa triệu ca tử vong" vì Covid-19 trước tháng 2 năm sau.

Quan chức WHO cho rằng, sự kết hợp của các thông tin sai lệch và việc nới lỏng các biện pháp xã hội cũng như y tế cộng đồng đã khiến số ca nhiễm và tử vong tăng vọt tại châu Âu như hiện nay. Theo ông Kluge, các quốc gia châu Âu cần bác bỏ quan điểm phản đối vaccine Covid-19 và các biện pháp chống dịch an toàn.

Ông Kluge cho rằng tình hình sẽ rất "khó khăn" nếu chương trình tiêm chủng vaccine không được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, ông Kluge cho rằng các quốc gia "không được để ai bị bỏ lại phía sau", đồng thời tập trung vào các mũi tiêm tăng cường và tiêm chủng cho trẻ em để tối đa hóa độ phủ vaccine và giảm thiểu sự lây lan của virus.

Quan chức WHO cho rằng Mỹ cần chú ý tới tình hình dịch Covid-19 tại châu Âu hiện nay và "rút ra bài học". Trước đó, WHO cho biết tình hình tại châu Âu là "phát súng cảnh báo" về nguy cơ dịch bùng phát trở lại, đặc biệt tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan ngày 9/11 cho biết WHO đang trông chờ thế hệ thứ 2 của vaccine Covid-19, trong đó có dạng uống và xịt mũi.

Bà Swaminathan cho rằng những vaccine Covid-19 dạng uống và xịt mũi có thể có lợi thế so với những dạng tiêm hiện nay, vì chúng có thể được phân phối dễ dàng hơn và thậm chí nhiều người có thể tự sử dụng.

Theo bà Swaminathan, hiện có 129 loại vaccine khác nhau đã được thử nghiệm lâm sàng trên người, trong khi còn 194 loại khác chưa có tiến triển và vẫn đang được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

WHO hiện cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 7 loại vaccine Covid-19 gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và Bharat Biotech.

"Không có vaccine nào hiệu quả 100%. Không ai tuyên bố vaccine sẽ bảo vệ 100%. Nhưng hiệu quả 90% là mức độ bảo vệ tuyệt vời rồi", bà Swaminathan nói.

Tính đến nay, có hơn 7,25 tỉ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên thế giới, theo AFP.