Vùng ly khai Moldova cầu cứu Nga trong "cuộc chiến kinh tế"
(Dân trí) - Sau khi kết thúc Đại hội đại biểu ngày 28/2, các nhà lập pháp tại Transnistria, vùng ly khai của Moldova, ra nghị quyết đề nghị Nga hỗ trợ trước sức ép kinh tế của chính phủ thân phương Tây.
AFP dẫn nội dung nghị quyết đại hội cho biết, Transnistria kêu gọi Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga có các biện pháp bảo vệ vùng này trước "sức ép ngày một tăng từ Moldova".
Nghị quyết cáo buộc, Moldova đã phát động "cuộc chiến kinh tế" chống lại Transnistria và cố tình ngăn chặn các cuộc thương lượng với chính quyền ly khai thân Nga, theo Odessa Journal.
Các nhà lập pháp vùng ly khai cũng kêu gọi các bên khác như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), Nghị viện châu Âu, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc "tác động tới lãnh đạo Moldova để quay lại đối thoại thỏa đáng, và ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền lợi và tự do của cư dân Transnistria".
Transnistria là vùng lãnh thổ nằm giữa sông Dniester và biên giới Ukraine, có phần lớn cư dân nói tiếng Nga, được quốc tế công nhận là một phần của Moldova.
Vùng này đã đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Moldova sau khi Liên Xô tan rã. Năm 1992, phe ly khai xung đột vũ trang với chính phủ thân phương Tây của Moldova, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Nga có khoảng 1.500 binh sĩ làm nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình" đồn trú tại khu vực ly khai này.
Sự kiện ngày 28/2 là đại hội đại biểu lần thứ 7 trong lịch sử Transnistria, được tổ chức trong bối cảnh tranh chấp ngày càng gay gắt với chính phủ Moldova về thuế hải quan.
Kể từ khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, Moldova vẫn lo ngại rằng Điện Kremlin có thể sử dụng Transnistria để mở mặt trận mới ở phía tây nam, gần tỉnh Odesa phía nam Ukraine.
Vào tháng 3/2023, Transnistria cáo buộc Ukraine đứng sau vụ ám sát lãnh đạo của vùng lãnh thổ này. Phía Ukraine bác bỏ cáo buộc.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Ukraine đã lên kế hoạch tấn công vùng ly khai Moldova nhưng không đưa ra bằng chứng.
Nghị quyết đại hội hôm 28/2 ít đề cập đến Ukraine mà chủ yếu nhắm vào Moldova, theo AFP.
Trước khi Transnistria tổ chức đại hội nói trên, phát ngôn viên của chính phủ Moldova lên tiếng cho rằng sự kiện này không quá đáng ngại.
"Từ góc độ của Chisinau, tình hình vẫn yên bình... Không có nguy cơ leo thang và mất ổn định tình hình ở khu vực Transnistrian. Đây lại là một chiến dịch khác nhằm tạo ra sự hoảng loạn", AFP dẫn lời người phát ngôn Moldova nói trên Telegram.