Nga quan ngại tình hình vùng ly khai Moldova
(Dân trí) - Nga quan ngại về tình hình vùng ly khai Transnistria ở Moldova, nơi Moscow cáo buộc Ukraine và các nước châu Âu khác đang khuấy động tình hình.
"Tình hình ở Transnistria là vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm và là lý do khiến chúng tôi quan ngại. Các thế lực bên ngoài đang khuấy động, gây bất ổn tình hình ở đây", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với phóng viên ngày 27/2.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo, bất cứ hành động nào đe dọa lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở vùng ly khai Transnistria (Moldova) sẽ bị coi là tấn công trực tiếp Moscow.
Moscow tuyên bố sẽ đáp trả bất cứ "hành động khiêu khích nào" của Ukraine, Mỹ và các đồng minh NATO nhằm chống lại lực lượng hòa bình của Nga ở Transnistria.
Nga cáo buộc Ukraine đưa một lượng lớn binh sĩ, khí tài đến sát Transnistria, chuẩn bị cho kế hoạch động binh nhằm đổ lỗi cho Moscow.
"Theo thông tin chúng tôi có được, trong tương lai gần, chế độ Kiev đang chuẩn bị một cuộc khiêu khích vũ trang chống Transnistria. Kế hoạch sẽ được thực hiện bởi các đơn vị của lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cả sự tham gia của đơn vị theo chủ nghĩa dân tộc Azov", Bộ Quốc phòng Nga nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Kiev muốn giành quyền kiểm soát Transnistria.
Ông Vadim Krasnoselsky, người đứng đầu vùng ly khai Transdniestria, cho biết tình hình ở đây hiện căng thẳng, song kêu gọi người dân bình tĩnh. Ông cam kết chính quyền sẽ thông báo ngay lập tức nếu xuất hiện bất cứ mối đe dọa nào.
Trong khi đó, Tổng thống Moldova Maia Sandu nghi ngờ Moscow có kế hoạch thay đổi chính quyền ở nước này, biến Moldova thành "Ukraine thứ hai".
Điện Kremlin đã lên tiếng phản bác. "Những tuyên bố như vậy là hoàn toàn vô căn cứ", Bộ Ngoại giao Nga nói, đồng thời cho rằng Ukraine gây căng thẳng, tìm cách lôi kéo Moldova "vào một cuộc đối đầu khó khăn với Nga".
Moldova là quốc gia Liên Xô cũ nằm giữa Romania và Ukraine. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Transnistria tuyên bố ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người tại Transnistria từ năm 1993.
EU đã cấp quy chế ứng cử viên gia nhập liên minh này cho cả Moldova và Ukraine vào năm ngoái, như một cử chỉ mang tính biểu tượng chống lại Nga. Phương Tây nghi ngờ Nga đang sử dụng Moldova và các nhóm ly khai ở vùng Transnistria để gây căng thẳng và tước nguồn cấp vũ khí cho Ukraine đến một mặt trận mới.
Quan hệ giữa Nga và Moldova bắt đầu xấu đi từ năm 2021, khi Moldova thúc đẩy nỗ lực gia nhập EU. Giới quan sát phương Tây cho rằng, điều này khiến Nga thất vọng, vì họ vốn coi Moldova trong phạm vi ảnh hưởng của mình, giống Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác.
Mối quan hệ song phương càng căng thẳng hơn từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2/2022. Trong một diễn biến mới nhất cho thấy căng thẳng giữa hai nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đã thu hồi sắc lệnh năm 2012 vốn nhằm ủng hộ chủ quyền của Moldova trong việc giải quyết tương lai của vùng ly khai Transnistria. Trong sắc lệnh, Moscow cam kết tìm cách giải quyết vấn đề vùng ly khai Transnistria "dựa trên tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tình trạng trung lập của Cộng hòa Moldova".