Vừa nhậm chức, Tổng thống Ukraine đã lâm vào thế khó với Tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Tổng thống Zelensky sẽ phải hành động cẩn trọng, vì ông có thể “chọc giận” Tổng thống Trump, nhưng cũng có thể làm ảnh hưởng tới cựu Phó tổng thống Biden - một ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, người có thể kế nhiệm ông Trump.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có một công việc không hề dễ dàng. Ukraine là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, đất nước của ông đối với mặt với tình trạng chảy vốn ra nước ngoài và cuộc xung đột với phe đòi độc lập ở miền đông đã rơi vào tình trạng bế tắc đẫm máu.
Giờ đây chính trị gia xuất thân từ một diễn viên hài lại đối mặt với thách thức lớn đầu tiên: làm thế nào để xử lý khéo mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người xuất thân từ truyền hình thực tế.
Ukraine đang trở thành tâm điểm của một bê bối chính trị lớn tại Mỹ, sau khi xuất hiện các thông tin nói rằng Tổng thống Trump đã gây sức ép với ông Zelensky trong một cuộc điện đàm vào ngày 25/7 nhằm điều tra Hunter Biden, con trai của cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden - ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Cuộc điện đàm liên quan tới đơn khiếu nại của một người tố giác được trình lên Tổng thanh tra cộng đồng tình báo. Tranh cãi về đơn khiếu nại đã gây ra những kêu gọi về việc quốc hội khởi động các tiến trình luận tội chống lại Tổng thống.
Ông Hunter Biden từng làm việc cho một công ty dầu khí Ukraine thời cha ông làm Phó Tổng thống Mỹ. Ông Biden đã bác bỏ các khẳng định không có cơ sở của ông Trump rằng ông và con trai đã hành động không thích hợp trong các thỏa thuận với chính phủ Ukraine thời ông đương chức.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy ông Biden hay con trai ông từng có hành động sai trái. Trong khi đó, Tổng thống Trump hôm 21/9 một lần nữa lên tiếng bảo vệ cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Ukraine.
Vụ lùm xùm trên diễn ra chỉ ít ngày trước khi Tổng thống Zelensky ra mắt chính trường thế giới. Vào ngày 23/9, Tổng thống Ukraine dự kiến sẽ tới Mỹ để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nơi ông dự kiến gặp nhà lãnh đạo Mỹ bên lề sự kiện.
Điều gì có thể xảy ra?
Với Ukraine, vụ việc này rất quan trọng. Ukraine, từng thuộc Liên Xô cũ, phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ của quốc tế để thúc đẩy kinh tế sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, và một cuộc xung đột với lực lượng đòi độc lập thân Nga ở miền đông đã cướp đi sinh mạng của khoảng 13.000 người. Khoản vay dự phòng trị giá 3,9 tỷ USD sẽ hết hạn vào năm tới và một nhóm công tác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện đang có mặt tại Ukraine để thảo luận về chương trình cho vay mới nhằm giúp đất nước này phát triển.
Tại New York, ông sẽ cần thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng ông quyết tâm giải quyết nạn tham nhũng và quản trị kém vốn cản trở đầu tư và làm tụt hậu nền kinh tế trong nước.
Ông cũng cần kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới khác vì sự đoàn kết và ủng hộ đối với cuộc xung đột đang diễn ra ở miền đông và căng thẳng với Nga. Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn duy trì các lệnh trừng phạt với Nga kể từ năm 2014, nhưng có các dấu hiệu cho thấy phương Tây có thể bắt đầu nới lỏng trừng phạt.
Ví dụ, ông Trump đã đề xuất có thể để Nga tái tham dự nhóm G7 sau khi nước này bị loại khỏi nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển do sáp nhập bán đảo Crimea. Còn Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gần đây nói với các phóng viên rằng đã đến lúc EU và Moscow tái hòa giải.
Ông Zelensky đã đạt được một số thành công bước đầu trong việc xử lý mối quan hệ với người láng giềng khổng lồ. Ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã đàm phán để trao đổi tổng cộng 70 tù nhân, một động thái giúp giảm căng thẳng giữa 2 nước. Nhưng Ukraine rất cần hỗ trợ quân sự. Nga bị cáo buộc là đã bí mật cung cấp các vũ khí tiên tiến cho vùng Donbas và Moscow được cho là cũng cử các cố vấn quân sự tới miền đông Ukraine - điều mà Moscow bác bỏ.
Tuy nhiên, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine gần đây đã gặp khó khăn. Gần đây, chính quyền Trump đã tạm thời cấm giải ngân khoản 250 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Hỗ trợ cho Ukraine đã nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Washington: các nghị sĩ đã chuẩn bị bỏ phiếu về một biện pháp có thể buộc chính quyền phải “cởi trói” cho các khoản vay. Nhưng những người chỉ trích chính quyền Trump đã chỉ ra điều mà họ miêu tả là một vấn đề: Tổng thống đang tạo lợi thế cho ông Putin.
Giờ đây chưa rõ Tổng thống Zelensky sẽ tương tác như thế nào với nhà lãnh đạo Mỹ. Và rốt cuộc, giữa lúc xảy ra vụ bê bối mới nhất, ông Trump vẫn tiếp tục khẳng định rằng ai đó nên điều tra ông Biden.
Đối với một số nhà quan sát Ukraine, vụ việc Ukraine-Biden là một câu chuyện chính trị vớ vẩn. Nhưng ông Zelensky sẽ phải hành động cẩn trọng, vì ông có thể “chọc giận” ông Trump, nhưng cũng có thể làm ảnh hưởng tới một ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, người có thể kế nhiệm ông Trump.
Cho tới nay, phản ứng của chính quyền Kiev đối với vụ bê bối đang làm chấn động Washington vẫn rất thận trọng.
Một bản đọc của cuộc điện đàm ngày 25/7 được chính quyền Ukraine công bố cho thấy ông Trump đã “được thuyết phục rằng chính quyền mới của Ukraine sẽ có thể nhanh chóng cải thiện hình ảnh của Ukraine, hoàn tất các cuộc điều tra tham nhũng, vốn cản trở hợp tác giữa Ukraine và Mỹ”.
Có một sự trớ trêu không nhỏ ở đây: Ông Zelensky, người tứng đóng vai một tổng thống trong một chương trình truyền hình, đã lên nắm quyền với lời hứa chiến đấu với tham nhũng. Giờ đây, ông lại vướng vào một kịch bản chính trị đang rùm beng ở thủ đô Washington, nước Mỹ.
An Bình