1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vừa mở màn họp quốc hội Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa lập tức phản đối kết quả

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nghị sĩ Cộng hòa đã phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri của bang Arizona khiến phiên họp toàn thể của quốc hội Mỹ nhằm xác nhận tổng thống đắc cử bị gián đoạn.

Vừa mở màn họp quốc hội Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa lập tức phản đối kết quả - 1

Các nghị sĩ dự phiên họp của quốc hội ở Washington ngày 6/1. (Ảnh: Reuters)

Chiều 6/1, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã bắt đầu phiên họp toàn thể nhằm kiểm phiếu đại cử tri do các bang gửi lên và chính thức xác nhận kết quả bầu cử, đồng thời công bố tổng thống đắc cử. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence với vai trò Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều có mặt tại phiên họp.

Theo quy trình, Phó tổng thống Mike Pence, người chủ trì cuộc họp, mở các thư đảm bảo chứa phiếu và các bản chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang theo thứ tự alphabet. Sau đó, đại diện hai đảng ở lưỡng viện sẽ kiểm đếm phiếu và đọc kết quả chính thức.

Vừa mở màn họp quốc hội Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa lập tức phản đối kết quả - 2

Phó Tổng thống Mike Pence - Chủ tịch Thượng viện Mỹ và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại phiên họp toàn thể của quốc hội ở Washington ngày 6/1. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar đọc to kết quả bỏ phiếu đại cử tri của bang Arizona, một trong những bang được kiểm phiếu đầu tiên theo thứ tự alphabet, và thông báo 11 phiếu đại cử tri của bang này sẽ thuộc về ứng viên Joe Biden, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz của bang Texas và Hạ nghị sĩ Cộng hòa Paul Gosar của bang Arizona đã lên tiếng phản đối kết quả.

Khi hai nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố phản đối phiếu bầu đại cử tri của bang Arizona, nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã đứng dậy và vỗ tay tán thưởng động thái này.

Nghị sĩ Cộng hòa phản đối kết quả phiếu đại cử tri Arizona

Sau đó, lưỡng viện đã tách ra họp riêng và phiên họp của quốc hội tạm dừng. Hạ viện và Thượng viện sẽ tranh luận độc lập không quá hai giờ và mỗi nghị sĩ sẽ có tối đa 5 phút trình bày cho mỗi cáo buộc, sau đó biểu quyết có chấp nhận kết quả hay không. Kết quả bỏ phiếu đại cử tri của một bang chỉ bị vô hiệu hóa khi có sự đồng thuận của cả Thượng viện và Hạ viện.

Trước khi phiên họp bắt đầu, Fox News dẫn nguồn thạo tin cho biết nhóm thượng nghị sĩ Cộng hòa do ông Ted Cruz dẫn đầu sẽ thách thức kết quả ở ít nhất bang Arizona. Hiện chưa rõ họ có ý định thách thức kết quả ở bang nào khác nữa không.

Theo kết quả phiếu bầu của đại cử tri vào tháng 12 năm ngoái, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden giành được 306 phiếu, vượt 270 phiếu cần thiết để đắc cử tổng thống, trong khi ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump giành được 232 phiếu.

Vừa mở màn họp quốc hội Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa lập tức phản đối kết quả - 3

Các nghị sĩ vỗ tay khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) và Hạ nghị sĩ Cộng hòa Paul Gosar (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại Arizona. (Ảnh: Reuters)

Phiên họp toàn thể của quốc hội Mỹ vốn chỉ mang tính thông lệ và hình thức nhằm xác nhận lại kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở các bang đã diễn ra trước đó. Tuy nhiên, cuộc họp năm nay gây chú ý bởi Tổng thống Donald Trump chưa công nhận kết quả. Sau hàng loạt vụ kiện gian lận bầu cử thất bại ở cả cấp tiểu bang và liên bang, Tổng thống Trump và các đồng minh đã lên kế hoạch thách thức kết quả bầu cử tại phiên họp lưỡng viện hôm 6/1.

Theo Fox News, hơn 100 nghị sĩ Cộng hòa đã lên kế hoạch thách thức kết quả tại 6 bang gồm Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania, Nevada và Wisconsin. Nếu nhóm nghị sĩ này thách thức kết quả bầu cử tại 6 bang trong phiên họp của quốc hội, quá trình kiểm phiếu có thể kéo dài tới 12 tiếng.

Trong những ngày qua, Tổng thống Trump liên tục gây sức ép với Phó Tổng thống Mike Pence, đặt ông Pence vào tình thế "khó xử" khi hoặc phải công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử hoặc sẽ phải "lật kèo" theo ý muốn của ông Trump.

Trước phiên họp quốc hội, Phó Tổng thống Pence đã ra tuyên bố chính thức, khẳng định ông "chia sẻ quan ngại với hàng triệu người Mỹ về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử năm nay". Phó Tổng thống cam kết sẽ đảm bảo các lo ngại về kết quả bầu cử được trình bày một cách "công bằng và cởi mở" tại phiên họp quốc hội do ông chủ trì.