DMagazine

"Vua chiến trường" có thể xoay chuyển cán cân chiến sự Nga - Ukraine

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, trong gần 11 tháng Nga - Ukraine bùng phát chiến sự, các hệ thống pháo đã có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các bước ngoặt, đúng như tên gọi "Vua chiến trường".

"VUA CHIẾN TRƯỜNG" CÓ THỂ XOAY CHUYỂN CÁN CÂN CHIẾN SỰ NGA - UKRAINE

Giới quan sát nhận định, trong gần 11 tháng Nga - Ukraine bùng phát chiến sự, các hệ thống pháo đã có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các bước ngoặt, đúng như tên gọi "Vua chiến trường".

"Pháo binh là vua trên chiến trường, luôn luôn là vậy và sẽ luôn luôn như vậy", cựu thiếu tá nghỉ hưu, chuyên gia quân sự Mỹ John Spencer nhận định.

Thực tế trên chiến trường ở Ukraine gần 11 tháng qua cho thấy, dù chiến sự đã xuất hiện hàng loạt các vũ khí của hoạt động tác chiến hiện đại như vũ khí siêu vượt âm, máy bay không người lái tối tân, vai trò của pháo binh trong các nỗ lực giành quyền kiểm soát lãnh thổ là không thể xem nhẹ.

Vua chiến trường

Từ những lần đầu xuất hiện lần đầu tiên trên chiến trường dưới hình thức thô sơ, pháo binh đã bắt đầu có tác động xoay chuyển các trận chiến trong tương lai sau này.

Cựu hoàng đế, nhà lãnh đạo quân sự Pháp Napoleon Bonaparte từng nhận định rằng: "Chúa đứng về cùng phía với phe chiến đấu bằng loại pháo tốt nhất".

Tới thế kỷ 20, đặc biệt sau 2 cuộc thế chiến, vai trò của pháo binh càng được khẳng định hơn nữa. Một trong những yếu tố giúp Hồng quân Liên Xô chiến thắng trước Phát xít Đức chính là pháo binh.

Pháo binh có sức công phá lớn trên chiến trường. Tổ chức nghiên cứu quân sự Finalbel chỉ ra rằng, phần lớn thương vong trên chiến trường trong các cuộc giao tranh xảy ra là do đạn pháo chứ không phải do lựu đạn, đạn thường và các vũ khí khác.

Trên mặt đất, pháo binh là lực lượng nòng cốt cho các nỗ lực tấn công và phòng vệ. Ví dụ, pháo thường sẽ được sử dụng để bao vây lực lượng đối thủ bằng hỏa lực dồn dập từ các phía để buộc họ phải rút lui. Tương tự, pháo cũng được triển khai dọc theo các khu vực giới tuyến, tạo thành một lớp bảo vệ để chặn đà tiến của đối phương.

Kết hợp với các thiết bị trinh sát như radar phản pháo, UAV, pháo binh có uy lực tấn công mạnh mẽ đối thủ khi nắm được vị trí chính xác của các mục tiêu. Ngoài ra, pháo được xem là hỏa lực có giá thành rẻ so với tên lửa, có sức công phá mạnh mẽ, khó bị đánh chặn vì có tầm bay thấp. Pháo có đủ sức mạnh để tấn công một khu vực rộng lớn, nhấn nó trong mưa hỏa lực, khiến đối thủ thiệt hại nặng nề.

Vua chiến trường có thể xoay chuyển cán cân chiến sự Nga - Ukraine - 1

Các quân nhân Ukrainian bắn một quả đạn từ lựu pháo M777 gần tiền tuyến ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Theo giới quan sát, một điểm đáng lưu ý trong chiến sự Nga - Ukraine là không bên nào kiểm soát hoàn toàn được không phận.

Sau Thế chiến II, học thuyết quân sự của một số nước phương Tây đã không còn đề cao vai trò của pháo binh dù nó có khả năng gây thương vong lớn. Mỹ và đồng minh có xu hướng triển khai các thiết giáp trang bị hỏa lực có tính cơ động cao, kết hợp với máy bay ném bom bọc lót phía trên. Chiến thuật này có thể tạo ra một đòn tập kích nhanh, tầm xa, linh hoạt, ít rủi ro hơn.

Nhưng điều kiện bắt buộc là bên tấn công phải kiểm soát được bầu trời của đối thủ, và đây là điều chưa xảy ra ở Ukraine. Chính vì vậy, trong nhiều tháng qua, pháo vẫn được xem là vũ khí quan trọng hàng đầu của cả 2 phía trong những diễn biến bước ngoặt của chiến sự.

Trước khi chiến sự bùng nổ ngày 24/2/2022, Nga và Ukraine có kho pháo được thừa hưởng từ thời Liên Xô cũ. Nga là cường quốc quân sự nên họ có kho pháo áp đảo Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine cũng là quốc gia có nền khoa học quân sự mạnh nhờ thừa hưởng di sản từ Liên Xô nên họ cũng sở hữu những khẩu pháo khá uy lực.

Cả Nga và Ukraine đều sử dụng các loại pháo từ Liên Xô như pháo kéo D-30 Lyagushka với tầm bắn 22km; lựu pháo khổng lồ 2A36 Giatsint-B với tầm bắn 40km cũng như pháo phản lực BM-30 Smerch có tầm bắn 70km.

Sự tương đồng này có nghĩa là Ukraine hiểu được một phần kho vũ khí của đối thủ, cũng như dễ dàng biên chế các khẩu pháo tịch thu được của Nga vào đội hình nếu chúng còn nguyên vẹn. Mặc dù vậy, điều này cũng là một điểm yếu vì pháo thì cần đạn và kho đạn của Ukraine khá hạn chế, khiến họ phải phụ thuộc vào nguồn cung từ một số nước NATO từng là thành viên của hiệp ước Warsaw.

Siêu pháo "lửa mặt trời" của Nga phóng hỏa lực vào mục tiêu ở Ukraine

Mặt khác, trong nhiều năm qua, Nga đã phát triển các hệ thống pháo uy lực, có khả năng tấn công trên diện rộng như 2S19M2 Msta-S đã được cải tiến, pháo tự hành 2S5 Hyacinth-S, pháo phản lực phóng loạt BM-27 Uragan, pháo cối 2S4 Tyulpan cỡ nòng 240mm. Ngoài ra, Nga còn mang cả "hỏa thần nhiệt áp" TOS-1A tới Ukraine với khả năng tấn công một khu vực có diện tích tương đương 6 sân bóng đá, lên tới 40.000m2.

Trước một lực lượng Nga áp đảo về tiềm lực pháo binh, Ukraine đã kêu gọi phương Tây viện trợ các hệ thống vũ khí theo chuẩn NATO. Một số hệ thống có thể kể tới như lựu pháo CAESAR cỡ nòng 155mm (Pháp), lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm (Mỹ), pháo M119A3 (Anh).

Một tổ hợp nổi bật nhất mà phương Tây cấp cho Ukraine vào tháng 6/2022 là hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS. Ukraine gọi HIMARS là vũ khí thay đổi cuộc chơi vì nó đã phá hủy hàng loạt tuyến tiếp tế hậu cần của Nga, tấn công vào vị trí của binh sĩ Nga, buộc Nga rút quân khỏi một số khu vực chiến lược, như thành phố Kherson. Có thể nói, HIMARS đã đóng góp quan trọng cho chiến dịch phản công của Ukraine trên toàn tuyến, tạo ra các bước ngoặt lớn, đặc biệt ở chiến trường miền Nam.

Kế hoạch bất thành của Nga ở Kiev

Từ trước khi HIMARS xuất hiện, Ukraine đã từng tận dụng sức mạnh của pháo binh để xoay chuyển tình thế tại chiến trường ở Kiev.

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine từ tháng 2 năm ngoái với việc đưa khí tài bọc thép, gồm lượng lớn xe tăng theo nhiều hướng vào lãnh thổ nước láng giềng. Sau một vài tuần không đạt được bước tiến, Nga quyết định rút quân để tập trung khỏi miền Bắc Ukraine và khu vực Kiev để tập trung vào chiến sự ở miền Đông.

Nhiều chuyên gia quân sự đã nhận định, các tên lửa chống tăng Javelin, NLAWS, tên lửa phòng không Stinger của phương Tây đã giúp Ukraine chặn đà tiến của Nga. Tuy nhiên, theo viện nghiên cứu RUSI (Anh), chính pháo binh hạng nặng của Ukraine đã "ngáng đường" đội ngũ khí tài hùng hậu của Nga.

Ukraine công bố video phá hủy xe tăng Nga

"Bất chấp truyền thông phương Tây nói về sự hiệu quả của vũ khí chống tăng dẫn đường của Anh và Mỹ, thực tế là Ukraine đã ngăn Nga giành quyền kiểm soát Kiev bằng cách sử dụng hỏa lực từ các lữ đoàn pháo binh", RUSI nhận định.

Vấn đề không phải là do các tên lửa chống tăng không hiệu quả, theo chuyên gia Jack Watling. "Vấn đề nằm ở chỗ đây sẽ là phương án tác chiến không kinh tế nếu huy động tổng lực tên lửa chống tăng để chặn đà tiến của một lực lượng bọc thép hùng hậu như của Nga", ông giải thích.

Về mặt lý thuyết, Ukraine có 9.100 tên lửa chống tăng vào thời điểm tháng 2 năm ngoái. Con số này đủ để chặn đội thiết giáp của Nga ở giai đoạn đầu cuộc chiến. Tuy nhiên, nếu mục tiêu là phóng ra lượng lớn hỏa lực để cản xe tăng Nga, thì pháo là hiệu quả nhất. Pháo được xem là vũ khí đã phá hủy của Nga nhiều khí tài nhất ở khu vực Kiev, theo ông Watling.

Theo Forbes, kế hoạch ban đầu của Nga khi mở chiến sự là tiến thẳng tới thủ đô Kiev theo nhiều hướng, giành quyền kiểm soát thành phố này. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, tính toán của Moscow đã bất thành do sự cản phá quyết liệt của Ukraine, trong đó có hệ thống pháo.

Trên thực địa, với thời điểm đó, lực lượng của Ukraine khá mỏng, với khoảng 20.000 nhân lực, bao gồm cả bộ binh, lữ đoàn cơ giới. Trong khi đó, Nga đưa khoảng hàng chục nghìn quân tiến vào.

Theo chuyên gia David Axe, "át chủ bài" giúp Ukraine chặn được Nga trong những ngày đầu chiến dịch là Lữ đoàn pháo binh 44 và một đơn vị khác. Hai lực lượng này đã yểm trợ hỏa lực tích cực cho bộ binh với hàng trăm tổ hợp pháo tự hành 2A65 và 2S7 và pháo kéo 2A36.

Vào thời điểm đó, Nga cũng mang theo số lượng lớn pháo tiến vào Kiev, nhưng vấn đề của họ là địa hình ẩm ướt quanh thành phố này vào thời điểm đó, khiến các khẩu pháo di chuyển khó khăn. Đội hình pháo của Kiev đã được chuẩn bị từ trước khi chiến sự diễn ra và gây ra thiệt hại không nhỏ cho đối thủ, buộc Nga phải thay đổi kế hoạch.

Chảo lửa miền Đông Ukraine

Sau khi rút khỏi Kiev, Nga thông báo tập trung chiến dịch vào Donbass. Tại khu vực này, một lần nữa pháo binh đã thể hiện vai trò tạo nên bước ngoặt trên thực địa.

Báo cáo của viện RUSI hồi tháng 7 năm ngoái đã tiết lộ những chi tiết đặc biệt trong chiến thuật hỏa lực của Nga ở Donbass trong giai đoạn 2 và tầm quan trọng của nó trong việc giúp Nga đạt được thế áp đảo ở miền Đông.

Về cơ bản, các trận địa pháo hàng loạt của Nga đã được duy trì với tốc độ dồn dập vào các mục tiêu, gây áp lực khiến quân đội Ukraine phải rút khỏi vị trí để tránh thương vong lớn hơn, ví dụ như trường hợp ở 2 thành phố Severodonetsk và Lysychansk ở tỉnh Lugansk.

Hỏa lực được bắn ra với số lượng lớn cũng khiến phía Ukraine không thể tập hợp đủ lực lượng kịp thời để phản công.

Siêu pháo thần sấm Nga dùng chiến thuật hỏa lực di động tập kích Ukraine

Theo báo cáo, Nga sở hữu lượng đạn pháo và hỏa lực áp đảo Ukraine. Trong khi đó, Ukraine đang dần cạn kho đạn 152mm từ thời Liên Xô và phải trông chờ vào viện trợ của phương Tây với loại đạn 155mm. Ukraine từng thừa nhận Nga phóng ra lượng hỏa lực gấp 10 lần Kiev và việc chống đỡ trước "mưa" đạn pháo và tên lửa từ Moscow khiến Ukraine thiệt hại rất nhiều về nhân lực.

Một điểm lưu ý mà các chuyên gia liệt kê trong báo cáo của RUSI là Nga đã tận dụng hiệu quả máy bay không người lái (UAV) trong chiến thuật hỏa lực của họ.

Quân đội Nga được cho là đã phát triển một "tổ hợp trinh sát - hỏa lực" nơi các thiết bị giám sát bằng UAV (đặc biệt dòng Orlan-10) có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác và kịp thời, với công nghệ định hướng hỏa lực kỹ thuật số.

Ngoài ra, UAV cũng làm tốt nhiệm vụ trinh sát, truyền thông tin về vị trí của đối thủ tới cho hệ thống hỏa lực trong thời gian thực, tăng tính chính xác của vũ khí lên một mức độ cao hơn.

Theo chuyên gia Watling, Nga có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng từng loại đạn pháo nào cho mục tiêu nào. Ví dụ, Nga dùng lựu pháo để nhằm vào các mục tiêu đơn lẻ, rời rạc, trong khi các hệ thống rocket phóng loạt sẽ được sử dụng để ngăn chặn sự di chuyển của các lực lượng Ukraine.

Trong các đòn phản pháo nhằm vào hệ thống hỏa lực của Ukraine, cũng như đơn vị vận hành UAV của Kiev, Nga sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo Tochka-U và các pháo có tầm bắn xa như 2A65 Msta, 2A36 Giatsint, 2S19, 2S5 cũng như 2S7M Malka.

Về chiến thuật triển khai đội hình hỏa lực, nguồn tin từ Ukraine cho biết, pháo binh Nga thường được đặt ở khoảng cách bằng với 1/3 tầm bắn tối đa của từng hệ thống để giảm thiểu nguy cơ bị Kiev nhằm mục tiêu.

Mặt khác, bản báo cáo nhắc tới chiến thuật "nhử mồi" của Nga thông báo việc đưa các hệ thống pháo bị hỏng của Moscow lên tiền tuyến nhằm đánh lạc hướng đồng thời tiêu hao hỏa lực của Ukraine.

Hồi tháng 8/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả các cuộc giao tranh ở miền Đông như "địa ngục".

"Chúng tôi không thể phá vỡ ưu thế của quân đội Nga về pháo binh và nhân lực, và điều này được thể hiện rất rõ trong các cuộc giao tranh, đặc biệt là ở Donbass. Peski, Avdeevka, các hướng khác… Ở đó giống như địa ngục. Không từ ngữ nào có thể mô tả được", Tổng thống Ukraine nói thêm.

Ukraine bắt đầu tìm cách đối phó với chiến thuật hỏa lực của Nga sau khi HIMARS xuất hiện. Với HIMARS, Ukraine đã tấn công kho đạn, tiếp tế hậu cần của Nga, khiến đối thủ giảm bớt ưu thế áp đảo về hỏa lực.

Vua chiến trường có thể xoay chuyển cán cân chiến sự Nga - Ukraine - 2

Tổ hợp HIMARS được xem là vũ khí thay đổi cuộc chơi ở Ukraine khi gây thiệt hại không nhỏ cho Nga (Ảnh: Reuters).

Cuộc đua sức bền hỏa lực

Sau các đợt phản công của Ukraine từ Kharkov tới Donbass và Kherson, NBC News dẫn lời các quan chức và chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, xung đột Nga-Ukraine đã trở thành cuộc đấu về hỏa lực dữ dội trên toàn tuyến và bên nào đảm bảo nguồn cung đạn dược nhiều hơn trên chiến trường sẽ giành được lợi thế trong cuộc chiến.

Các nguồn tin tình báo phương Tây nói rằng, Moscow dường như đã sử dụng tới những quả đạn pháo có tuổi đời 40 năm trong kho dự trữ - dấu hiệu cho thấy họ đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt hỏa lực.

Mặt khác, Lầu Năm Góc ước tính, dù Nga đang "đốt" kho đạn dự trữ nhiều hơn năng lực sản xuất, Moscow vẫn có đủ đạn để duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine ít nhất trong mùa đông.

Về phía Ukraine, họ đang phụ thuộc vào NATO để đảm bảo dòng chảy vũ khí và đạn dược, nhưng nguồn vũ khí này đang cạn kiệt sau gần 11 tháng chiến sự khốc liệt.

Cả quân đội Nga và Ukraine đều đang bắn ra hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày (Nga khoảng 20.000 quả, Ukraine 4.000-7.000 quả) và đều đối mặt với thách thức phải đảm bảo nguồn cung vũ khí để duy trì chiến đấu.

Siêu pháo "cuồng phong" của Nga phun bão lửa tại chiến trường Ukraine

Tuy nhiên, theo giới quan sát, rất khó để ước tính thời điểm mà Nga có thể cạn đạn dược. Các chuyên gia không đồng nhất quan điểm khi mỗi người đưa ra các nhận định chênh lệch nhau, từ vài tháng cho tới một năm.

"Nền công nghiệp quốc phòng của Nga về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Nó đang chịu áp lực rất lớn vì bão trừng phạt, nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Nga đang thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng tăng cường sản xuất", Dara Massicot, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại tổ chức tư vấn Rand Corp (Mỹ), nhận định.

Vua chiến trường có thể xoay chuyển cán cân chiến sự Nga - Ukraine - 3

Một pháo tự hành của Nga khai hỏa gần Bakhmut, Donbass (Ảnh: AP).

Paul Schwartz, một nhà khoa học tại Trung tâm phân tích hải quân (Mỹ), cho biết các nhà máy của Nga đang tăng cường sản xuất, tăng ca làm việc để tiếp viện cho chiến trường.

Không giống như các loại vũ khí tiên tiến hơn, đạn pháo không yêu cầu linh kiện điện tử phức tạp để chế tạo, vì vậy ngành công nghiệp quốc phòng Nga ít bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây khi sản xuất những khí tài này. Nhưng ngành công nghiệp máy móc của Nga dường như đã gặp một số vấn đề trong vài năm qua, và không rõ liệu có thể chịu được áp lực gia tăng sản lượng hay không, theo ông Schwartz.

Ukraine cũng lâm vào thế khó. Nền công nghiệp quốc phòng của Kiev đã bị tàn phá nghiêm trọng khi Nga liên tục nhắm mục tiêu trong những tháng qua. Ukraine đang phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ NATO - bên cũng đang ghi nhận tình trạng cạn kiệt vì cuộc chiến tiêu hao suốt thời gian qua.

Chuyên gia Massicot nhận định: "Đây là cuộc đua về sức bền. Những bên ủng hộ Ukraine có thể duy trì mức viện trợ hiện tại trong bao lâu? Và về phía Nga, nền công nghiệp quốc phòng của họ có thể đáp ứng nhu cầu đạn dược như thế nào?".

Giờ đây, Nga tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine khiến phía Kiev thiếu điện nghiêm trọng và khả năng vận hành các cơ sở sản xuất quốc phòng ngày càng trở nên thách thức hơn. Nga dường như đang sử dụng chiến thuật tấn công tiêu hao để làm suy giảm năng lực sản xuất quốc phòng của đối thủ, đặt ra thách thức khổng lồ cho cả Ukraine và NATO.

Đức Hoàng

Theo Forbes, NBC News, 19fortyfive

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine