1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ vỡ đập Kherson: Cơ hội vàng để biệt kích Ukraine thay đổi cuộc chơi

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, vụ vỡ đập chiến lược Nova Kakhovka ở Kherson có thể mang lại cho biệt kích Ukraine cơ hội tác chiến thuận lợi hơn, nhằm làm suy yếu Nga trước thềm Kiev phản công lớn.

Vụ vỡ đập Kherson: Cơ hội vàng để biệt kích Ukraine thay đổi cuộc chơi - 1

Lượng nước khổng lồ chảy từ đập Nova Kakhovka bị vỡ đã làm thay đổi ranh giới lãnh thổ 2 bên kiểm soát ở sông Dnieper (Ảnh: Reuters).

Vào đầu tháng 6, các vụ nổ đã làm vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka, đẩy một lượng nước khổng lồ xuống làm ngập lụt các thành phố và thị trấn dọc theo sông Dnieper ở miền Nam Ukraine.

Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc đối phương đứng sau vụ vỡ đập. Ukraine cho rằng, Nga cho nổ đập để ngăn Kiev mở chiến dịch phản công sang bờ bên trái của sông Dnieper.

Tuy nhiên, lượng lớn nước lũ chảy xuống đã định hình lại các tuyến đường thủy xung quanh và buộc quân đội Nga phải rút lui khỏi một số khu vực nhất định do bị ngập trong nước.

Theo Business Insider, với việc ranh giới giữa 2 bên thay đổi, Nga rút bớt binh sĩ khỏi Kherson và một số hệ thống phòng tuyến của Moscow dày công chuẩn bị đã chìm trong nước, Ukraine có thể tận dụng cơ hội để tiến hành các cuộc tập kích sử dụng lực lượng đặc nhiệm.

Nga đang phải điều động binh sĩ từ Kherson tới khu vực Donetsk và Zaporizhia ngăn đà phản công của Ukraine. Vì vậy, việc tuần tra và bảo vệ ranh giới mới giữa 2 bên có thể trở thành thách thức cho Moscow nhất là trong bối cảnh các công sự, chiến hào, tuyến phòng thủ Nga chuẩn bị trong nhiều tháng ở bờ trái Dnieper đã ngập nước.

"Đặc nhiệm Ukraine có thể xem địa hình mới ở Kherson là yếu tố thay đổi cục diện. Với đường ranh giới mới và ít lực lượng Nga hơn, khu vực phía nam Kherson có thể trở thành khu vực lý tưởng cho hoạt động tác chiến của lực lượng đặc nhiệm", 2 cựu sĩ quan quân đội Mỹ Timothy Heck và Zachary Griffiths nhận định.

Các tuyến đường thủy mới và rộng hơn do nước lũ tạo thành sẽ giúp các đặc nhiệm Ukraine di chuyển nhân lực và thiết bị bằng thuyền dễ dàng hơn để vượt sông.

Theo 2 ông Heck và Griffiths, với khả năng tiếp cận dễ dàng hơn, các biệt kích Ukraine hoạt động quanh Kherson có thể sử dụng máy bay không người lái và tên lửa để đe dọa các đường liên lạc và tiếp tế của Nga tới Crimea.

Quân đội Ukraine trong khu vực cũng có thể sử dụng tên lửa vác vai để đe dọa máy bay Nga bay đến và đi từ Crimea, có khả năng buộc Moscow phải sử dụng các tuyến đường dài hơn để thay thế.

"Nếu hoạt động tác chiến đặc nhiệm của Ukraine có thể cắt đứt đường liên lạc và tiếp tế của Nga ở miền nam Kherson, Kiev sẽ được hưởng lợi khi tổ chức phản công", 2 chuyên gia nhận định.

Các hoạt động tác chiến sử dụng đặc nhiệm có thể làm tiêu hao năng lực quân sự của Nga thông qua các đòn tấn công nhằm vào vũ khí hạng nặng của Moscow. Biệt kích Ukraine có thể làm suy yếu dần năng lực của Nga trước khi Kiev điều lực lượng thực hiện cuộc phản công quy mô lớn.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Ukraine đã tính đến một chiến dịch đổ bộ lớn qua sông Dnieper. Những gói hỗ trợ an ninh gần đây cho thấy các đối tác NATO của Ukraine cũng có suy nghĩ tương tự.

Vào tháng 3, Nhà Trắng đã phê duyệt một gói viện trợ quân sự bao gồm thiết giáp bắc cầu, thiết bị dựng cầu tạm cho phép Ukraine có thể băng qua sông, suối, mương và chiến hào. Đức và Anh sau đó cũng phê duyệt gửi cho Kiev các thiết giáp bắc cầu tương tự, có tải trọng đủ để các xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất đi qua.

Đây được xem là bước chuẩn bị quan trọng cho Ukraine trong kế hoạch băng qua sông để giành lại lãnh thổ từ Nga. 

Theo Business Insider