Điệp viên Liên Xô chiêu mộ "bóng hồng" trong lòng địch (kỳ 2)
(Dân trí) - Cô Marta đã kẹp các tài liệu vào giữa trang sách tại một cửa hàng, và điệp viên Liên Xô Parparov, người xuất hiện ở đó dưới vỏ bọc của một người mua sách, đã bí mật lấy tài liệu mà không bị chú ý.
Bí mật giữa các trang sách
Fedor Parparov biết được từ Marta về chuyến công tác sắp tới của chồng cô và Parparov thường đến quốc gia đó trước để giữ liên lạc trực tiếp với cô. Trong một chuyến đi, những tài liệu bí mật của phái đoàn Đức được cất giữ trong két sắt của căn phòng khách sạn nơi vợ chồng Marta ở.
Theo chỉ dẫn của Parparov, Marta lấy được mẫu chìa khóa két sắt mà sau đó điệp viên Liên Xô này đã dùng để sao chép làm chìa khóa dự phòng, và cô còn tạo điều kiện cho Parparov vào phòng khách sạn.
Vì vậy, Parparov đã có thể truy cập vào các tài liệu mật: chẳng hạn như, ông đã phát hiện ra rằng có một đặc vụ của cơ quan tình báo Đức Abwehr làm việc trong Bộ Tổng tham mưu của Tiệp Khắc.
Từ đặc vụ đó, Đức đã thường xuyên nhận được thông tin về việc trang bị vũ khí của quân đội Tiệp Khắc và sự sẵn sàng của đất nước này đối với các cuộc chiến. Sau khi nhận được thông tin về người này, Trung tâm tình báo Liên Xô đã chuyển thông tin cho các đồng nghiệp Tiệp Khắc, và kẻ cung cấp thông tin cho Đức đã bị phát giác.
Để chuyển thông tin cho nhau, Parparov và Marta đã dùng đến nhiều thủ thuật khác nhau. Đến năm 1936, họ cùng có mặt tại Geneva, nơi tổ chức các cuộc họp của Liên Hợp Quốc.
Marta đã sao chép các chương trình mã hóa mà phái đoàn Đức đã gửi đến trụ sở của Hitler sau một cuộc họp.
Marta đã kẹp những bản sao này vào giữa các trang sách ở một trong các cửa hàng, và Parparov, người xuất hiện ở đó dưới vỏ bọc của một người mua sách, đã bí mật lấy tài liệu mà không bị người bán hàng chú ý.
Do những thành tích trong công việc ở Đức, Parparov đã được tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ và hai Huân chương Cờ Đỏ.
Lần gặp gỡ cuối cùng
Năm 1937, chồng của Marta được cử làm đại sứ Đức tại một trong những nước châu Âu. Sau khi chuyển đến nơi ở mới, Marta đã dứt khoát từ chối hợp tác với những điệp viên khác và chuyển tất cả thông tin thu thập được cho Parparov trong những chuyến thăm ngắn ngày tới Berlin.
Vào thời điểm đó, Marta đã biết Parparov làm việc cho tình báo Liên Xô, nhưng cô tiếp nhận thông tin này một cách rất thờ ơ.
Về phần Parparov, cùng năm 1937, ông đến thăm Hà Lan, làm quen với một cựu sĩ quan tình báo của một trong những nước Tây Âu.
Vị cựu tình báo viên này là người từng hoạt động bất hợp pháp ở Đức, nhưng do mâu thuẫn với nhóm của mình nên ông buộc phải từ bỏ hoạt động. Người cung cấp thông tin mới đã chia sẻ với Parparov dữ liệu về vị trí của các sân bay và bãi đáp bí mật ở Đức cũng như thông báo kế hoạch đóng tàu chiến của Đức quốc xã.
Nhưng vào năm 1938, đường dây hoạt động của Parparov bị gián đoạn. Vào cuối tháng 2, danh tính của ông bị sĩ quan tình báo Liên Xô Walter Krivitsky, người đã trốn sang Pháp, tiết lộ. Vụ việc này đã trở thành dấu chấm hết cho mối quan hệ giữa Fedor và Marta.
Parparov được triệu hồi khẩn cấp về Liên Xô. Việc ông trở lại Matxcơva hết sức khẩn cấp đến nỗi nhà tình báo hầu như không có thời gian để liên lạc với Marta và giải thích cho cô biết lý do vì sao ông phải biến mất khỏi nơi này. Ngược lại, Marta vẫn chờ đợi cuộc gặp gỡ tiếp theo giữa họ.
Thoát bị xử bắn và phải ngồi tù
Vài tháng sau khi trở về, vào tháng 5/1938, Parparov bị cáo buộc có liên hệ với cơ quan tình báo Đức Abwehr và vụ việc được lật lại như thể Marta không phải là điệp viên của ông, mà chính Parparov đã bị vợ của nhà ngoại giao Đức tuyển dụng. Parparova và 4 tình báo viên từng làm việc cùng với ông ở Đức bị cáo buộc có liên quan, và tất cả họ bị xem là "kẻ thù của nhân dân".
Nhà tình báo đã phải chịu sự tra tấn khủng khiếp. Con trai của Parparov kể lại rằng cho đến cuối đời, cha anh rất ngại ngùng khi phải cởi trần trên bãi biển vì trên lưng ông còn hằn nhiều vết sẹo.
Nhưng Parparov đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ cho sự trung thực của mình: ông không bao giờ ký vào bản thú tội.
Parparov thoát khỏi bị xử bắn một cách thần kỳ, ông phải ngồi tù một năm, sau đó được thả vào tháng 7/1939, nhưng phải rời khỏi các cơ quan và bị tước hết các danh hiệu được khen thưởng. Ngay sau khi được trả tự do, Parparov nhận công việc luật sư tại một nhà máy sản xuất văn phòng phẩm ở Matxcơva.
Ông đã không làm việc ở đó lâu. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, tình báo Liên Xô đang rất cần những nhân viên có trình độ chuyên môn. Người đứng đầu Cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô Pavel Fitin đã thuyết phục được Ủy viên Dân ủy Nội vụ Lavrenty Beria về sự cần thiết phải sử dụng một số sĩ quan tình báo bị xem là "kẻ thù của nhân dân". Nhờ đó, Parparov được phục hồi công tác và được phong quân hàm thiếu tá.
Nhưng ông không thể quay trở lại Đức sau sự phản bội của điệp viên Walter Krivitsky, vì vậy Parparov đã được cử đến Estonia.
Tại đó, Parparov biết được rằng Hitler đang tập trung lực lượng quân sự ở phía đông nam Liên Xô. Nhà tình báo cũng nhận được thông tin rằng quân Đức đã kéo đến biên giới với Nam Tư, và cuối cùng nước này đã đầu hàng sau "cuộc chiến tháng Tư" vào mùa xuân năm 1941.
Bi kịch của Marta
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, những tin tức nguy cấp được nữ tình báo viên Elizaveta Zarubina báo về. Cô đang làm việc ở Đức và báo cáo là mất mối liên hệ khó khăn lắm mới khôi phục được với Marta. Lúc đầu, vợ của nhà ngoại giao từ chối mọi liên lạc với Zarubina, người đã đến Berlin vào tháng 4/1941 - Marta yêu cầu phải đích thân Parparov đến gặp.
Nhưng dần dà, Elizabeth đã thuyết phục được người phụ nữ Đức rằng Parparov đã được phái đến một nước khác và ông ấy không thể rời khỏi đó.
Một bức thư do Parparov gửi cho Marta đã giúp thiết lập lòng tin giữa những người phụ nữ và cũng từ đó những người yêu cũ bắt đầu trao đổi thư từ với nhau. Marta cuối cùng đã đồng ý hợp tác với Elizabeth và bắt đầu cung cấp cho cô dữ liệu, trong đó có thông tin về kế hoạch Đức tấn công Liên Xô.
Tuy làm việc với Zarubina nhưng Marta vẫn hy vọng sẽ nối lại quan hệ với Parparov. Đó là điều cô thông báo cho Parparov qua những lá thư.
"Người ta vẫn muốn sử dụng chồng tôi làm việc tại văn phòng của Bộ Ngoại giao, và điều này sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều thuận lợi và sẽ quan trọng hơn nhiều so với chức vụ hiện tại của anh ấy ở nước ngoài... Và sẽ thật khủng khiếp nếu xảy ra xung đột giữa các quốc gia của chúng ta, dẫn đến chiến tranh", trích thư của Marta gửi Parparov.
Tuy nhiên, mùa hè năm 1941, sức khỏe tinh thần của Marta ngày một yếu đi. Sau một vụ đánh bom, chồng cô bị thương nặng, Marta cuối cùng phải vào bệnh viện tâm thần.
Ít lâu sau, người phụ nữ bất hạnh đó và những bệnh nhân khác của bệnh viện đã bị Đức quốc xã giết chết. Mãi sau chiến tranh, Parparov mới biết về số phận của Marta từ Alexander Korotkov, một tình báo viên từng có mặt ở Berlin.
Lợi thế giỏi tiếng Đức
Không lâu trước khi Đức tấn công Liên Xô, Parparov được điều động đến Lithuania, và vào cuối tháng 6/1941, ông phải khó khăn lắm mới về được Moscow. Parparov được điều động vào Nhóm đặc biệt trên cơ sở của Cục 1 Ủy ban An ninh Liên Xô. Dưới sự lãnh đạo của tình báo viên Pavel Sudoplatov, Parparov đã tham gia vào việc đào tạo và tung nhân sự để nhắm vào hậu phương của kẻ thù.
Năm 1943, Parparov cố gắng đến Thụy Sĩ thông qua Iran. Nhưng bộ máy hành chính quan liêu đã cản trở kế hoạch này. Ông gặp vấn đề do hộ chiếu Costa Rica của ông đã hết hạn nên ông buộc phải quay trở lại Liên Xô.
Năm 1944, Cục Quản lý Tù binh chiến tranh của Bộ nội vụ Liên Xô rất cần đến sự trợ giúp của Parparov. Vốn thành thạo tiếng Đức, Parparov đã tổ chức các cuộc trò chuyện với các tướng lĩnh bị bắt của quân đội Đức.
Đặc biệt, Parparov đã làm việc với một trong những tác giả của kế hoạch Barbarossa chớp nhoáng của phát xít Đức nhằm đánh chiếm Liên Xô, Thống chế Friedrich Paulus, bị Liên Xô bắt làm tù binh sau trận Stalingrad. Paulus đã đặt niềm tin vào Parparov nên đã chia sẻ với ông những suy tính về diễn biến có thể xảy ra của cuộc chiến.
Parparov đã dịch và hiệu đính bản dịch lời khai của người phụ tá Otto Günsche và Heinz Linge, người phục vụ riêng của Hitler, bị Liên Xô bắt sau khi trùm phát xít tự sát.
Sau đó, bản thảo được đánh máy thành một bản duy nhất, được gọi là "Những điều chưa biết về Hitler", nằm trên bàn của Joseph Stalin vào ngày sinh nhật lần thứ 70 của ông.
Vào mùa hè năm 1945, Parparov được cử đến Potsdam, Đức. Trong cuộc họp cuối cùng của các nhà lãnh đạo các nước thuộc liên minh chống Hitler, ông đã tham gia vào việc đảm bảo an ninh cho những đại diện cấp cao trong hội nghị.
Với tư cách là phiên dịch, Parparov đã có mặt tại các cuộc họp của Phiên tòa Nuremberg xét xử các tội phạm chiến tranh. Ông giới thiệu với tòa án quốc tế Thống chế Friedrich Paulus, người ông đã biết rõ từ trước và khi đó xuất hiện tại phiên tòa với tư cách là nhân chứng cho phía bị truy tố.
"Niềm vui ánh lên trong mắt ông"
Trong chuyến đi tới Đức lần này, Parparov đã gặp con trai mình - Lev Parparov. Ông đã không gặp con trai kể từ đầu cuộc chiến do anh chiến đấu ở mặt trận, tham gia trận đánh chiếm Berlin và ở lại đó.
"Không thể hình dung niềm vui ánh lên trong đôi mắt của bố tôi thế nào. Để trải qua một địa ngục như vậy và sống sót là điều không thể tin được. Và gặp nhau ở đâu chứ - ngay tại Berlin, trong hang ổ của phát xít, nơi bố tôi đã bắt đầu cuộc chiến với phát xít Đức từ đầu những năm 30", Lev Parparov kể lại.
Phiên tòa Nuremberg là nhiệm vụ lớn cuối cùng trong sự nghiệp của nhà tình báo Liên Xô. Năm 1950, Parparov, 57 tuổi, được giải ngũ. Ít lâu sau, Fedor Parparov trở thành trưởng khoa quân sự của Đại học Tổng hợp Matxcơva, nơi ông làm việc cho đến khi qua đời.
Trái tim của nhà tình báo đã ngừng đập vào năm 1959 và ông được chôn cất trong nhà thờ của nghĩa trang Donskoy ở Moscow.