1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ tập kích Belgorod - chiêu dụ quân chủ lực Nga để Ukraine phản công?

Ngọc Huy

(Dân trí) - Nga gần đây đã ghi nhận bước leo thang mới trong chiến sự với Ukraine khi những nhóm phá hoại xuất phát từ Ukraine tấn công sâu vào tỉnh Belgorod thuộc Nga.

Vụ tập kích Belgorod - chiêu dụ quân chủ lực Nga để Ukraine phản công? - 1

Đoàn xe tăng Ukraine (Ảnh: AFP).

Đây liệu có phải là hành động leo thang xung đột thông thường hay ẩn chứa nhiều chiến lược khác của Kiev, khi hành động tấn công diễn ra vào đúng thời điểm Ukraine đang chuẩn bị đợt phản công vốn bị trì hoãn từ mùa xuân sang mùa hè năm 2023.

Liệu có phải là chiêu giả?

Dù chưa bao giờ thừa nhận có liên quan tới các nhóm tấn công vào tỉnh Belgorod, nhưng rất khó có thể giải thích rằng Kiev không biết về sự tồn tại của các nhóm phá hoại này khi họ được vũ trang bằng vũ khí của Mỹ và phương Tây, trong đó có cả xe bọc thép hạng nặng.

Hơn thế nữa, với cục diện chiến trường hiện tại, Ukraine cũng có khá nhiều lý do để "chuyển lửa" vào lãnh thổ Nga.

Sau thất bại tại Artemosk hay Bakhmut (theo tên gọi phía Ukraine) và tuyến phòng thủ kiên cố Nga đã xây dựng dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.000km rất "khó nhằn", việc tấn công thành công vào lãnh thổ Nga được cho là có thể tạo tiếng vang tốt hơn nhiều cho Kiev.

Bằng chứng cho việc này là sự xuất hiện dày đặc về thông tin của đợt tấn công của những nhóm phá hoại nhằm vào tỉnh Belgorod trên truyền thông phương Tây, còn việc Nga giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut chiến lược chỉ là thông tin nhỏ.

Mặt khác, sự liên quan trực tiếp hay gián tiếp của Ukraine với các hành động tấn công vào lãnh thổ Belgorod cũng nhằm mục đích có lợi cho đợt phản công quy mô lớn Kiev đã lên kế hoạch từ lâu.

Với các hoạt động tấn công phá hoại trên, Nga buộc phải tung lực lượng ngăn chặn và ảnh hưởng tới sự tập trung của Moscow cho chiến trường chính tại miền Đông Ukraine.

Thực tế là nhiều đơn vị quân sự Nga đã cơ động tới Belgorod hay mới đây nhất là việc tập đoàn quân sự tư nhân Wagner tuyên bố đã triển khai một đơn vị tới tỉnh biên giới giáp Ukraine này.

Dù Kiev chưa bao giờ lên tiếng, nhưng một số tổ chức bán vũ trang là Trung tâm kháng chiến quốc gia Ukraine cũng hé lộ thông tin về vấn đề này: "Người Nga e ngại hoạt động du kích nên họ dừng tất cả các hoạt động của đơn vị chủ lực tinh nhuệ và tăng cường đến vùng Belgorod. Nhiệm vụ của đơn vị là triển khai hoạt động chống phá hoại ở biên giới Nga".

Một vấn đề khác là Kiev có thể đang muốn người dân Nga cảm nhận được không khí chiến tranh đang dần tiến vào lãnh thổ, chứ không phải là ở nơi nào đó nằm ngoài lãnh thổ nước Nga.

Tuy nhiên, mong muốn trên có vẻ như đã thất bại, khi lịch sử nước Nga từ xưa tới nay, việc bị tấn công chỉ làm người Nga đoàn kết hơn và ủng hộ hơn với quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vậy Ukraine có muốn tấn công và "tạo vùng đệm" trong lãnh thổ Nga hay không? Về cơ bản là không.

Với các mũi tấn công phá hoại cấp đại đội với sự yểm trợ của số lượng nhỏ phương tiện cơ giới, những hoạt động tấn công chủ yếu là nhằm đánh bóng hình ảnh trên truyền thông và thể hiện quyết tâm kháng cự Nga tới cùng của Kiev để hướng tới những gói viện trợ kinh tế và quân sự mới từ Mỹ và phương Tây hơn là thành công quân sự trên thực địa.

Thực tế là toàn bộ đợt tấn công của các nhóm phá hoại từ Ukraine sau đó nhanh chóng bị lực lượng biên phòng, FSB và Quân đội Nga đẩy lùi.

Vụ tập kích Belgorod - chiêu dụ quân chủ lực Nga để Ukraine phản công? - 2

Các xe thiết giáp của lực lượng Ukraine bị bỏ lại tại Belgorod (Ảnh: AP).

Lực lượng Nga vào thế buộc phải phản công

Liên quan tới hoạt động của nhóm phá hoại xuất phát từ Ukraine, Thị trưởng vùng Belgorod, ông Vyacheslav Gladkov, từng nhấn mạnh, Nga cần tạo ra một vùng đệm đủ lớn trong tỉnh Kharkov (Ukraine) để chống lại các hoạt động phá hoại xuất phát từ lãnh thổ Ukraine.

Liệu đây có phải là ý tưởng đúng đắn? Tại mặt trận này, Ukraine mới là bên nắm thế chủ động trên chiến trường và lực lượng quân sự Nga đang là bên thụ động ngăn chặn.

Ukraine chắc chắn đã tính tới kịch bản lực lượng Nga có thể tấn công qua biên giới không chỉ từ hướng Belgorod, mà còn từ hướng Lugansk để chuẩn bị phương án ngăn chặn.

Trong trường hợp này, Ukraine đã có lợi thế với sự chuẩn bị trước về trận địa, lực lượng và phương án đáp trả. Nga sẽ không còn lợi thế về trận tuyến phòng thủ kiên cố đã xây dựng từ trước đó mà phía Ukraine không dễ xuyên phá.

Trong khi đó, lực lượng cơ động của Ukraine hiện tại vẫn được bảo toàn cho các hoạt động phản công sau đó.

Liệu Nga có rơi vào thế bị phản công như mùa thu năm 2022, khi lực lượng bị căng mỏng trên toàn trận tuyến và bị các đơn vị cơ động Ukraine xuyên phá? Đây là điều Ukraine đang cần để tạo tiếng vang trên truyền thông như bao lần trước đây. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi Ukraine chưa giành thêm được chiến thắng đáng kể nào từ mùa thu năm 2022 và còn chịu thất bại nghiêm trọng tại Bakhmut. Ai thắng, ai bại chỉ có thể được quyết định trên chiến trường.