Vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama": "Bom tấn" biến thành "địa chấn"
“Quả bom tấn” vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” phát nổ đã nhanh chóng gây ra những cơn “địa chấn” tại nhiều quốc gia cũng như các tổ chức danh tiếng trên toàn cầu.
Khi “Hồ sơ Panama” (Panama Papers) bùng nổ ngày 3-4 vừa qua đã có những đánh giá cho rằng vụ rò rỉ tài liệu mật này sẽ gây chấn động và ảnh hướng lớn hơn rất nhiều vụ tiết lộ tài liệu mật WikiLeaks hồi tháng 6-2015 về việc chính phủ Mỹ nghe lén.
“Nạn nhân” đầu tiên của cơn “địa chấn” mà “Hồ sơ Panama” gây ra là ông Sigmundur David Gunnlaugsson khi buộc phải từ chức Thủ tướng Thủ tướng Iceland ngày 5-4 sau khi các tài liệu rò rỉ từ Công ty luật Mossack Fonseca của Panama cáo buộc vợ ông che giấu nhiều triệu USD thông qua một công ty bình phong ở nước ngoài.
Ông Gunnlaugsson có thể chỉ là nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên phải ra đi sau khi danh tính của ông và người thân trong gia đình xuất hiện trong bản “danh sách đen” của “Hồ sơ Panama”. Trong số những dữ liệu ban đầu được công bố sau khi nghiên cứu kho dữ liệu 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca đã thấy có tên của khoảng 200 chính trị gia, bao gồm danh tính của 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng nhiều ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trong danh sách “khách hàng” trốn thuế.
Theo thông tin mà báo “Người bảo vệ” (Anh) ngày 6-4 tiết lộ từ “Hồ sơ Panama”, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) là người sở hữu khối tài sản lớn nhất trong số các nhân vật nước ngoài có tài sản tại “xứ sở sương mù” với việc sở hữu khối tài sản trị giá hơn 1,7 tỷ USD tại London thông qua các công ty nước ngoài bình phong….
“Hồ sơ Panama” cũng làm xấu thêm mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa Trung Quốc, Nga… với các nước phương Tây khi tên nhiều quan chức cấp cao tại những nước này cũng đã xuất hiện trên mặt báo từ việc rò rỉ tài liệu mật. Những quốc gia này đều lên tiếng phủ nhận và cho rằng đây là một “âm mưu chính trị” của phương Tây.
Cho dù tính xác thực của thông tin được tiết lộ từ vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” còn gây tranh cãi và cần kiểm chứng, điều tra, song ngoài Thủ tướng Iceland đã tuyên bố từ chức, cũng đã có những nhân vật tên tuổi trên thế giới phải ra đi như ông Michael Grahammer, Giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg của Áo; ông Juan Pedro Damiani, thành viên Ủy ban Đạo đức của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA)… sau khi có thông tin dính líu tới công ty “rửa tiền, trốn thuế” Mossack Fonseca.
Vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” chắc chắn tác động rất lớn tới cuộc chiến toàn cầu chống trốn thuế. Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 6-4 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau xây dựng nền tài chính toàn cầu minh bạch hơn để những nhà đầu tư, chính trị gia giàu có không còn cơ hội lách luật trốn thuế.
Trong khi đó, nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đang bắt tay vào điều tra những nhân vật xuất hiện trong “Hồ sơ Panama” đã, đang và sẽ còn được tiết lộ trong thời gian tới. Do vậy không loại trừ sẽ còn những “cơn địa chấn” tiếp theo.
Theo Hoàng Tuấn
An ninh thủ đô