1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vụ mưu sát kinh hoàng từng khiến Tổng thống Mỹ Reagan bị bắn trọng thương

Thanh Thành

(Dân trí) - "Anh xin lỗi, em yêu, anh đã quên né (đạn)", Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thì thào với phu nhân Nancy, sau khi ông trúng đạn trong vụ mưu sát kinh hoàng bên ngoài khách sạn ở Washington năm 1981.

Vụ mưu sát kinh hoàng từng khiến Tổng thống Mỹ Reagan bị bắn trọng thương - 1

Các trợ lý đỡ Tổng thống Reagan sau khi bị trúng đạn bên ngoài khách sạn Washington Hilton trong vụ mưu sát vào ngày 30/3/1981 (Ảnh: AP).

Tổng thống Reagan đã thoát chết trong gang tấc. Nhà Trắng được kiểm soát sau vài giờ hỗn loạn. Nhưng những ký ức kinh hoàng của buổi chiều định mệnh đó vẫn ám ảnh nước Mỹ cho đến nay.         

"Tổng thống có bị trúng đạn không?"                   

Tại Washington Hilton - khách sạn nổi tiếng ở thủ đô Washington, không mấy người để ý tới tấm bảng khá đơn giản đặt gần một lối vào thấp hơn - vốn được thiết kế dành riêng cho khách VIP. Đó cũng là nơi đánh dấu ký ức kinh hoàng của 40 năm trước, khi Tổng thống Ronald Reagan bị bắn trọng thương trong một vụ mưu sát chấn động nước Mỹ. Khi đó, kẻ tấn công John Hinckley đã bắn 6 viên đạn chỉ trong 2 giây về phía Tổng thống. Nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị trong vài giờ sau đó.

Thư ký báo chí Nhà Trắng James Brady bị thương nặng ở đầu khiến ông bị liệt một phần suốt đời và hiện ông là một nhà hoạt động nổi tiếng về kiểm soát súng - vấn đề hiện ám ảnh nước Mỹ. Trong lần trò chuyện mới nhất trên báo Guardian, ông David Prosperi - trợ lý thư ký báo chí của Tổng thống Ronald Reagan và là người có mặt tại khách sạn lúc đó - đã kể lại buổi chiều định mệnh.

Vào lúc 14h30 ngày 30/3/1981, sau khi hoàn thành bài phát biểu trong hội nghị liên kết tại khách sạn Washington Hilton, Tổng thống Reagan rời khách sạn ra chiếc xe limousine đang đợi sẵn. Một tiếng hét lớn vang lên từ đám đông báo giới: "Tổng thống Reagan!", ông quay lại, vẫy tay chào. Bất ngờ một gã đàn ông rút súng bắn liên tục 6 phát đạn nhắm vào Tổng thống.

"Tôi nghe một tiếng bốp rất to, giống như ai đó thả bóng bay và nó phát nổ, rồi 5 tiếng bốp khác. Và tôi biết rằng đó là tiếng súng", ông Prosperi, hiện 67 tuổi, cho biết. "Theo bản năng, tôi cúi xuống và kéo cả nhà báo Judy Woodruff. Khi đoàn mô-tô hú còi lướt vù qua, tôi đứng dậy và nhận rõ tình hình trước mắt".

Vụ mưu sát kinh hoàng từng khiến Tổng thống Mỹ Reagan bị bắn trọng thương - 2

Cảnh tượng hỗn loạn sau vụ tấn công (Ảnh: AP).

Một cảnh tượng chưa từng thấy hiện ra trước mắt. "Thư ký báo chí Nhà Trắng James Brady nằm úp mặt xuống đất với vết đạn ở đầu. Rick Ahearn - nhân viên cấp cao của Nhà Trắng - đang quỳ bên cạnh cố gắng cầm máu cho Brady bằng khăn tay. Tôi nghe tiếng hét của Rick: Ai có khăn tay không? Tôi ném cho Rick chiếc khăn của mình rồi nhanh chóng chạy vào trong khách sạn vì biết cần phải gọi điện về Nhà Trắng", ông Prosperi kể lại.

Thời đó, điện thoại di động vẫn khá sơ sài và ông Prosperi không có điện thoại. Cuối cùng, ông đã phải sử dụng thẻ tín dụng cá nhân để gọi điện thoại trả tiền trong khách sạn báo về văn phòng báo chí Nhà Trắng.

"Lúc đó tôi nghĩ, đó là cách Nhà Trắng xác định thông tin chính thống và hiểu Tổng thống đã bị bắn, vì cơ quan mật vụ vào thời điểm đó vẫn chưa xác định rằng Tổng thống có trúng đạn hay không", ông Prosperi nói thêm.

Trong khi đó, ông Rick Ahearn nhớ lại, ông Prosperi lúc đó thật sự phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trước mắt là trả lời báo chí. Tất cả đang bị phong tỏa, cảnh sát và cơ quan mật vụ nỗ lực đảm bảo an ninh, mọi người đang la hét và hỏi chuyện gì đang xảy ra. "Tổng thống có bị trúng đạn không?", là câu hỏi liên tục dồn đến. Cuối cùng, Prosperi trả lời: "Tổng thống đã bị bắn nhưng tôi không thể xác nhận ngay lúc này là ông có trúng đạn hay không".

Thực tế là, Tổng thống Reagan đã không trúng phát đạn trực diện nhưng một viên đạn nảy từ xe đã găm vào ngực ông và xuyên vào phổi, khiến ông rơi vào tình trạng nguy kịch. Các phụ tá không biết điều này vào thời điểm đó. "Đến khi tới bệnh viện họ mới biết", James Miller, giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách khi đó, cho biết.

Vụ mưu sát kinh hoàng từng khiến Tổng thống Mỹ Reagan bị bắn trọng thương - 3

Tấm biển lịch sử lưu thông tin về vụ nổ súng được gắn bên ngoài khách sạn Washington Hilton ở thủ đô Washington (Ảnh: thegate).

Nhà Trắng rơi vào khủng hoảng

Nếu vụ việc xảy ra trong thời đại công nghệ hiện đại ngày nay, mọi việc chắc chắn sẽ nhanh chóng rõ ràng hơn vì sẽ có hình ảnh trên mọi nền tảng mạng xã hội ngay trong tích tắc. Nhưng lúc đó là một thế giới hoàn toàn khác.          

Thông tin lúc đó nhiều mâu thuẫn. Ông Reagan mới nhậm chức được 69 ngày. Phương tiện thông tin liên lạc chưa hiện đại như bây giờ. Nhà Trắng rơi vào khủng hoảng khi các thành viên nội các thật sự bối rối. Tại Phòng Tình huống, các quan chức đầu não lo lắng, tranh cãi.

Phòng họp báo rất lộn xộn, các nhà báo nhao nhác yêu cầu cung cấp thông tin chính xác và Nhà Trắng đã phải nỗ lực hết sức để kiểm soát tình hình. Nhưng chưa ai thật sự rõ thông tin xác thực vụ việc để có thể trả lời báo giới. Sau vài giờ, thông tin mới được tiết lộ.

Một viên đạn bắn bật thành chiếc limousine và trúng phổi trái Tổng thống, chỉ cách tim khoảng 7,5 cm. Viên thứ hai xuyên đầu Thư ký báo chí Nhà Trắng James Brady, viên thứ ba trúng lưng sĩ quan cảnh sát Thomas Delahanty. Và viên thứ 4 trúng ngực nhân viên mật vụ Tim McCarthy. Tổng thống Reagan ngay lập tức được đưa đến bệnh viện. Ngay trong khoảnh khắc sinh tử đó, ông đã thì thầm với vợ mình - Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan: "Anh xin lỗi, em yêu, anh đã quên né (đạn)".         

Cũng theo nguồn tin, thậm chí trước khi vào phòng phẫu thuật, ông còn đùa với các bác sĩ: "Tôi hy vọng các bạn đều là thành viên đảng Cộng hòa". Bác sĩ phẫu thuật Joseph Giordano, một thành viên đảng Dân chủ, đã trả lời: "Hôm nay, tất cả chúng ta đều là thành viên đảng Cộng hòa".

Tổng thống Reagan đã thoát chết trong gang tấc. Ông là nhà lãnh đạo Mỹ thứ 5 bị tấn công nhưng là tổng thống Mỹ đầu tiên thoát chết trong một vụ mưu sát. Kể từ đó đến nay, không xảy ra bất kỳ vụ việc tương tự nào.

Sau khi ra viện, Tổng thống Reagan nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ ôn hòa, thúc đẩy một nền chính trị mang tầm ảnh hưởng lớn. Phong cách lãnh đạo ấy khiến ông được lòng ở cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ ở Quốc hội và đông đảo người dân trên khắp đất nước. Ông điều hành nước Mỹ từ 1981 đến 1989.       

Thủ phạm được trắng án

Vụ mưu sát kinh hoàng từng khiến Tổng thống Mỹ Reagan bị bắn trọng thương - 4

Ba trợ lý của Tổng thống Reagan đã bị thương trong vụ nổ súng (Ảnh: Reuters).

Tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng khi đó, câu hỏi gay gắt nhất được nêu ra là liệu vụ ám sát có phải là âm mưu của phía Liên Xô nhằm mở màn cho một cuộc chiến tranh hay không? Vụ việc diễn ra trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh và nhiều tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân đang hướng về phía bờ biển nước Mỹ.         

Tuy nhiên, thủ phạm sau đó được xác định là John Hinckley, 25 tuổi, con trai của một thương gia giàu có và chỉ là kẻ hành động đơn độc, không nằm trong âm mưu của bất kỳ nước nào. Sau khi Hinckley bị bắt, có thông tin cho rằng tên này bị rối loạn tâm thần cấp tính và chỉ hành động vì muốn gây ấn tượng với Jodie Foster, nữ minh tinh mà anh ta bị ám ảnh đến mê muội sau khi xem cô đóng trong bộ phim Taxi Driver năm 1976.

Hinckley ra tòa ngày 21/6/1982, nhưng được tuyên trắng án vì được xác định mắc bệnh tâm thần. Tên này sau đó được trả tự do và vào điều trị tại bệnh viện tâm thần St. Elizabeth. Mãi đến năm 2016, y mới được thả khỏi bệnh viện tâm thần và chuyển đến nhà mẹ ở Williamsburg, bang Virginia.

Đã có nhiều tranh cãi quanh quyết định này của tòa án, đặc biệt khi mọi người nhắc đến số phận của Thư ký báo chí Nhà Trắng Brady - người đã phải nằm viện 239 ngày sau khi trúng đạn. Khi ông qua đời vào năm 2014, một giám định viên y tế cho biết, nguyên nhân là do vết thương trong vụ ám sát năm 1981.

Ông Prosperi, người đã đến thăm Brady trong bệnh viện vài ngày sau vụ nổ súng, đã nói: "Tôi tin rằng cho đến ngày nay, nếu không vì vụ ám sát, Brady có lẽ đã là một trong những thư ký báo chí giỏi nhất Nhà Trắng. Ông ấy có cách giao thiệp với giới truyền thông, khiếu hài hước. Nhưng thật tiếc!".

Kẻ tấn công Hinckley đã mua khẩu súng tại một cửa hàng cầm đồ ở Dallas, bang Texas dù y đang điều trị bệnh tâm thần và bị bắt vì tội sở hữu vũ khí trái phép 4 ngày trước đó. Vụ ám sát xảy ra chỉ 3 tháng sau khi ca sĩ nổi tiếng John Lennon bị ám sát ở New York, khiến việc kiểm soát súng đạn nóng lên và trở thành tâm điểm chính trị.

Sau khi ra viện, Brady và vợ Sarah không ngừng kêu gọi kiểm soát súng đạn và cho ra đời Dự luật Brady, trong đó quy định việc kiểm tra lý lịch và kể cả thời gian kiểm soát những người muốn mua súng. Quốc hội đã thông qua dự luật này vào năm 1993. Nhưng một số quy định sau đó bị hủy bỏ dưới áp lực vận động hành lang từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia. Và cho đến ngày nay, vấn đề kiểm soát súng đạn vẫn là bài toán hóc búa đối với nước Mỹ.