Vụ khủng bố Paris: Đã đến lúc nhìn lại bàn cờ Trung Đông-Bắc Phi
(Dân trí) - Chừng nào chưa kiểm soát được dòng người nhập cư vào châu Âu và Bắc Phi-Trung Đông chưa được lập lại trật tự mới thì sẽ không thể kiểm soát được khủng bố, ông Trần Việt Thái- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao-nhận định.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Việt Thái đã đưa ra bình luận về về nguyên nhân vì sao Pháp lại trở thành mục tiêu của khủng bố cũng như nhận định về nguy cơ khủng bố có thể lan rộng ở châu Âu. Ông Thái cho rằng, Đông Nam Á cũng có nguy cơ trở thành căn cứ địa của khủng bố.
Đánh vào Pháp để tạo tiếng vang lớn
Từ đầu năm đến nay nước Pháp đã hứng chịu nhiều bạo lực đẫm máu và đối đầu nhiều âm mưu khủng bố. Vụ việc ngày 13/11 vừa qua được coi là vụ tấn công kinh hoàng chưa từng thấy ở nước Pháp. Vậy theo ông, vì sao các phần tử khủng bố lại nhằm vào Pháp?
Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa là gần đây Pháp rất tích cực tham gia vào tấn công lực lượng IS ở Syria, Iraq và khu vực Bắc Phi-Trung Đông (BP-TĐ). Pháp lên tiếng mạnh mẽ đối với các hoạt động chống khủng bố trong khuôn khổ Liên Hợp quốc và các cơ chế đa phương toàn cầu.
Bên cạnh đó, Pháp có quan hệ với các nước BP-TĐ hàng trăm năm nay. Từ những năm của thế kỷ 19, số lượng người Bắc Phi theo hồi giáo tràn vào Pháp khá lớn, nhất là sau khi nước này chiếm Algeria. Trong khi đó, Pháp có những vấn đề mà các nước không gặp phải hoặc nếu có thì ít nghiêm trọng hơn, đó là việc xử lý quan hệ giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Nhiều người ở Pháp theo đạo Hồi trở nên cực đoan hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.
Dòng người nhập cư gia tăng và nhiều phần tử khủng bố đã thông qua các ngả khác nhau, đặc biệt là từ Bắc Phi, để trà trộn vào châu Âu, trong đó có Pháp.
Pháp tới đây sẽ tổ chức một loạt các sự kiện lớn như Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21). Pháp cũng là trung tâm đầu não hàng đầu châu Âu về giao thương, đặc biệt là du lịch, do đó, đánh vào nước này, IS sẽ tạo tiếng vang lớn, gây hiệu ứng tối đa về mặt truyền thông và dư luận, làm gia tăng nỗi kinh hoàng ở châu Âu.
Sau vụ việc ngày 13/11, nước Pháp sẽ bị lôi vào cuộc chiến khủng bố mà không biết đến bao giờ mới rút ra được và quốc gia này cũng như châu Âu sẽ phải thay đổi về cơ bản phương thức xử lý chống khủng bố.
Các vụ bạo lực đẫm máu và tấn công khủng bố phải chăng phơi bày một lỗ hổng "chết người" của tình báo và an ninh Pháp?
Hành động tấn công đồng thời ở 6 địa điểm cho thấy các phần tử khủng bố có thể đã có nghiên cứu rất kỹ lưỡng và phát hiện ra lỗ hổng, khoảng trống của an ninh pháp.
Sau hàng loạt các vụ tấn công vừa qua, về mặt an ninh, nước Pháp có thể sẽ phải củng cố lại bộ máy tình báo, cơ quan thông tin tình báo, thậm chí phải cải tổ để đảm bảo họat động phù hợp hơn với bối cảnh mới.
Các lực lượng thực thi trên thực địa sẽ được trao nhiều quyền hành hơn; chính sách an ninh đối với người nhập cư sẽ được siết chặt hơn; vấn đề an ninh biên giới sẽ được tăng cường; các chốt biên giới có thể sẽ được xây dựng. Điều đó đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn cho bộ máy an ninh, bộ phận chống khủng bố.
Khủng khoảng trật tự thế giới: Cần thay đổi cách thức chống khủng bố
Sau các cuộc tấn công kinh hoàng ngày 13/11 tại Paris, dư luận cho rằng nạn khủng bố có thể lan rộng hơn ở khu vực châu Âu. Điều này được lý giải thế nào thưa ông?
Có thể nói, châu Âu hiện nay đang là tâm điểm vì khủng bố ở châu Âu có mối liên hệ rất chặt chẽ với khu vực Bắc Phi-Trung Đông.
Sau làn sóng cách mạng mang tên "Mùa xuân Ả Rập", một loạt các nhà nước ở BP-TĐ sụp đổ như Syria, Iraq, Lebanon. Cùng với đó, việc Mỹ từng bước rút khỏi Trung Đông đã tạo ra một khoảng trống rất lớn cho các lực lượng khác nhau trong xã hội, trong đó có mầm mống bạo loạn phát triển. Điều nguy hiểm nhất là trong thế giới toàn cầu ngày nay, nếu không kiểm soát được các mầm mống bạo loạn đó thì chúng ắt sẽ lây lan và khu vực đầu tiên phải gánh chịu sau BP-TĐ chính là châu Âu.
Mấu chốt của vấn đề chính là ở BP-TĐ mà IS là lực lượng trực tiếp gây ra các cuộc khủng bố vì nó có tính tổ chức chặt chẽ và quy mô hoạt động lớn hơn các lực lượng khủng bố khác. Tuy nhiên, ở BP-TĐ có khoảng 100 lực lượng khác nhau mà các chuyên gia nghiên cứu về khu vực này cũng không biết lực lượng nào thân lực lượng nào.
Hiện nay, ở BP-TĐ có một tình trạng phản ánh thực tế rất quan trọng là nước Nga mang vũ khí đến ném bom ở Syria và được quyền không kích IS ở Iraq theo chấp thuận của nước này, tuy nhiên, cả hai việc này đều chưa có sự đồng ý của Liên Hợp quốc.
Pháp cũng đã từng nhảy vào đánh IS mà không có sự đồng ý của Liên Hợp quốc. Tham gia chống khủng bố IS là một việc đúng đắn nhưng nếu nước Pháp cùng tham vấn với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thì có thể cục diện đã khác. Cách chống IS của Pháp đã làm một số người ở Syria không hài lòng. Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến việc nước Pháp bị tấn công.
Điều đó, phản ánh một vấn đề hết sức quan trọng là trật tự thế giới hay còn gọi là nền quản trị toàn cầu về mặt chính trị-an ninh đang bị khủng khoảng, vì thế các nước lớn hiện nay tự do hành động mà không có được tiếng nói từ các nước bản địa.
Như ông vừa đề cập, vụ khủng bố ngày 13/11 tại Paris sẽ khiến nước Pháp bị lôi kéo vào cuộc chiến chống khủng bố mà chưa biết bao giờ rút ra được. Vậy liệu Pháp nói riêng và châu Âu nói chung sẽ có điều chỉnh thế nào trong chiến lược chống khủng bố?
Pháp có thể sẽ kích thích NATO và các nước khác đưa lực lượng bộ binh vào để tạo ra các khu vực an toàn ở Syria nhằm dồn người di cư vào đó để giảm dòng người sang châu Âu.
Tuy nhiên, điều khó nhất hiện nay là IS không phải chỉ có ở Syria mà nó còn ở Iraq và các khu vực khác như Lebanon và Palestine. Để xử lý các mối quan hệ đa dạng, phức tạp như vậy đòi hỏi phải có một nỗ lực đa phương, một cơ chế đa phương để đảm bảo.
Pháp can dự vào Trung Đông lại động chạm đến Iran và Isarel. Châu Âu vốn không ưa Isarel và Iran nhưng lại đưa lực lượng quân đội vào đây nên có nguy cơ kích thích các nước xung quanh can dự vào, vì thế, việc xung đột vũ trang hoặc va chạm không mong muốn hoàn toàn có thể xảy ra, chứ không chỉ có ở Syria. Tới đây, tình hình có thể trở nên rất phức tạp, thế nhưng đi theo chiều hướng nào thì rất khó đoán trước.
Tôi cho rằng đã đến lúc NATO phải hành động và châu Âu phải siết chặt đoàn kết thông qua việc sử dụng NATO để có những biện pháp mạnh mẽ, kể cả bằng quân sự nhằm lập lại trật tự hoặc xây dựng một trật tự mới ở khu vực.
Nói tóm lại, đã đến lúc phải nhìn lại toàn bộ "bàn cờ" ở BP-TĐ cũng như ở châu Âu để có những biện pháp cho phù hợp và lâu dài. Châu Âu buộc phải có những bước đi mạnh mẽ để xử lý cuộc khủng khoảng ở BP-TĐ, kiểm soát dòng người nhập cư, nâng cấp hệ thống an ninh.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chừng nào còn chưa kiểm soát được dòng người nhập cư và khu vực BP-TĐ không lập lại trật tự mới thì sẽ không thể kiểm soát được khủng bố và đây là cái gốc của vấn đề. Nước Pháp cũng như châu Âu sẽ phải thay đổi về cơ bản phương thức xử lý chống khủng bố, ngay kể cả thái độ của Pháp với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Không loại trừ nguy cơ khủng bố ở Đông Nam Á
Theo ông Trần Việt Thái, Đông Nam Á (ĐNA) cũng là nơi có nguy cơ trở thành căn cứ địa của khủng bố. Theo thống kê của các lực lượng khác nhau thì một số lượng khá lớn người dân ở Indonesia, Phillipines và Malaysia, nhất là các phần tử theo Đạo Hồi cấp tiến, bị dụ dỗ sang Trung Đông. Một số chuyên gia cảnh báo, IS có thể sẽ lập căn cứ tiền tiêu ở Đông Nam Á để tuyển mộ các phần tử đánh thuê.
Ông Thái cho rằng, khủng bố ở Đông Nam Á có điểm khác hơn so với ở các nước trên thế giới vì ĐNA không phải là mục tiêu hàng đầu của IS hay al-Qaeda, nhưng các chi nhánh của nó lại hoạt động rất tích cực.
Tuy nhiên, ĐNA là một khu vực rất đa dạng về sắc tộc nhưng bị chia cắt giữa các lục địa và hải đảo, vì vậy, nếu có khủng bố cũng không thể lây lan nhanh như ở châu Âu. Bên cạnh đó, sau nhiều thập kỷ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, hệ thống nhà nước ở ĐNA hiện nay đều tương đối mạnh.
Hàng năm, trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Tư lệnh Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL), hội nghị của các Bộ trưởng Ngoại giao... đều bàn về chống khủng bố, nhưng cũng không thể loại trừ các vụ việc như đánh bom xảy ra ở Bangkok, Thái Lan, hồi tháng 8 vừa qua, ông Thái nhận định.
Nam Hằng (thực hiện)