1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ khủng bố Paris và “búa rìu” với làn sóng di cư

Chắc chắn, sau các vụ khủng bố Paris, giới chức Pháp và các nước phương Tây khác sẽ phải cân nhắc những biện pháp phòng ngừa an ninh và nhập cảnh mới.

Tổng thống Pháp François Hollande tối 13/11 đã công bố đóng cửa biên giới nước này sau các cuộc tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris làm gần 150 người chết. Động thái này đến sau nhiều tháng tràn ngập dòng người di cư từ Iraq và Syria đổ về châu Âu.

Nhiều tháng qua, người dân từ Iraq và Syria, nơi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang nắm quyền kiểm soát những vùng đất rộng lớn, phải rời bỏ nhà cửa để tìm đến những miền đất hứa bằng các chuyến đi mạo hiểm, trong đó châu Âu là sựa lựa chọn hàng đầu.

Cùng với đó, những người thuộc các nước châu Âu tham gia chiến đấu ở Trung Đông cũng đổ về quê hương. Liên minh châu Âu ước tính, có đến 6.000 người thuộc châu Âu đã gia nhập IS, nhiều người trong số này có hộ chiếu cho phép họ đi lại nhiều lần giữa các nước như Pháp tới trụ sở IS ở Mosul, Iraq, và Raqqa, Syria.

Ông Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CNN tối 13/11 rằng, có 185 thành viên IS ở Pháp đã trở về nước sau khi chiến đấu ở Iraq và Syria.

Các vụ tấn công khủng bố ở Paris tối 13/11 xảy ra chưa đầy một năm sau các vụ tấn công khủng bố vào trụ sở tạp chí Charlie Hebdo làm 11 người thiệt mạng. Vụ tấn công này đã được nhóm al Qaeda ở bán đảo Ả Rập đứng ra nhận trách nhiệm.

Kể từ sau vụ Charlie Hebdo, các nhà chức trách Pháp đã triển khai một số biện pháp để ngăn chặn những vụ tấn công khác, hy vọng điều tương tự sẽ không xảy ra. Những biện pháp này bao gồm tăng cường an ninh tại các sân bay và các trung tâm trung chuyển lớn, thành lập tổ điều tra các ổ nhóm IS trong cả nước, xét duyệt việc cư trú và quốc tịch khắt khe hơn... Cũng sau vụ Charlie Hebdo, hệ thống giám sát của chính phủ đã chạy chương trình "Sentinelle", thuê thêm hàng trăm nhà phân tích và tăng cường sự giám sát với các đối tượng có thể là phần tử cực đoan.

Tuy nhiên, Pháp đã không thể ngăn chặn dòng chảy người tị nạn và người di cư vào nước này. Mùa hè vừa qua, các công dân Syria và Iraq đã phải trải qua những ngày tháng bạo lực chưa từng có khi IS mở rộng vùng hoạt động tại tỉnh Anbar, miền tây Iraq và Aleppo của Syria, thúc đẩy hàng chục nghìn người tìm cách chạy sang châu Âu. Các chuyên gia chống khủng bố cho rằng, dòng người tị nạn có thể mang theo nó các thành viên IS và những người có cảm tình với IS.

Vụ khủng bố Paris và “búa rìu” với làn sóng di cư - 1

Chưa bao giờ nước Pháp hứng chịu những vụ tấn công khủng bố "kinh dị' như vậy

Nhưng một số chuyên gia khác nhận xét, cuộc khủng hoảng người tị nạn không nên được coi là một vấn đề của IS, mà đó là sản phẩm của những sai lầm lớn về địa chính trị.

"Có những lo ngại rằng người dân ở vùng biên giới luôn phải thận trọng và cùng lúc phải vật lộn với tình hình. Tôi không chắc là tôi muốn gắn cuộc khủng hoảng người tị nạn với vấn đề đó... Nhưng ở mức độ nào đó, người dân đang sử dụng cuộc khủng hoảng nhân đạo để tạo ra các điểm chính trị mà chắc chắn là không may", ông Sean Kay, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ohio Wesleyan nói.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Peter King cũng phát biểu sau các vụ tấn công khủng bố tại Paris rằng, đó là “chuông báo” với Tổng thống Obama và những người ủng hộ ông, những người muốn đóng cửa nhà tù Guantanamo và tiếp nhận người tị nạn Syria vào Mỹ.

"Chúng ta không biết những người này là ai. Không có hồ sơ, không có hồ sơ chính phủ, không có hồ sơ nhân sự để chúng ta có thể tìm hiểu… và chúng ta biết rằng IS muốn đưa những kẻ khủng bố vào châu Âu và Mỹ cùng với những người tị nạn. Ngoài ra, hiện có hàng nghìn chiến binh ở nước ngoài, nhiều người trong số họ là người Pháp và họ đã tới Syria để chiến đấu cùng IS - để được đào tạo như những kẻ khủng bố và họ đang trở về châu Âu”, ông nói.

Pháp đã không tiếp nhận nhiều người tị nạn Syria như các nước châu Âu khác. Những năm gần đây, chỉ có khoảng 20.000 người Syria nhập cư vào Pháp. Nhưng những cá nhân có một số loại hộ chiếu nhất định, trong đó có hộ chiếu EU, được pháp luật cho phép đi lại tự do trong khu vực Schengen mà không bị kiểm tra. Các nước Schengen bao gồm tất cả các nước EU, Iceland, Na Uy và Thụy Sĩ.

Chắc chắn, sau các vụ khủng bố Paris, giới chức Pháp và các nước phương Tây khác sẽ phải cân nhắc những biện pháp phòng ngừa an ninh và nhập cảnh mới.

Theo Vân An

Hà Nội mới

Vụ khủng bố Paris và “búa rìu” với làn sóng di cư - 2