"Vũ khí" tái tranh cử của Tổng thống Putin trước giờ G
(Dân trí) - Tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập sau 3 nhiệm kỳ lãnh đạo, ông Vladimir Putin được đánh giá là nhân vật số một cho ghế tổng thống Nga trước thềm cuộc bầu cử vào ngày 18/3 tới.
Đảng của ông Putin
Năm nay Tổng thống Putin tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập và không thuộc bất kỳ đảng nào của Nga. Tuy nhiên, ông vẫn nhận được sự hỗ trợ “ngầm” từ đảng Nước Nga Thống nhất do cựu Tổng thống Dmitry Medvedev làm chủ tịch. Đảng Nước Nga Thống nhất cũng là đảng chính trị chiếm số ghế đông nhất tại Duma (Hạ viện) Nga.
Nền tảng chính trị
Ông Putin từng giữ ghế Tổng thống Nga trong 14 năm và có 4 năm làm Thủ tướng Nga. Trước khi tham gia chính trường, ông từng là điệp viên của Cơ quan An ninh Liên Xô (KGB) và dành nhiều năm hoạt động với vai trò tình báo ở Dresden, Đông Đức (cũ).
Tới năm 1991, ông Putin đã hoạt động trong phong trào ủng hộ dân chủ ở thành phố Leningrad (bây giờ là St. Petersburg). Ông Putin dành một nửa thập niên làm việc với vai trò trợ lý cho ông Anatoly Sobchak - thị trưởng dân cử đầu tiên của thành phố St. Petersburg.
Sau khi ông Sobchak thất bại trong nỗ lực tái đắc cử vào năm 1996, ông Putin đã chuyển tới Moscow và trở thành Phó Chánh Văn phòng Tổng thống dưới thời cố Tổng thống Boris Yeltsin. Chỉ vài năm sau đó, ông Putin đã trở thành người kế nhiệm của cố Tổng thống Yeltsin.
Kinh nghiệm chính trị
Chèo lái nước Nga trong nhiều năm, Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo có rất nhiều kinh nghiệm chính trị. Khi mới nhậm chức, ông Putin kế thừa một nước Nga với nhiều khó khăn. Vào thời điểm năm 1998, nước Nga vẫn là “con nợ” quốc tế trong lúc cuộc xung đột ở Chechnya nổ ra.
Nhà lãnh đạo Putin đã nhanh chóng kết thúc cuộc chiến Chechnya và vực dậy nền kinh tế Nga với điều kiện thuận lợi từ giá tài nguyên tăng, đặc biệt là dầu và khí đốt. Ông cũng tái xác lập quyền kiểm soát của nhà nước Nga với các ngành trọng yếu của đất nước.
Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai (2004-2008), ông Putin tập trung củng cố hệ thống, đồng thời hậu thuẫn cho ông Medvedev làm người thay thế ông trong nhiệm kỳ lãnh đạo tiếp theo do hiến pháp Nga quy định mỗi tổng thống chỉ nắm quyền tối đa hai nhiệm kỳ.
Sau 4 năm làm thủ tướng, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Putin tăng vọt. Trong thời kỳ này, ông Putin cũng khẳng định đường lối đối ngoại của Nga mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Một trong những sự kiện gây tiếng vang trong nhiệm kỳ lãnh đạo của Tổng thống Putin là quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga năm 2014. Tuy nhiên, cũng từ đó, Moscow phải hứng chịu một loạt các biện pháp trừng phạt từ các nước trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hệ tư tưởng
Hệ tư tưởng của ông Putin được cho là phức tạp, tuy nhiên có thể mô tả bằng lập trường “Nước Nga trước tiên”. Khi mới lên nắm quyền, Tổng thống Putin là người ủng hộ phương Tây và tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với châu Âu cũng như Mỹ. Đây chính là lý do dẫn tới việc ông hỗ trợ Mỹ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 cũng như trong cuộc chiến Afghanistan sau đó. Tuy nhiên, ông Putin sau đó phản đối kịch liệt quyết định tham chiến ở Iraq của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
Khi tầm ảnh hưởng của NATO dịch chuyển gần hơn về biên giới Nga, lập trường của Tổng thống Putin trở nên cứng rắn hơn. Trong những năm gần đây, quan điểm của ông Putin tập trung phần lớn vào vấn đề chủ quyền quốc gia. Điều này dẫn tới việc Nga xích lại gần Trung Quốc và rời xa các đối tác trong nhóm 8 nước công nghiệp phát triển trước đây (G8).
Xét trên phương diện cá nhân, ông Putin vẫn được xem là nhà lãnh đạo khá tự do theo các tiêu chuẩn của người dân Nga dù phương Tây thường “tô vẽ” ông theo một cách khác. Ngoài Cơ đốc giáo, ông Putin vẫn duy trì quan điểm thân thiện với các cộng đồng Do Thái và Hồi giáo, cũng như các nhóm sắc tộc khác.
Chính sách
Tuần trước, Tổng thống Putin đã sử dụng chính thông điệp liên bang của mình để định hình những chính sách trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 trước thềm bầu cử Nga. Ông kêu gọi đầu tư vào công nghệ và cam kết giảm tỷ lệ nghèo ở Nga xuống còn một nửa trong vòng 6 năm. Ông cũng hứa hẹn về khoản ngân sách trị giá hàng trăm tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng mới.
Tổng thống Putin cũng đặt mục tiêu đưa Nga vượt Đức và trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Hiện Nga đang đứng ở vị trí thứ 6 tính theo Ngang giá Sức mua (PPP). Một chính sách tham vọng khác của ông Putin là kéo dài tuổi thọ trung bình của người dân lên 80 tuổi, vượt qua Mỹ.
Điểm yếu
Tổng thống Putin đã từ chối tham gia các cuộc tranh luận trên truyền hình với các ứng cử viên khác của bầu cử Nga. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ tạo cơ hội cho các đối thủ của ông tiếp cận cử tri một cách trực tiếp hơn và dễ dàng lôi kéo người bỏ phiếu hơn.
Ngoài ra, một số yếu tố khác được cho là có thể ảnh hưởng tới cơ hội thắng cử của ông Putin, bao gồm tâm lý mong muốn một gương mặt mới trên chính trường Nga sau thời gian cầm quyền kéo dài của ông Putin và những cáo buộc tham nhũng trong nội các của ông Putin. Ngoài ra, sự đình trệ về mức sống của người dân Nga trong những năm gần đây cũng ảnh hưởng tới sự tín nhiệm dành cho Tổng thống Putin. Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế trở lại trong thời gian qua đã xoa dịu những lo lắng của người dân Nga.
Tỷ lệ ủng hộ
Kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho thấy ông Putin đang chiếm thế áp đảo với tỷ lệ 67-70% cử tri ủng hộ. Đây được xem là lợi thế rất lớn của đương kim Tổng thống Nga trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 18/3 tới.
Thành Đạt
Theo RT