Vũ khí Hàn Quốc “đổ bộ” thị trường Đông Nam Á
(Dân trí) - Các máy bay và tàu quân sự Hàn Quốc ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á khi các quốc gia đang phát triển trong khu vực đẩy mạnh mua bán vũ khí trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự.
Máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc.
Với việc coi thị trường Đông Nam Á là bàn đạp, Seoul đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu vũ khí lên 4 tỷ USD vào năm 2020.
Các máy bay huấn luyện là mặt hàng hàng đầu trong nỗ lực xuất khẩu của Seoul sang khu vực Đông Nam Á. Hàn Quốc và Philippines đã bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm bán các máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc cho Philippines.
FA-50 là phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu siêu âm T-50 Golden Eagle do tập đoàn Công nghiệp không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) chế tạo.
“Cả hai bên đã bước vào các cuộc đàm phán cuối cùng về thương vụ FA-50”, một phát ngôn viên của Cơ quan thu mua quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc ho hay. “Các cuộc đàm phán dự kiến mất vài tháng nữa”.
FA-50 dự kiến sẽ củng cố cho không quân Philippines trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này không có máy bay chiến đấu nào kể từ khi cho về hưu các chiến đấu cơ F-5 do Mỹ thiết kế hồi năm 2005.
Thương vụ FA-50 diễn ra giữa lúc Philippines có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng giới chức Philippines nói các máy bay FA-50 cơ bản sẽ được sử dụng cho công tác huấn luyện và đối phó thảm hoạ.
“Chúng tôi đang thành công trong việc mở rộng quan hệ đối tác với Indonesia trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và bán sản phẩm”, Park Noh-sun, phó chủ tịch điều hành của KAI, cho biết, ám chỉ dự án giữa Seoul và Jakarta nhằm phát triển các máy bay chiến đấu lớp F-16, được biết tới với tên gọi KF-X.
“Tôi nghĩ có 4 điều bạn phải thoả mãn trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí: chính trị, vận hành, kinh tế và chuyển giao công nghệ. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, các hệ thống vũ khí Hàn Quốc đáp ứng tất cả các nhu cầu này một cách hoàn hảo”, ông Park nói thêm.
Thái Lan cũng được xem là một khách hàng tiềm năng của dòng trực thăng vận tải Surion, do KAI và Eurocopter hợp tác phát triển, cũng như các máy bay chiến đấu T-50.
Các quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có Malaysia và Philippines, cũng rất quan tâm tới các tàu hải quân Hàn Quốc, trong đó có các tàu cung ứng, ông Lee Jong-deuk, quản lý bộ phận tiếp thị nước ngoài của Hiệp hội công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, cho hay.
“Khả năng đóng tàu của Hàn Quốc đã được chứng minh trong năm qua khi giành hợp đồng trị giá 940 triệu USD nhằm chế tạo 4 tàu chở dầu cho hải quân hoàng gia Anh”, ông Lee cho hay.
“Việc xuất khẩu các tàu chở dầu hải quân cho Anh sẽ giúp các hãng đóng tàu Hàn Quốc đẩy mạnh xuất khẩu tàu hải quân tới châu Á, châu Phi và các nước thuộc khối Thịnh vượng Chung Anh”, ông Lee nói thêm.
Tiếp cận thị trường Nam Mỹ
Bên cạnh thị trường Đông Nam Á, Hàn Quốc cũng đang cố gắng đặt chân vào thị trường Nam Mỹ.
KAI đã ký một hợp đồng trị giá 200 triệu USD với Peru để bán 20 máy bay huấn luyện KT-1 và đây là thương vụ bán máy bay đầu tiên của Hàn Quốc với thị trường Nam Mỹ.
“Việc xuất khẩu các máy bay KT-1 tới Peru đã mở đường vào thị trường Nam Mỹ, sau Đông Nam Á và châu Âu”, Noh Dae-rae, một quan chức của DAPA, nói. “Chúng tôi hi vọng các nhà thầu quốc phòng Hàn Quốc sẽ mở rộng xuất khẩu sang khu vực Nam Mỹ chậm nhưng chắc nhờ hợp đồng KT-1”.
DAPA nhận thấy tiềm năng của khu vực Nam Mỹ là khoảng 200 máy bay huấn luyện cơ bản.
LIG Nex1, một nhà phát triển vũ khí dẫn đường chính xác hàng đầu của Hàn Quốc, hồi tháng 11 năm ngoái cũng ký kết một hợp đồng nhằm bán 16 tên lửa đối hạm trị giá khoảng 100 triệu USD cho Colombia.
An Bình
Theo Defense News