1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ đấu pháo trên Bán đảo Triều Tiên: Những câu hỏi lớn

(Dân trí) - Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 23/11 đã nã pháo về phía nhau ở vùng biển tranh chấp. Cuộc giao tranh đổ máu đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến giữa 2 nước và một lần nữa gây căng thẳng trong toàn bộ khu vực.

 
Vụ đấu pháo trên Bán đảo Triều Tiên: Những câu hỏi lớn - 1
Khói bốc lên từ đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc sau khi bị nã đạn pháo.

Vụ đấu pháo xảy ra thế nào?

Phía Hàn Quốc cho biết, vào chiều ngày thứ ba 23/11 (giờ địa phương), Triều Tiên đã nã pháo vào đảo Yeonpyeong, đảo nằm gần đường biên giới tranh chấp trên biển Tây (Hoàng Hải) giữa hai nước. Vụ tấn công làm 2 lính thủy đánh bộ Hàn Quốc thiệt mạng và 18 binh sỹ khách cùng dân thường bị thương. Sau đó hai bên đã có cuộc đấu pháo khéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, với khoảng 175 quả đạn pháo được bắn ra.

 

Triều Tiên đã cáo buộc Hàn Quốc khai hỏa trước khi bắn đạn pháo vào bên trong lãnh thổ Triều Tiên trong cuộc tập trận quân sự mà Bình Nhưỡng gọi là “một cuộc tập chiến”. Hàn Quốc phủ nhận cáo buộc này, cho biết lính của họ chỉ tiến hành tập luyện quân sự và không bắn vào lãnh thổ Triều Tiên.

 

Cuộc tấn công của Triều Tiên là cuộc tấn công đầu tiên vào một vùng dân sự của Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên.
 
Tại sao bán đảo Triều Tiên có vai trò quan trọng đối với quốc tế?
 
Về mặt chiến lược, bán đảo Triều Tiên nằm ở trung tâm của vùng Đông Bắc Á, giữa Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Nơi đây từng chứng kiến nhiều cuộc chiến trong lịch sử. Seoul bị đe dọa bởi pháo từ Triều Tiên, còn Tokyo bị đe dọa bởi tên lửa. Bình Nhưỡng cũng được tin là sở hữu tên lửa có khả năng vươn tới Mỹ.
 
Ngoài ra, Đông Bắc Á - sau EU và Bắc Mỹ - là khu vực có nhiều hoạt động kinh tế nhất thế giới. Vì thế, các thị trường tài chính quốc tế, chính phủ và các nền quân sự đều nhạy cảm với căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên.
 
Đã từng xảy ra các vụ việc tương tự?

Câu trả lời là có. Đảo Yeonpyeong từng bị tấn công trong quá khứ. Hồi tháng 1/2009, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã đạn pháo rơi xuống vùng biển gần Đường biên giới phía bắc, biên giới biển vẫn còn đang gây tranh cãi giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Triều Tiên muốn biên giới biển được rút xa hơn xuống phía nam. Trong 6 thập niên qua, các cuộc giao tranh quy mô nhỏ đã nhiều lần xảy ra ở dọc biên giới biển và đất liền. Các cuộc va chạm hải quân chết người từng xảy ra vào các năm 1999, 2002 và 2009.

Vì sao cuộc đấu pháo lại xảy ra trong thời điểm này?

 

Căng thẳng giữa hai miền đã tăng cao kể từ tháng 3, khi một tàu hải quân Hàn Quốc ở trong cùng khu vực bị đắm, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul đổ lỗi Triều Tiên tấn công ngư lôi, mặc dù Triều Tiên kịch liệt phủ nhận. Sau đó vào đầu tháng này, hải quân Hàn Quốc đã bắn cảnh báo vào một tàu đánh cá của Triều Tiên khi tàu này vượt đường biên giới tranh chấp trên biển Hoàng Hải. Tàu của Triều Tiên sau đó đã rút lui.

 

Một số nhà phân tích đã liên hệ động thái nã pháo ngày hôm qua của Triều Tiên với nhu cầu cần lương thực của nước này. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đã từ chối dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, lệnh cấm vận được áp dụng do chương trình hạt nhân của nước này.
 
“Họ thấy rằng họ không thể gây áp lực đối với Washington, vì vậy một lần nữa họ gây sức ép với Hàn Quốc”, Choi Jin-wook, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc cho biết trên tờ New York Times. “Họ đang trong tình cảnh khó khăn và rất muốn được hỗ trợ lương thực ngay, chứ không phải trong năm tới”.

 

Thế giới đã phản ứng ra sao?

 

Mỹ, Anh, Nhật đã lên án vụ nã pháo của Triều Tiên, với Mỹ kêu gọi Triều Tiên “ngừng ngay hành động tham chiến của mình”. Trong khi đó, Trung quốc bày tỏ “quan ngại” và Nga kêu gọi kiềm chế, giải quyết cuộc khủng hoảng trong hòa bình.

 

Vai trò của Mỹ trong tất cả những diễn biến này là gì?

 

Mỹ muốn Triều Tiên nối lại bàn đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của nước này. Các cuộc đàm phám, với sự tham gia của Nga, Trung Quốc, Nhật, Mỹ và hai miền Triều Tiên, đã được khởi động từ năm 2003, sau khi Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Mục đích của bàn đàm phán là tiến tới một thỏa thuận ngoại giao hoà bình nhằm hạn chế khả năng hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng bàn đàm phán đã bị ngưng từ năm 2008. Và đầu tuần này, một nhà khoa học Mỹ đã tiết lộ rằng ông đã được xem cơ sở làm giàu hạt nhân mới, tinh vi của Triều Tiên, ném khả năng nối lại bàn đàm phán vào một tương lai mù mịt.

 

Theo các chuyên gia, vụ nã pháo chắc chắn đã gia tăng thêm một cản trở lớn nữa cho bàn đàm phán.

 

Việc tiết lộ cơ sở làm giàu mới và vụ nã pháo của Triều Tiên vào đảo Hàn Quốc có thể là biểu hiện cho thấy lo ngại của Triều Tiên rằng chính quyền Obama và các đồng minh sẽ không đưa ra nhượng bộ nào như nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. “Tôi nghĩ họ nhận thấy họ không thể mong đợi được gì từ phía Washington hoặc Seoul trong nhiều tháng”, Choi Jin-wook, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc cho hay.

  

Vậy căng thẳng hiện nay lớn đến đâu?

                                                                                           

Hàn Quốc đã đặt quân đội trong “tình trạng khủng hoảng” và Tổng thống Lee Myung-bak được biết đã ra lệnh tấn công vào căn cứ tên lửa của Triều Tiên nếu Triều Tiên có bất kỳ “biểu hiện khiêu khích nào thêm”. Tuy nhiên, có vẻ như sẽ không có hành động quân sự thêm nào nữa.

 

Hàn Quốc không có chương trình vũ khí hạt nhân đang hoạt động nào. Trong khi đó, Triều Tiên được tin là sở hữu từ 8-12 quả bom hạt nhân. Nhưng ngoài các vấn đề hạt nhân ra, bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào giữa hai nước có thể làm bất ổn sâu sắc khu vực, với sự hiện diện của nhiều cường quốc trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Phan Anh - An Bình
Tổng hợp