1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Triều Tiên bắn pháo vào Hoàng Hải”

(Dân trí) - Hàn Quốc cho biết, sáng nay Triều Tiên đã bắn pháo vào vùng biển phía tây, khiến các thị trường tài chính Hàn Quốc chao đảo trong chốc lát. Nhưng các thị trường đã nhanh chóng phục hồi sau khi được tin đây chỉ là một cuộc tập trận quân sự.

“Triều Tiên bắn pháo vào Hoàng Hải” - 1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (trái) và con trai Kim Jong-un tại lễ kỷ niệm 65 năm Đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng  ngày 10/10 vừa qua.

 

Một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết: “Vào 9h04 sáng, một loạt đạn pháo đã rơi xuống gần Đường giới hạn phía bắc (NLL), bên phía của Triều Tiên”.

 

Vụ bắn pháo được báo chí địa phương cho biết là một cuộc tập trận quân sự và diễn ra chỉ hơn 2 tuần sau khi Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc gần biên giới căng thẳng trên biển giữa hai nước. Sau đó Hàn Quốc đã bắn đáp trả.

 

Tin tức về vụ bắn pháo ngày hôm nay đã khiến thị trường chứng khoán Hàn Quốc và đồng won sụt giảm trong chốc lát, nhưng sau đó đã nhanh chóng hồi phục.

 

Vụ việc cũng diễn ra vào thời điểm một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng liên quân, tới Seoul để bày tỏ “cam kết và tình đoàn kết” của đồng minh Mỹ và để hối thúc Trung Quốc “kiềm chế” Bình Nhưỡng. Ông Mike Mullen cũng cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục gây bất ổn trong khu vực.
Hôm nay đô đốc Mỹ Mike Mullen bắt đầu nhóm họp cùng chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, tướng Han Min-koo, để bàn về cách ngăn chặn những hành động mà họ gọi là "khiêu khích" thêm từ phía Triều Tiên.
 

Trong loạt hoạt động ngoại giao con thoi kể từ sau vụ đấu pháo trên Bán đảo Triều Tiên, tờ Washington Post cho biết thống đốc bang New Mexico Bill Richardson, cựu đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên, có thể tới thăm Bình Nhưỡng vào tuần tới để có “cuộc trò chuyện riêng tư với các quan chức cấp cao theo lời mời đối với một số nhân vật chủ chốt đàm phán về hạt nhân”.

 

Chuyến đi của ông Mullen tới Hàn Quốc và sau đó là Nhật Bản diễn ra sau cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng 3 nước ở Washington vào hôm thứ hai vừa qua. Tất cả đều lên tiếng lo ngại sâu sắc về vụ tấn công của Triều Tiên và kêu gọi Trung Quốc có hành động đối với Triều Tiên, nước được coi là đồng minh sân sau của Bắc Kinh.

 

Tuy nhiên vào ngày hôm qua, Bắc Kinh đã chỉ trích Mỹ và các đồng minh châu Á của nước này vì từ chối đàm phán với Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng đối thoại là cách duy nhất để làm giảm căng thẳng đang leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.

 

Phan Anh

Theo Reuters