Vụ cướp máy bay đầy bi kịch
Một gia đình với 11 thành viên vào năm 1988 đã liều lĩnh cướp máy bay để có thể rời khỏi Liên Xô tìm cuộc sống mới, nhưng cuối cùng giấc mơ đổi đời lại trở thành một kết cục bi thương.
Gia đình tiến hành vụ cướp máy bay trên bao gồm người mẹ Ninel Ovechkin (51 tuổi) và 11 người con (7 con trai và 4 con gái từ 9 đến 32 tuổi).
Ninel được coi là trụ cột của gia đình, người phụ nữ này đã trải qua thời thơ ấu đầy khó khăn trong trại mồ côi. Đến khi lập gia đình, Ninel cưới một người chồng nghiện rượu và khi bị “ma men” chi phối, ông ta luôn nạt nộ, đe dọa giết cả các con đẻ. Sau khi người chồng nát rượu qua đời năm 1984, Ninel một mình nuôi nấng các con tại thành phố Irkutsk, cách thủ đô Moskva hơn 4.000 km về phía đông.
Ban nhạc gồm 7 anh em nhà Ovechkin và mẹ.
Gia đình Ovechkin thuộc diện nghèo túng nên họ phải làm việc quần quật trên cánh đồng rồi lại cặm cụi chăm sóc đàn gia súc để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên điều may mắn là những cậu con trai nhà Ovechkin lại bộc lộ năng khiếu và tình yêu đặc biệt với âm nhạc.
Cơ hội đã đến khi Vladimir Romanenko, một giáo viên dạy nhạc, đã để mắt tới khả năng biểu diễn của các anh em Ovechkin và ông quyết định hỗ trợ, chỉ bảo 7 anh em thành lập ban nhạc jazz có tên “The Seven Simeons” vào năm 1983.
Nhóm nhạc gia đình nhiều tiềm năng này nhanh chóng nổi tiếng và gặt hái được thành công khi giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc tổ chức trên khắp Liên Xô. Câu chuyện về ban nhạc tài năng “The Seven Simeons” đã thu hút giới truyền thông và thậm chí một bộ phim tài liệu về ban nhạc gia đình này đã được thực hiện.
Ban nhạc Ovechkin trong một buổi biểu diễn.
Gia đình Ovechkin sau đó chuyển đến hai căn hộ rộng hơn, được cấp thêm tem phiếu thực phẩm và cậu con trai lớn Vasily (26 tuổi) được gửi đến nhạc viện danh giá ở Moskva. Nhưng cũng giống như hầu hết các nghệ sĩ cùng thời khác, ban nhạc chỉ được trả một khoản thù lao nhỏ mỗi khi lên sân khấu và gia đình Ovechkin cảm thấy họ xứng đáng được nhận một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vasily sau đó rời nhạc viện và khẳng định rằng sự bảo thủ của các giáo sư không thể dạy thêm cho anh ta bất cứ điều gì về nhạc jazz.
Và bước ngoặt dẫn đến bi kịch bắt đầu từ chuyến lưu diễn tại Nhật Bản, nơi các nhạc công nhà Ovechkin bị choáng ngợp trước ánh đèn neon rực rỡ, những gian hàng trong siêu thị đầy ắp thực phẩm có thể mua dễ dàng không cần tem phiếu…
Đến một thời điểm, bà mẹ Ninel khăng khăng rằng cả gia đình cần phải rời khỏi Liên Xô. Sau khi suy tính, Ninel quyết định cùng với sự trợ giúp của các con trai cướp một máy bay làm phương tiện vượt biên.
Ngày 8/3/1988, Ninel cùng 10 đứa con (người con gái cả không tham gia) lấy danh nghĩa theo đoàn nghệ thuật địa phương lưu diễn tại thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg) đã lên chiếc máy bay Tu-154 tại Irkutsk.
Gia đình Ovechkin giấu vũ khí bao gồm nhiều súng cưa nòng và một quả bom tự chế vào trong hộp đựng nhạc cụ - loại hộp quá to không thể qua được máy x- quang tại sân bay. Nhân viên tại sân bay đã nhận ra ban nhạc nổi tiếng này vì vậy chủ quan không kiểm tra các hộp nhạc cụ một cách cẩn thận.
Thêm vào đó, gia đình Ovechkins cũng khăng khăng từ chối không để hộp nhạc cụ vào khoang chứa đồ với lý do nó rất quý giá, chính vì vậy, kế hoạch đưa vũ khí vào khoang hành khách đã trót lọt. Trên chiếc máy bay ngày hôm đó có 76 hành khách, bao gồm cả các thành viên nhà Ovechkin.
Khi máy bay đi được nửa hành trình, hai con trai nhà Ovechkin bất ngờ rút súng cưa nòng khỏi hộp nhạc cụ và trao cho tiếp viên hàng không một tờ giấy để chuyển cho phi công, trong đó có nội dung đe dọa cho nổ tung máy bay nếu không đổi hướng đến London (Anh).
Những cậu con trai tay lăm lăm súng yêu cầu tất cả các hành khách không được rời khỏi chỗ ngồi. Sau khi thương thuyết, các phi công trong khoang lái đã thuyết phục những kẻ không tặc rằng máy bay không thể tiếp tục thực hiện hành trình dài do không đủ nhiên liệu. Gia đình Ovechkin chấp thuận cho máy bay dừng tại Phần Lan để nạp thêm nhiên liệu.
Tuy nhiên trên thực thế, đội bay đã gửi lời cấp cứu đến trạm kiểm soát không lưu ở dưới mặt đất, bí mật lên kế hoạch cho máy bay hạ cánh tại một đường băng dự phòng gần Leningrad. Do vậy ngay khi hạ cánh, chiếc máy bay đã bị cảnh sát bao vây. Quan sát qua cửa sổ máy bay, gia đình Ovechkin nhận ra họ đã bị đánh lừa.
Sự căng thẳng của những nhạc công cầm súng này ngày càng trầm trọng và họ bắt đầu la hét, đe dọa cho nổ tung máy bay. Dmitry Ovechkin (24 tuổi) thậm chí hoảng loạn bắn chết nữ tiếp viên hàng không Tamara Zharkaya, người làm trung gian thỏa hiệp giữa phi công và gia đình không tặc.
Đội cảnh sát ập vào khoang hành khách, tuy nhiên đây là đơn vị chưa từng được đào tạo giải cứu con tin nên một cuộc đấu súng hỗn loạn đã diễn ra khiến một số hành khách bị trúng đạn.
Ninel trước đó đã ra lệnh cho các con trai giết chết bà ta và tự sát nếu kế hoạch cướp máy bay thất bại, vì vậy, người con trai cả Vasily đã nổ súng bắn chết mẹ rồi ngay lập tức tự sát.
Ba cậu con trai Dmitry, Oleg và Aleksandr cho nổ quả bom tự chế, tuy nhiên do không có sức công phá nên quả bom chỉ khiến lửa bùng lên trong khoang máy bay, rồi cả ba cũng tự tử bằng súng. Igor (17 tuổi) không nghe theo chỉ đạo của mẹ và trốn trong buồng vệ sinh, cô con gái Olga (28 tuổi) và 4 chị em còn lại cũng sống sót.
Kết quả cuối cùng của vụ cướp máy bay là 9 người thiệt mạng và 36 người bị thương.
Tháng 8/1988, phiên tòa xét xử 6 thành viên trưởng thành còn sống sót của gia đình Ovechkin được bắt đầu. Olga bị buộc tội 6 năm tù và Igor lĩnh 8 năm tù. Những đứa trẻ nhỏ sau đó được chị gái cả Lyudmila Ovechkin (người không tham gia vào vụ cướp máy bay) nhận nuôi.
Thông tin về gia đình Ovechkin sau vụ cướp máy bay cũng rất ít ỏi. Igor sau này vướng vào vòng lao lý lần thứ hai vì tội trồng cây thuốc phiện, sau đó bị một bạn tù giết chết.
Mikhail Ovechkin là thành viên duy nhất trong gia đình còn gắn với sự nghiệp âm nhạc. Anh chơi trong một ban nhạc jazz ở Saint Petersburg, sau đó chuyển đến sống ở Tây Ban Nha.
Theo Hà Linh/RT