1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Những hệ lụy sau cuộc giải cứu (kỳ cuối)

2002, Tòa án Tối cao Peru nhóm họp để nghe tranh luận của các bên. Sau đó, một phiên xét xử được tiến hành với kết quả Vladimiro Montesinos và Nicolas Hermoza lĩnh án 25 năm tù giam vì tội giết người. Riêng Tổng thống Fujimori, do đã trốn sang Nhật Bản vào năm 2000 khi chính phủ của ông sụp đổ trong một vụ bê bối về tham nhũng nên bị xử vắng mặt.

Tại sao phải khám nghiệm tử thi 14 thành viên MRTA?

Ngay sau khi cuộc giải cứu thành công và Tổng thống Fujimori còn đang ngây ngất với vinh quang chiến thắng, thì lập tức trên các phương tiện truyền thông ở một số nước xuất hiện những cáo buộc rằng nhiều thành viên MRTA bị bắn chết mặc dù họ đã đầu hàng.

Một nhân chứng đồng thời cũng là con tin, cho Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (US Defense Intelligence Agency - gọi tắt là DIA) biết là: Roli Rojas - một tên khủng bố - lúc thấy nhóm đặc nhiệm xông vào đã vứt khẩu súng xuống rồi nằm dài ra như các con tin, nhưng một lính đặc nhiệm đã nhận ra hắn ta qua bộ quần áo màu đen.

Lập tức, người lính này lôi Roli Rojas ra hành lang rồi bắn mấy phát vào đầu. Một con tin khác nói ông ta tận mắt chứng kiến một nữ thành viên MRTA cũng bị bắn mặc dù cô này đã quỳ xuống khóc lóc xin tha mạng.

Ông Hidetaka Ogura, cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản, người cũng là con tin trong vụ bắt cóc cho biết ông đã thấy một tên khủng bố là Eduardo Cruz, biệt danh “Tito” bỏ chạy ra ngoài vườn khi nhóm giải cứu  xông vào tòa nhà. Bị bắt sống, Eduardo Cruz đã được giao cho Đại tá Jesus Zamudio Aliaga, Phó chỉ huy Đội đặc nhiệm. Nhưng cũng như những kẻ khủng bố khác, Eduardo Cruz được báo cáo là đã chết trong vụ tấn công.

Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Peru là ông Rodolfo Munante lúc trả lời phỏng vấn của một tờ báo, đã nói ông nghe thấy một tên khủng bố hét lên: “Tôi xin đầu hàng” nhưng rồi ông lại được biết người này nằm trong số 14 kẻ đã chết.

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Những hệ lụy sau cuộc giải cứu (kỳ cuối) - 1

Hai kẻ khủng bố MRTA kiểm tra đồ tiếp tế cho các con tin.

Vẫn theo báo cáo của DIA, ngay trước khi cuộc tấn công giải cứu diễn ra, đích thân Tổng thống Fujimori đã ra lệnh cho đội đặc nhiệm “không để cho bất kỳ một tên MRTA nào còn sống”, và bức ảnh chụp ông đứng cạnh thi thể của Nesto Cerpa Cartolini và Roli Rojas đã chứng minh cho mệnh lệnh này.

Chưa hết, hình ảnh phát đi trên một kênh truyền hình Peru còn cho thấy một số tử thi của nhóm MRTA đã bị cắt đi vài bộ phận, và việc đó chỉ xảy ra sau khi họ chết.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ El Comercio, Tổng thống Fujimori nói rằng khi Sứ quán Nhật Bản bị tấn công, ông đã họp cùng Julio Salazar, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia, Vladimiro Montesinos, Tư lệnh tình báo và Nicolas de Bari Hermoza Rios, Tổng tham mưu trưởng quân đội Peru để bàn về kế hoạch giải cứu, nhưng ông không đả động gì đến việc sử dụng vũ lực.

Khi những lời cáo buộc xuất hiện, Viện Công tố Peru yêu cầu đưa 14 tử thi đến Cơ quan Pháp y quốc gia để tiến hành khám nghiệm nhưng yêu cầu này đã bị từ chối. Thay vào đó, xác của những tên khủng bố được đưa vào nhà xác của cảnh sát.

Các báo cáo khám nghiệm tử thi được cảnh sát giữ bí mật cho đến năm 2001 và chỉ đến lúc đó, thân nhân của những người chết mới biết 14 thành viên MRTA được chôn cất bí mật tại một khu vực hoang vắng bên ngoài thủ đô Lima.

Ngày 25-4-1997 nghĩa là chỉ 3 ngày sau khi cuộc giải cứu con tin thành công, một cuộc biểu tình nổ ra trước Đại sứ quán Peru ở Santiago, Chile. Cảnh sát chống bạo động được lệnh giải tán đám đông bằng lựu đạn cay và dùi cui.

Một số người biểu tình nói với các phóng viên truyền hình: “Chúng tôi kịch liệt lên án những hành vi tàn ác của Tổng thống Fujimori và thế giới phải hành động để nó đừng bao giờ tái diễn”.

Trước đó, ngày 23-4-1997, tại Mexico City, thủ đô của Mexico, những người biểu tình đã tụ tập trước Đại sứ quán Peru, ném sơn đỏ và cà chua vào tòa nhà này, miệng hét lớn: “Fujimori là kẻ sát nhân”, và “Châu Mỹ Latinh để tang cho những người xấu số”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 24-4-1997 với tờ báo Đức Junge Welt, Norma Velasco, người phát ngôn của MRTA khẳng định: “MRTA không có ý định giết con tin mà chỉ đòi hỏi Fujimori phải phóng thích 450 thành viên MRTA đang bị giam trong các nhà tù ở Peru. Mục đích của việc bắt cóc hy vọng sẽ được công luận ở nhiều nước ủng hộ, tạo ra áp lực với Chính phủ Peru, buộc họ phải nhượng bộ”.

Tiếp theo, Norma Velasco cho biết: “Chúng tôi không hề có ảo tưởng rằng Fujimori muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Việc tàn sát những chiến binh MRTA ngay cả khi họ đã đầu hàng chứng tỏ Fujimori không muốn thương lượng”.

Đáp trả lại, Tổng thống Fujimori nói: “Sao lại phải trả tự do cho bọn họ? Việc trả tự do sẽ chứng tỏ sự yếu kém của Chính phủ Peru và sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu. Trả tự do để rồi họ lại tiếp tục hoạt động trong hàng ngũ khủng bố và lại tiếp tục gây ra những vụ đổ máu cho dân thường vô tội hay sao?”

Những anh hùng trở thành tội đồ

Ngày 2-1-2001, ngay sau khi biên bản khám nghiệm tử thi 14 thành viên MRTA của cảnh sát bị rò rỉ, Tổ chức nhân quyền Peru Aprodeh thay mặt cho những người có thân nhân tham gia cuộc bắt cóc bị giết chết, đã đệ đơn khiếu nại hình sự đối với Tổng thống Alberto Fujimori, Tư lệnh tình báo Vladimiro Montesinos, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Peru Nicolas De Bari Hermoza Rios, Tư lệnh Cảnh sát Julio Salazar Monroe cùng những người trực tiếp chỉ đạo vụ giết Eduardo Cruz, Nicolas Sanchez, David Peceros Pedraza và Herma Luz Meledez Cueva.

Được giao cho công tác điều tra, Công tố viên đặc biệt Richard Saavedra đã tiến hành thẩm vấn hai sĩ quan cảnh sát là Raul Robles Reynoso và Marcial Teodorico Torres Arteaga. Cả hai đều xác nhận lời khai của ông Hidetaka Ogura, cựu Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Nhật Bản, rằng ông đã tận mắt chứng kiến Eduardo Cruz còn sống khi người này đang cố chạy ra vườn nhưng sau đó đã bị bắt rồi bị bắn.

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Những hệ lụy sau cuộc giải cứu (kỳ cuối) - 2

Tổng thống Fujimori đứng cạnh xác của những thành viên MRTA bị giết sau cuộc đột kích giải cứu con tin.

Đến tháng 3 năm sau, Viện Công tố Peru đồng ý cho khai quật và khám nghiệm tử thi 14 thành viên MRTA. Việc này được thực hiện bởi các bác sĩ pháp y và các nhà nhân chủng học pháp y thuộc Viện Pháp y Peru, bộ phận giám định tử thi của Cảnh sát Quốc gia Peru.

Nhiều người trong số này đã từng là chuyên gia cho Tòa án Hình sự quốc tế trong vụ xét xử một số tội phạm diệt chủng ở Nam Tư (cũ). Kết quả cho thấy Eduardo Cruz đã bị bắn từ phía sau trong một khoảng cách rất gần vì đốt sống cổ vẫn còn dấu vết của thuốc súng. Xương của Roli Rojas và cô gái Herma Luz Meléndez Cueva cũng thế. Cả hai đều bị bắn vào đầu.

Bản kết luận khám nghiệm đã làm dấy lên nhiều ý kiến. Trong một cuộc phỏng vấn, Phó Chưởng lý Tòa án Tối cao Peru là Ronald Gamarra Herrera nói với Đài Phát thanh CPN rằng Tổng thống Fujimori có thể phải đối mặt với tội giết người vì kết quả khám nghiệm đã chứng thực cho hành vi ấy.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Tổng thống Fujimori thì cho rằng cuộc điều tra chỉ là nỗ lực của kẻ thù chính trị nhằm phá hủy những thành quả của Fujimori đối với đất nước Peru.

Carlos Blanco, một nghị sĩ độc lập và cũng là một con tin nói: “Không nhượng bộ khủng bố là truyền thống có từ các chính phủ trước đó. Nhưng bây giờ họ lại muốn tiêu diệt chúng ta vì chúng ta không nhượng bộ! Hơn nữa, trước khi tiến hành cuộc giải cứu, các nhà thương thuyết theo lệnh của Tổng thống Fujimori đã đồng ý cho bọn bắt cóc được đi tị nạn ở Cộng hòa Dominico hoặc Cuba nhưng họ từ chối. Điều ấy đã chứng tỏ họ quyết tâm thực hiện hành vi khủng bố cho bằng được”.

Ngày 13-5-2002, thẩm phán Cecilia Polack Boluarte ra quyết định bắt giữ 19 sĩ quan đã trực tiếp tham gia cuộc tấn công giải cứu con tin với cáo buộc giết người. Ngay lập tức Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tư pháp đều nhất loạt lên tiếng chỉ trích quyết định ấy nhưng nó vẫn được thi hành bởi có sự ủng hộ của Tổng Chưởng lý Nelly Calderon.

Ngày 16-5-2002, hai đề xuất ân xá cho Đại tá Jose Williams Zapata, người lãnh đạo Đội đặc nhiệm trực tiếp tham gia giải cứu con tin được trình lên Quốc hội Peru; một bởi “Liên minh cách mạng phổ biến” do cựu Tổng thống Peru là ông Alan Garcia thành lập, và một của đảng “Liên hiệp quốc gia”.

Như để tăng thêm áp lực với Quốc hội, ngày 29-5, Đội đặc nhiệm Chavin de Huantar - là đơn vị trực tiếp tham gia cuộc giải cứu con tin, được chọn đi đầu trong lễ diễu binh kỷ niệm ngày thành lập quân đội Peru.

Ngày 16-8-2002, Tòa án Tối cao Peru nhóm họp để nghe tranh luận của các bên. Sau đó, một phiên xét xử được tiến hành với kết quả Vladimiro Montesinos và Nicolas Hermoza lĩnh án 25 năm tù giam vì tội giết người.

Riêng Tổng thống Fujimori, do đã trốn sang Nhật Bản vào năm 2000 khi chính phủ của ông sụp đổ trong một vụ bê bối về tham nhũng, nên bị xử vắng mặt.

4 năm sau, Fujimori bị bắt  và vào tù với bản án 25 năm vì tội tham nhũng, giết người. Còn 19 sĩ quan tham gia cuộc giải cứu, bắn chết 4 thành viên MRTA khi họ đã đầu hàng thì được tha bổng bởi lập luận của giới công tố viên quân sự: “Các anh hùng không nên bị đối xử như những nhân vật phản diện bởi lẽ việc giết người xảy ra vào thời điểm xuất hiện tình trạng khẩn cấp, và họ chỉ là một phần của một hoạt động quân sự được tiến hành theo lệnh cấp trên”.

Tan rã và hệ lụy

Thất bại trong vụ bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Lima, Peru cùng với cái chết của kẻ cầm đầu là Nestor Cerpa Cartolini, còn Victor Polay Campos thì vẫn đang nằm trong nhà tù, khiến “Phong trào cách mạng Tupac Amaru” đi dần đến chỗ tan rã.

Bà Nemecia Pedrasa, mẹ của Peceros, một trong những thành viên MRTA bị giết cho biết 3 người con trai khác của bà và chồng bà đã bị bỏ tù từ tháng 1-1997 cho đến tháng 5-2002 chỉ vì họ có liên quan đến Peceros.

Bà nói hiện giờ bà và người chồng làm công nhân trong một đồn điền cà phê và cố gắng dành dụm tiền để khởi kiện, đòi lại công lý cho các con bà. Cũng trong năm 1997, anh trai của Eduardo Cruz là Edgard Cruz  đã bị sa thải khỏi nơi làm việc khi đang là một luật sư.

Lori Helene Berenson, một phụ nữ Mỹ, cựu sinh viên Đại học M.I.T sống ở Lima, bị kết án tù chung thân bởi một tòa án quân sự Peru, sau giảm xuống còn 20 năm do đã nhiều lần liên lạc và ủng hộ MRTA trong các hoạt động khủng bố, và chỉ được tha vào năm 2010, nói: “Ra khỏi tù, tôi là một phụ nữ 40 tuổi. Tôi rời khỏi nhà khi còn trẻ và gia đình tôi đã hy sinh mọi thứ vì tôi. Bây giờ tôi chỉ muốn đền đáp lại sự hy sinh đó…”.

Tất cả các thành viên MRTA bị giết đều được chôn trong những ngôi mộ không đánh dấu ở một khu vực hẻo lánh thuộc vùng ngoại ô Lima. Mãi đến cuối năm 2002, thân nhân họ mới tìm ra nơi này.

Một người chị của Nestor Cerpa Cartolini kể: “Đó chỉ là một nấm đất thấp lè tè nằm lưng chừng một quả đồi nhỏ, bên cạnh những ngôi mộ khác”. Năm 2003, mộ Nestor Cerpa Cartolini được xây lại bằng xi măng, trên có một cây thánh giá cùng dòng chữ khắc tên ông ta. Bên cạnh đó là mộ của nữ thành viên Herma Luz Meléndez Cueva, cũng chỉ là một khối xi măng trơ trọi.

Từ năm 2003 đến 2008, lần lượt nhiều thành viên MRTA đã ra đầu thú chính quyền và được cho về quê quán làm ăn. Những người ủng hộ MRTA ở các quốc gia Nam Mỹ cũng thôi không nhòm ngó gì đến tổ chức này nữa.

Khi Chính phủ Mỹ và Cộng đồng chung châu Âu (EU) chính thức loại bỏ MRTA ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố trên toàn cầu thì số phận của phong trào này coi như chấm hết.

Và mặc dù gần 1/6 trong số 28 triệu người Peru vẫn sống trong nghèo đói, hơn 20% người lao động không có việc làm cả ngày nhưng các cuộc điều tra xã hội học cho thấy tuy chẳng ưa gì Tổng thống Fujimori, nhưng hơn 90% người Peru đều không có cảm tình với các tổ chức khủng bố, bao gồm cả MRTA lẫn "Con đường sáng”, nên “một chính phủ vì người lao động nghèo” chỉ là ảo tưởng…

Theo Cao Trí/Tupac Amaru Revolutionary Movement

An ninh thế giới