1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru:

Cuộc đột kích 22 phút từ đường hầm (kỳ 3)

10 phút trước khi cuộc đột kích nổ ra, máy phát tin sẽ phát đi những tín hiệu "bíp", âm lượng rất nhỏ, dồn dập trong 10 giây và cứ mỗi 5 giây nó sẽ được lặp lại, tổng cộng 3 lần. Khi ấy, con tin phải nằm xuống sàn nhà và tránh xa bọn khủng bố. Nếu nhận được máy, hãy trả lời bằng 3 tín hiệu "bíp", lặp lại 3 lần.

Máy phát tin giấu trong cây xúc xích

Không thể tiến hành thương lượng bằng các biện pháp ôn hòa, Tổng thống  Fujimori quyết định dùng vũ lực sau khi đã tham khảo ý kiến của các cố vấn thân cận với ông. Về phía Chính phủ Mỹ, mặc dù trong số 72 con tin không có ai là công dân Mỹ nhưng quốc gia này vẫn đề nghị Chính phủ Peru từ chối chấp thuận yêu sách của bọn khủng bố.

Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Chính sách của nước Mỹ là cương quyết phản đối bất cứ sự nhượng bộ nào. Chúng tôi mong rằng các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của những vụ tấn công khủng bố cũng áp dụng chính sách ấy…"

Cuộc đột kích 22 phút từ đường hầm (kỳ 3) - 1

Nesto Cerpa Cartolini nêu ra yêu sách thả tù nhân MRTA với Chính phủ Peru.

Để chuẩn bị cho cuộc đột kích giải cứu dưới sự chỉ huy của Đô đốc Hải quân Luis Giampietri, một chuyên gia về các hoạt động tình báo đặc biệt (sau này, năm 2006, ông trở thành Phó Tổng thống Peru), trong các chuyến xe chở quần áo, lương thực cho con tin, Luis Giampietri ra lệnh giấu vào đó một máy phát tin chỉ bé bằng 1/4 bao thuốc lá cùng một mẩu giấy nội dung yêu cầu tất cả các con tin hãy thường xuyên mặc quần áo màu sáng để giúp phân biệt với nhóm MRTA mặc quần áo đen.

10 phút trước khi cuộc đột kích nổ ra, máy phát tin sẽ phát đi những tín hiệu "bíp", âm lượng rất nhỏ, dồn dập trong 10 giây và cứ mỗi 5 giây nó sẽ được lặp lại, tổng cộng 3 lần. Khi ấy, con tin phải nằm xuống sàn nhà và tránh xa bọn khủng bố. Nếu nhận được máy, hãy trả lời bằng 3 tín hiệu "bíp", lặp lại 3 lần.

Chiếc máy phát tin được nhét vào phần đầu của một thỏi xúc xích Salami to bằng bắp tay, còn mảnh giấy thì ngụy trang dưới hình thức nhãn hiệu của hãng sản xuất. Rất may mắn, một du kích MRTA chỉ dùng lưỡi lê chọc vài nhát vào đoạn giữa của thỏi xúc xích nên không phát hiện được. Barrios Altos, con tin người Uruguay kể: "Khi cắt xúc xích ra, tôi thấy chiếc máy. Thoạt đầu, tôi chẳng biết nó là cái gì nhưng tôi nghĩ phải là vật rất quan trọng thì người ta mới giấu nó".

Thông tin về "vật lạ" nhanh chóng được rỉ tai nhau giữa các con tin và chẳng mấy chốc, một kỹ sư điện tử người Nhật đã nhận ra nó. Barrios Altos kể tiếp: "Biết đó là máy thu phát nhưng sử dụng thế nào thì chẳng ai hay. Cả 72 con tin, ai nấy đều cố lục lọi trong những món quà mà mình vừa nhận, xem còn cái gì nữa không". Chỉ đến lúc một con tin sực nhớ bao bì của thỏi xúc xích đã được ném vào thùng rác thì khoảng 10 phút sau, Đô đốc Hải quân Luis Giampietri mới thở phào khi Trung tâm chỉ huy cuộc giải cứu báo cho ông biết là họ đã nhận được 3 tiếng "bíp".

Tuy nhiên, Đô đốc Luis Giampietri vẫn phải tính đến chuyện MRTA chơi trò tương kế tựu kế, nhưng kiểm tra bằng cách nào thì quả là… bó tay! Ông kể: "Một lần nữa, may mắn lại đến với chúng tôi. Sáu ngày sau khi con tin nhận được máy, một người trong số họ ốm nặng và MRTA cho phép một bác sĩ vào thăm". Đã được dặn dò từ trước nên trong quá trình khám, cô bác sĩ khẽ nhướng mắt lên như có ý muốn hỏi người bệnh, miệng phát ra một chữ "bíp". Thấy người bệnh khẽ gật đầu, khi quay trở ra, cô báo cho Đô đốc Luis Giampietri biết là mọi việc ổn thỏa.

Để đảm bảo cho cuộc giải cứu thành công, Tổng thống Fujimori còn cần đến sự ủng hộ của các quốc gia khác - đặc biệt là những nước có công dân đang bị MRTA bắt giam trong trường hợp họ bị thương hoặc bị chết bởi lẽ trước đó, một đội quân nhạc Peru với mục đích tâm lý chiến, đã tổ chức hòa nhạc ngay bên lề đường đối diện với cổng chính Đại sứ quán Nhật Bản và điều này đã khiến nhóm khủng bố nổi giận, nã súng vào đội quân nhạc nhưng may mắn là chẳng ai hề hấn gì.

Vụ nổ súng đã khiến Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto Ryutaro yêu cầu Tổng thống Fujimori hết sức kiềm chế, không để xảy ra những rủi ro không cần thiết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con tin, đồng thời các chính trị gia Nhật Bản cũng gây áp lực với Tổng thống Fujimori, buộc ông phải tìm cách đàm phán với MRTA thay vì sử dụng sức mạnh quân sự.

Ngày 6-2-1997, Tổng thống Fujimori gặp Thủ tướng Hashimoto ở Canada. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo thông báo rằng họ đã thỏa thuận về cách xử lý vụ bắt cóc nhưng không đưa ra chi tiết. Ngày 10-2, Tổng thống Fujimori đến London. Tại đây, ông tuyên bố mục đích của chuyến đi là để "tìm kiếm một đất nước có thể đồng ý cho nhóm bắt cóc được hưởng quy chế tị nạn" nhưng các nhà quan sát nhanh chóng nhận ra tuyên bố của Fujimori mâu thuẫn với những gì mà ông đã nói trước đó, rằng "MRTA không phải là một nhóm du kích mà là những kẻ khủng bố". Đến ngày 11-2, Fujimori lại khiến người ta ngạc nhiên khi ông tiết lộ: "Nhà tù Peru được xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cho MRTA".

Cũng trong tháng 2, Báo La Republica, xuất bản ở Lima cho đăng tải một bài nói về "kế hoạch can thiệp bí mật" của Chính phủ Peru, có sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Kế hoạch này được đề ra bởi Cơ quan Tình báo Quân đội Peru và đã được Tổng thống Fujimori phê duyệt. Như để khẳng định chuyện ấy, ngày 17-2-1997, trên  tờ  New York Times xuất hiện một bài viết, trong đó có đoạn: "Nước Mỹ sẽ tham gia cuộc tấn công bằng các biệt kích Commandos thuộc Bộ chỉ huy Nam Mỹ, có căn cứ ở Panama".

Mặc kệ với những hoạt động ngoại giao, Đô đốc Luis Giampietri vẫn lặng lẽ thực hiện kế hoạch của mình và một trong những câu hỏi cần phải trả lời là nhóm khủng bố gồm bao nhiêu tên, vũ trang bằng những loại súng gì. Vài người đã được phóng thích cho biết bọn khủng bố có 12 tên, sử dụng súng AK, vài người khác lại nói là 20 tên, ngoài AK còn có súng chống tăng RPG, lựu đạn và chất nổ. Tổng hợp những thông tin ấy, nhóm hành động của Đô đốc Luis Giampietri ước lượng chúng có khoảng từ 12 đến 15 tên.

Những ngày tiếp theo, một số micro và máy quay video thu nhỏ đã bí mật đưa vào nơi giam giữ con tin bằng cách giấu trong thức ăn, bánh kẹo, đàn guitar và những khối đồ chơi rubik.

Thông qua máy phát tin, bằng tín hiệu Morse, nhóm hành động của Đô đốc Luis Giampietri truyền đi những hướng dẫn cài đặt các thiết bị này tại những vị trí quan trọng trong tòa nhà dựa trên bản vẽ thiết kế do nhà thầu xây dựng Sumitomo cung cấp. Trong bản vẽ ấy, có cả hai đường hầm từ Đại sứ quán trổ ra các căn nhà liền bên, là lối thoát hiểm khi gặp trường hợp khẩn cấp.

Kết quả thu được cho thấy bọn khủng bố có 14 tên, vũ trang bằng 12 khẩu AK, 2 khẩu RPG, một số súng ngắn, lựu đạn - trong đó có 4 tên mặc áo bom. Việc nghe trộm, nhìn trộm cũng cho thấy nhóm MRTA canh gác tòa nhà hết sức cẩn thận, nhất là vào ban đêm nhưng việc kiểm tra sinh hoạt của các con tin thì có vẻ lỏng lẻo vì chúng cho rằng không thể có một cuộc nổi dậy từ đám người "mũ cao áo dài" này.

Hơn nữa, các con tin theo lệnh của Đô đốc Luis Giampietri, luôn biểu thị sự tin tưởng về một giải pháp trao đổi tù binh. Luis Giampietri nói: "Qua quan sát, chúng tôi nắm được một quy luật là cứ gần cuối giờ chiều, 8 trong số 14 thành viên MRTA - có cả Nestor lại tổ chức chơi bóng đá ở sảnh chính trong nhà, và chơi khoảng 1 tiếng".

Chiến dịch Chavin de Huantar

Ngày 1-3-1997, hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ bắt cóc, một nhóm đặc nhiệm gồm 140 người Peru được thành lập dưới quyền chỉ huy của Đại tá Jose Williams Zapata. Khi tiến hành thực tập tác chiến, nhằm tránh xa những con mắt tò mò, họ được đưa đến Chavin de Huantar - là một địa điểm khảo cổ nổi tiếng ở miền Nam Peru, nơi có những đường hầm tương tự như đường hầm bên trong Sứ quán Nhật Bản.

Cuộc đột kích 22 phút từ đường hầm (kỳ 3) - 2

Các con tin lúc được giải thoát.

Cũng tại nơi này, mô hình Đại sứ quán Nhật Bản được dựng lên với kích thước y như thật. Dựa vào những hình ảnh thu được từ máy quay video, 14 thành viên của đội đặc nhiệm đóng giả quân du kích MRTA, canh gác tại những vị trí  hiểm yếu. Để cho "thật" hơn, nhóm "du kích" còn tổ chức đá bóng và đánh trả khi lực lượng giải cứu xông vào. Theo nhận định của các chuyên gia quân sự, cuộc đột kích có khả năng diễn ra trong 20 phút, ít nhất 30% con tin sẽ bị thương vong, 10 hoặc 12 tên khủng bố bị bắn chết. Về phía đội đặc nhiệm, họ chấp nhận tổn thất từ 5 đến 10 người, một cái giá khá đắt!

Đầu tháng 4, Đô đốc Luis Giampietri ra lệnh sửa chữa lại hai đường hầm đã có sẵn đồng thời đào thêm hai đường nữa dẫn vào Sứ quán Nhật Bản - tất cả đều làm bằng tay chứ không sử dụng máy móc. Để đánh lạc hướng nhóm khủng bố MRTA, cứ mỗi khi đội công binh tiến hành đào đắp thì một dàn nhạc với hệ thống loa công suất lớn lại trống kèn ầm ĩ cùng với những chiếc xe tăng chạy qua chạy lại, giả như để thị uy.

Nửa tháng trước khi diễn ra cuộc giải cứu,  một đội biệt kích Delta Mỹ bay từ một căn cứ ở Panama đến Lima, lên sân thượng của một tòa nhà nằm cạnh Đại sứ quán Nhật Bản, tiến hành lắp đặt thiết bị nhìn đêm để cung cấp dữ liệu cho lực lượng giải cứu. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của Đội Hành động chống khủng bố SAS, Anh, Đội ứng phó tình huống khẩn cấp của Cục Phòng vệ Nhật Bản và đặc nhiệm Mossad, Israel. Kế hoạch giải cứu được đặt tên là Operation Chavin de Huantar.

15 giờ 23 phút ngày 22-4-1997, chiến dịch Chavin de Huantar bắt đầu. Trong số 14 tên khủng bố, chỉ có Nesto Cerpa Cartolini, Roli Rojas, Eduardo Cruz là dân chuyên nghiệp. Những kẻ còn lại là lính mới, chưa từng kinh qua trận mạc và cuộc bắt giữ con tin kéo dài quá nhiều ngày đã khiến họ nản lòng. Thậm chí 2 cô gái trong nhóm khủng bố thỉnh thoảng còn khóc lóc vì nhớ nhà.

Đúng vào lúc 8 tên khủng bố đang say mê tranh bóng thì nhóm giải cứu xông lên từ các đường hầm, và 3 khối thuốc nổ đã phát nổ gần như cùng một lúc ở 3 căn phòng khác nhau. Vụ nổ đầu tiên xảy ra giữa "sân" bóng đá, giết chết 3 tên khủng bố ngay lập tức - trong đó có một cô gái đang ngồi xem. Thông qua các khoảng trống tạo ra bởi vụ nổ, 30 lính đặc nhiệm Peru lao vào, đuổi theo các thành viên MRTA còn sống sót để ngăn chặn trước khi họ lên được tầng 2, nơi giam giữ con tin.

Tại cửa chính của Sứ quán, 20 lính đặc nhiệm bắn chết 2 tên khủng bố đang tìm cách thoát ra ngoài. Phía sau nhà, 40 đặc nhiệm khác nhanh chóng dựng thang lên tầng 2 rồi dùng chất nổ thổi bay cánh cửa dẫn vào căn phòng chính. Đúng lúc đó, 9 tên khủng bố còn lại cũng vừa lên đến nơi. 15 đặc nhiệm đi đầu với 15 khẩu tiểu liên Uzi chẳng bỏ lỡ cơ hội, họ quét sạch đám khủng bố bằng những loạt đạn dài.

Về phía các con tin, 10 phút trước khi cuộc giải cứu diễn ra, họ đã nhận được tín hiệu báo động. Sau khi thông báo cho nhau, tất cả đồng loạt nằm xuống sàn nhà hoặc trốn dưới gầm bàn, gầm giường.

Khi cuộc đột kích kết thúc, ngoài 14 thành viên MRTA chết ngay tại trận, một con tin là Tiến sĩ Carlos Giusti Acuna, thẩm phán Tòa án Tối cao Peru chết vì… đứng tim cùng 2 sĩ quan thuộc nhóm đặc nhiệm là Trung tá Juan Valer Sandoval và Trung úy Raul Jimenez Chavez chết vì trúng đạn của quân khủng bố, 25 con tin khác bị thương nhẹ do những mảnh vỡ bắn vào. Kiểm tra hiện trường, đội giải cứu phát hiện nhiều khối chất nổ được cài ở tầng 2, nơi giam giữ con tin nhưng do bị tiêu diệt, chúng không còn kịp giật dây kích nổ.

Cuộc đột kích chỉ diễn ra 22 phút. Lúc 16 giờ 20 phút, Tổng thống Fujimori xuất hiện trong sân Đại sứ quán, cùng lực lượng đặc nhiệm hát vang quốc ca Peru. Sự thành công ngoạn mục của vụ giải cứu đã đưa uy tín của Fujimori lên cao chưa từng thấy…

(Còn nữa)

Theo Cao Trí/Tupac Amaru Revolutionary Movement

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm