1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Cả thế giới vào cuộc (kỳ 2)

9 ngày sau khi xảy ra vụ bắt cóc, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã đề nghị Tổng thống Fujimori cho phép họ đứng ra đàm phán với Nestor Cerpa Cartolini.

Peru dưới triều đại của vị Tổng thống gốc Nhật Bản

Kể từ khi Tổng thống Fujimori - một người gốc Nhật lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Peru vào năm 1990 thì ảnh hưởng của Nhật đã dần dần thay thế vai trò của Mỹ.

Bị hấp dẫn bởi nguồn tài nguyên phong phú, giá nhân công rẻ, nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu Nhật Bản như hãng xe hơi Toyota, Nissan, hãng điện tử Sony, Panasonic, Hitachi… lần lượt dựng lên những cơ sở sản xuất, lắp ráp ở một số nơi trên đất Peru với những ưu đãi về đất đai, thuế má. Nhưng ngược lại, họ cũng trở thành những mục tiêu hàng đầu của MRTA và của một tổ chức khủng bố khác, cùng hoạt động song song với MRTA là "Con đường sáng".

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Cả thế giới vào cuộc (kỳ 2) - 1

Nestor Cerpa Cartolini (dấu X) - kẻ cầm đầu cuộc bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Nhật Bản.

Một tối tháng 9-1991, quân du kích MRTA sau khi bắn hơn 60 phát đạn vào Đại sứ quán Nhật Bản tại Lima thì xông vào văn phòng của Hãng thông tấn Mỹ rồi bắt các kỹ thuật viên phải phát đi một bản tin, nội dung lên án mạnh mẽ sự tham nhũng và những hành động vi phạm nhân quyền của Chính phủ Fujimori, đồng thời kêu gọi người lao động Peru ủng hộ MRTA. Trước đó, MRTA đã tấn công một cửa hàng gà rán Kentucky, đập phá tan nát bàn ghế, vật dụng.

Từ tháng 12-1990 đến tháng 4-1991, Đại sứ quán Nhật tại Peru đã hai lần bị tổ chức "Con đường sáng" âm mưu đánh phá nhưng đều bị phát hiện. Tháng 7-1991, 3 chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản bị MRTA sát hại tại nhà riêng ở Lima khiến Chính phủ Nhật phải tạm ngưng việc đưa chuyên gia sang Peru.

Cũng trong năm đó, Trung tâm văn hóa Nippon cùng  mấy nhà hàng của người Peru gốc Nhật bị đặt chất nổ. Năm 1993, một chiếc xe hơi chứa đầy chất nổ lao vào Đại sứ quán Nhật tại Lima rồi nổ tung nhưng may mắn là không gây thiệt hại về người.

Trên tờ Cambio, cơ quan ngôn luận của MRTA, những nhà lãnh đạo của tổ chức này lên tiếng tố cáo "Chính phủ Nhật đã và đang can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Peru, hậu thuẫn cho chính sách kinh tế mang tính hủy diệt của Fujimori" bởi lẽ từ năm 1990 đến 1996, Tổng thống Fujimori đã 6 lần sang thăm nước Nhật.

Có thể vì mối quan hệ đặc biệt ấy nên giao thương giữa Nhật Bản - Peru phát triển nhanh chóng. Tính đến tháng 3-1996, các khoản vay ưu đãi và viện trợ của Nhật cho Peru đã lên đến nhiều tỉ USD - chỉ đứng sau Brazil nên những lời tố cáo của MRTA càng mạnh mẽ hơn nữa: "Số tiền khổng lồ đó chỉ nhằm củng cố địa vị của những kẻ thống trị, giúp Fujimori có thêm súng đạn để đàn áp các phong trào "yêu nước" đồng thời gia tăng sự phân hóa giàu nghèo".

Trước tình hình này, Chính phủ Peru vừa đối phó với "Con đường sáng", lại vừa phải đương đầu với MRTA. Cho đến khi vụ đột kích Đại sứ quán Nhật Bản xảy ra, Cơ quan an ninh Peru đã bắt giam 450 thành viên của  MRTA lẫn "Con đường sáng" - trong đó có 15 kẻ cầm đầu thuộc nhiều thế hệ khác nhau, kể cả nhân vật sáng lập MRTA là Victor Polay Campos.

Tháng 1-1990, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Peru bị ám sát. Các cuộc điều tra cho thấy Victor Polay Campos là kẻ chủ mưu.

Tháng 6 cùng năm, do có chỉ điểm, Cơ quan An ninh Peru bắt được Victor trong một cuộc bố ráp ở ngoại ô thủ đô Lima nhưng tháng 3-1991, Nestor Cerpa Cartolini, phó tướng của Victor cùng đồng bọn đã bí mật đào một đường hầm dài 250m đến tận buồng giam, cứu thoát thủ lĩnh MRTA ra khỏi nhà tù.

Năm 1992, Victor bị bắt lại. Tòa đại hình Peru buộc tội ông ta đã thực hiện 30 tội ác chống lại loài người, diễn ra từ cuối năm 1980 đến đầu năm 1990. Ngày 22-3-2006, Victor Polay Campos bị kết án 32 năm tù giam và hiện vẫn bị giam giữ tại nhà tù Callao Naval Base. Cùng bị giam tại đây còn có Abimael Guzman - người thành lập tổ chức khủng bố "Con đường sáng".

Vụ bắt cóc thách thức cả cộng đồng quốc tế

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tin MRTA đột kích vào Đại sứ quán Nhật Bản ở Lima, bắt giữ 114 con tin được các cơ quan truyền thông trên toàn thế giới loan tải, thì lập tức nhiều đường dây nóng nối giữa Tokyo, Washington DC, Paris, London, Tegucigalpa (Honduras), La Paz (Bolivia), Montevideo (Uruguay)… với Lima được thiết lập để các quốc gia này theo dõi những diễn biến và sự an toàn tính mạng của công dân mình.

Trong cuốn sách "Tupac Amaru Revolutionary Movement", sử gia Gordon H. McCormick viết: "Có lẽ từ sau vụ những sinh viên thuộc Phong trào cách mạng Hồi giáo bắt cóc 53 con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Teheran, Iran xảy ra vào năm 1979, cả thế giới mới lại có một phen hồi hộp".

Theo lời những người được trả tự do, Nestor Cerpa Cartolini, kẻ cầm đầu cuộc đột kích nêu ra yêu sách, buộc Chính phủ Peru phải thả ngay tất cả những thành viên MRTA đang bị giam giữ.

Quốc gia lo lắng nhất trong vụ bắt cóc này là Nhật Bản. Ngày 18-12, Thủ tướng Nhật Hashimoto Ryutaro đích thân điện thoại cho Tổng thống Fujimori, đề nghị Chính phủ Peru ưu tiên bảo đảm sự an toàn cho các con tin, đồng thời cử một đặc phái viên là ông Ikeda đến Peru để phối hợp giải quyết.

Cùng với Bộ Ngoại giao và Phủ Thủ tướng, Cơ quan Phòng vệ Nhật Bản nhanh chóng thành lập "Phòng phản ứng tức thì" nhằm tính đến việc gửi lực lượng sang Lima, hỗ trợ Cơ quan An ninh Peru trong việc giải cứu con tin.

Cũng trong ngày 18-12, Chánh văn phòng Hoàng gia Nhật Bản cho biết, Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu vô cùng bất an trước sự kiện này. Ông yêu cầu hủy bỏ các lễ hội tổ chức để mừng ngày sinh của ông (18-12).

Ngày 19-12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) ra tuyên bố lên án hành vi bắt cóc, giam giữ con tin và đề nghị MRTA phải trả tự do cho tất cả.

Tổng thư ký LHQ Kofi Annan phát biểu: "Cho dù với bất cứ lý do gì, việc tấn công vào đại sứ quán của một quốc gia là việc không thể chấp nhận được, nó chà đạp lên các Công ước của LHQ về ngoại giao đồng thời thách thức cả cộng đồng quốc tế".

Về phía Peru, cuộc tấn công táo bạo của MRTA đã khiến thị trường chứng khoán nước này lao dốc chỉ trong 3 tiếng đồng hồ kể từ khi phiên giao dịch bắt đầu.

Nếu như năm 1996, các cuộc thăm dò cho thấy 75% người dân Peru ủng hộ Tổng thống Fujimori thì sau khi vụ bắt cóc xảy ra, con số này chỉ còn là 40%.

Báo Libero, tờ báo lớn nhất nhì Peru có bài bình luận, rằng "đó là một bước lùi của nền dân chủ, và chúng ta đã phải quay lại sống chung với chủ nghĩa khủng bố".

Ngày 22-12, trong một bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia dài 4 phút, Tổng thống Fujimori ngoài việc lên án những kẻ tấn công, bắt cóc, đồng thời từ chối những yêu sách của MRTA, ông còn khẳng định "không loại trừ một cuộc giải cứu bằng vũ lực nhưng vẫn mở rộng cửa cho một giải pháp hòa bình".

Bên cạnh đó, ông cũng công khai nói rằng Peru "không cần sự giúp đỡ của cố vấn an ninh và các lực lượng đặc nhiệm nước ngoài" trong bối cảnh xuất hiện nhiều tin đồn  Chính phủ Peru đã phải cầu viện Mỹ và Nhật Bản.

Đáp lại, kẻ cầm đầu cuộc đột kích là Nestor Cerpa Cartolini thông báo những con tin không làm việc cũng như không liên quan đến Chính phủ Peru sẽ được phóng thích. Đến khi cuộc tấn công giải cứu xảy ra, trong số 114 con tin bị cầm giữ ban đầu, chỉ còn lại 72 người, tất cả đều là những nhân vật quan trọng của cả Peru lẫn của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thương lượng

9 ngày sau khi xảy ra vụ bắt cóc, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã đề nghị Tổng thống Fujimori cho phép họ đứng ra đàm phán với Nestor Cerpa Cartolini. Được sự đồng ý, sáng ngày 30-12, 4 thành viên của Ủy ban, dẫn đầu bởi Sir Christopher Dawson tiến đến cổng Tòa Đại sứ Nhật Bản với những lá cờ trắng có dấu chữ thập màu đỏ.

Trước đó, loa phóng thanh cầm tay của cảnh sát đã thông báo với những kẻ bắt cóc, rằng Hội Chữ thập đỏ sẽ cử người vào để xem xét việc cung cấp thức ăn, nước uống cũng như nhu cầu y tế cho các con tin nhân dịp năm mới, và họ đều không mang theo vũ khí.

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Cả thế giới vào cuộc (kỳ 2) - 2

 

Nghị sĩ Alejandro Todela, một con tin được MRTA trả tự do trước khi xảy ra cuộc giải cứu.

9 giờ 40 phút, cánh cửa nhỏ bên hông cổng chính Đại sứ quán Nhật Bản mở ra. Hai du kích xuất hiện, tay cầm AK, mặt bịt kín bằng lá cờ MRTA. Sau những cái nhìn dò xét, họ vẫy tay ra hiệu cho 4 thành viên Chữ thập đỏ bước vào rồi lục soát tỉ mỉ từng người một.

Sir Christopher Dawson kể: "Nestor Cerpa Cartolini mặt béo tròn, để ria mép. Ông ta tiếp đãi chúng tôi khá lịch sự nhưng từ chối không cho chúng tôi gặp gỡ các con tin".

Trong suốt cuộc tiếp xúc, ngoài việc yêu cầu Chính phủ Peru không được cắt điện nước, Nestor liên tục đưa ra những yêu sách, rằng Chính phủ Peru phải trả tự do không điều kiện cho tất cả những chiến binh MRTA hiện đang bị giam giữ - trong đó có cả vợ của ông ta, rằng ngay lập tức Chính phủ Peru phải thực hiện những cải cách cả về chính trị lẫn kinh tế. Bên cạnh đó, Nestor cũng phản đối về cách đối xử độc ác và vô nhân đạo đối với tù nhân MRTA.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, Nestor đồng ý để Hội Chữ thập đỏ gửi quần áo, thức ăn, thuốc men và dụng cụ y tế cho con tin nhưng cảnh báo: "Mọi sự cố ý lợi dụng việc tiếp tế để giải thoát con tin sẽ phải trả giá đắt".

Sir Christopher Dawson kể tiếp: "Để chứng minh đây không phải là lời dọa suông, Nestor cho gọi 4 tên trong bọn đến rồi chỉ cho tôi xem những khối chất nổ được bó chặt vào người. Ông ta nói: "Chỉ cần một động tác giật dây - Nestor đưa hai bàn tay ra trước mặt, vẽ thành một vòng tròn tượng trưng cho một vụ nổ - là "bùm"!”.

Trưa 31-12, 4 chiếc xe tải nhỏ sơn cờ Chữ thập đỏ chạy chầm chậm vào sân Đại sứ quán trước sự "dàn chào" của 6 du kích MRTA. Tất cả những thùng quà đều phải mở tung để họ kiểm soát. Savedra, một con tin cho biết hộp sôcôla của ông bị "lưỡi lê chọc nát bấy". Một chiếc radio hiệu National do Nhật sản xuất chỉ để nghe tin tức từ các đài phát thanh, chẳng biết gửi cho ai bị quân khủng bố phát hiện. Lập tức, một tên ném nó xuống đất rồi dùng báng súng đập nát. Vài phút sau, Nestor bước ra, nhặt chiếc radio đã vỡ tan tành lên, đưa cho lái xe: "Đem về trả lại ông chủ của chúng mày".

Song song với những hoạt động của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Tổng thống Fujimori cũng cho thành lập một nhóm "hành động đặc biệt" để tìm giải pháp thương lượng với MRTA, gồm Đại sứ Canada là ông Anthony Vincent, người đã bị MRTA bắt làm con tin vào tối ngày 17-12 nhưng được phóng thích sớm, Tổng Giám mục Peru Juan Luis Cipriani và Javier Camaro, một quan chức Hội Chữ thập đỏ Peru.

Bên cạnh đó, Tổng thống Fujimori còn nói chuyện với nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro, đề nghị Cuba cho phép nhóm bắt cóc được đi sang nước này nếu họ đồng ý thả con tin.

Tuy nhiên, phía MRTA vẫn cương quyết giữ vững yêu sách và lập trường. Ngày 17-1-1997, mọi cuộc thương lượng rơi vào bế tắc. Chính trị gia Diez Canseco - một trong số 72 con tin sau khi được giải cứu đã cho biết: "Những kẻ khủng bố chỉ khoảng từ 18 đến 21 tuổi. Tôi nghĩ là họ muốn sống chứ không muốn chết".

Một con tin khác là Nghị sĩ Alejandro Toledo nói: "Gần những ngày cuối cùng trước khi diễn ra cuộc tấn công giải cứu, qua trò chuyện, tôi biết nhiều thành viên trong nhóm bắt cóc mong muốn sẽ có một lệnh ân xá, cho phép họ trở về với cuộc sống dân thường".

Thời điểm ấy, Alejandro Toledo tin rằng bất kỳ hành động nào nhằm  giải cứu con tin bằng vũ lực chỉ là chuyện điên rồ vì nhóm khủng bố "được trang bị đến tận răng", các phòng trong tòa nhà và ngay cả trên mái nhà đã được cài đầy chất nổ"…

(Còn tiếp)

Theo Cao Trí

(tổng hợp)