1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Cuộc đột nhập táo bạo (kỳ 1)

1996, ông Morihita Aoki - Đại sứ Nhật Bản tại Peru tổ chức một buổi tiệc long trọng để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 63 của Nhật hoàng Akihito với gần 600 khách mời gồm các quan chức cao cấp trong Chính phủ Peru, các nhà ngoại giao của các nước có sứ quán ở Peru cùng các doanh nhân thuộc những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, có văn phòng ở thủ đô Lima, Peru.

20 giờ 20 phút, khi buổi dạ tiệc đang diễn ra sôi nổi thì bất ngờ một nhóm gồm 14 người vũ trang súng tiểu liên, mặt che kín bằng mũ len, chỉ để hở mắt và miệng, xông vào. Họ tự xưng là "Phong trào cách mạng Tupac Amaru" (Movimiento Revolucionario Tupac Amaru - MRTA) rồi bắt tất cả những người có mặt. Những ngày tiếp theo, họ trả tự do cho phần lớn, chỉ giữ lại 72 con tin, trong đó có Thẩm phán Tòa án tối cao Peru là ông Carlos Giusti Acuna; Bộ trưởng Ngoại giao Peru Francisco Tudela; Đại sứ Nhật Bản Morihita Aoki; chính trị gia Alejandro Toledo, người mà sau này sẽ trở thành Tổng thống Peru; Javier Diez Canseco, dân biểu Hạ nghị viện Peru…

126 ngày sau, các con tin mới được Lực lượng đặc nhiệm Peru giải cứu…

72 con tin dưới họng súng của quân khủng bố

Nằm tại trung tâm thành phố Lima, thủ đô Peru, trong khu vực dành cho các cơ quan công quyền, Đại sứ quán Nhật Bản là ngôi biệt thự bề thế và sang trọng với một khối nhà chính bằng gỗ sơn màu trắng, nóc nhà hình chóp, bốn góc uốn cong biểu trưng cho kiến trúc xứ Phù tang. Trên bốn góc ấy là bốn dải sơn màu đỏ, tượng trưng cho lá cờ Nhật Bản. Phía sau ngôi nhà chính còn có hai dãy nhà phụ gồm một tầng trệt và hai tầng lầu, là nơi ở cho cán bộ, nhân viên sứ quán. Riêng tư dinh của Đại sứ Morihita Aoki là một căn nhà mái bằng, nằm ở bên hông. Tất cả những cửa sổ của các nhà này đều được lắp kính chống đạn, còn kết cấu nhà có thể chịu được những cuộc tấn công bằng lựu đạn.

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Cuộc đột nhập táo bạo (kỳ 1) - 1

Toàn cảnh Đại sứ quán Nhật Bản vào thời điểm diễn ra cuộc tấn công bắt cóc con tin.

Xung quanh Đại sứ quán được bao bọc bởi bốn bức tường cao 3m, cổng chính nhìn thẳng ra đại lộ Cuzco, còn mấy cổng phụ thì trổ ra những con đường nhỏ. Thường ngày, lực lượng bảo vệ Đại sứ quán gồm một tiểu đội cảnh sát Peru 12 người và một số nhân viên an ninh Nhật Bản, nhưng trong đêm diễn ra lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 63 của Nhật hoàng Akihito, con số bảo vệ lên đến hơn 200 người.

20 giờ 20 phút, khi những vị khách đang thưởng thức món rượu sake hâm nóng cùng các loại thức ăn đặc trưng của nước Nhật thì bất ngờ có một tiếng nổ lớn phát ra từ bức tường phía bắc Tòa Đại sứ cùng nhiều tiếng súng. Jose Carlos, một cảnh sát Peru kể lại: "Ngay sau tiếng nổ, họ xông vào, bắn tứ tung về phía chúng tôi. Dưới ánh sáng của vài ngọn đèn điện không bị hỏng vì vụ nổ, tôi thấy những bóng người mặc quần áo đen, mặt bịt kín, tay vung vẩy khẩu tiểu liên AK. Bị rơi vào thế bất ngờ, phần lớn chúng tôi đều tìm chỗ núp trước khi nghĩ đến việc đánh trả". Nayoga Fuchida, nhân viên an ninh Sứ quán nói: "Tiếng nổ phá tường và tiếng súng AK đã làm chúng tôi bối rối trong vài giây đầu tiên nhưng chúng tôi vẫn đủ khả năng để ngăn chặn nhóm khủng bố. Tuy nhiên, họ xông vào và khống chế các vị khách mời nhanh quá khiến chúng tôi phải cân nhắc vì những hành động của chúng tôi có thể gây thương vong cho nhiều người".

Sau khi xông vào phòng tiếp khách, nhóm khủng bố ra lệnh cho tất cả mọi người nằm sấp xuống sàn. Một tên trong bọn - được xác định là Netror Cerpa Cartolini, lớn tiếng: "Chúng tôi là Lực lượng vũ trang cách mạng Tupac Amaru. Tất cả những ai là quan chức Chính phủ Peru, quan chức của các chính phủ nước ngoài và những ai là người Nhật thì hãy đứng dậy!".

Các con tin đưa mắt nhìn nhau. Ai cũng nghĩ đến một cuộc thảm sát sẽ xảy ra. Giây lát, người đứng lên đầu tiên là Morihita Aoki, Đại sứ Nhật Bản tại Peru, tiếp theo là Thẩm phán Tòa án Tối cao Peru, ông Carlos Giusti Acuna, Bộ trưởng Ngoại giao Peru Francisco Tudela, chính trị gia Alejandro Toledo - người mà sau này sẽ trở thành Tổng thống Peru, Javier Diez Canseco, dân biểu Hạ nghị viện Peru cùng nhiều vị đại sứ, doanh nhân khác. Đại sứ Morihita Aoki kể: "Tổng cộng có 114 người. Nhóm khủng bố dồn tất cả lên lầu do 6 tên cầm AK canh giữ. 4 trong số 6 tên công khai cho chúng tôi biết họ mặc áo bom, và sẵn sàng kích nổ nếu quân đội Peru xông vào".

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Cuộc đột nhập táo bạo (kỳ 1) - 2

Đại sứ Nhật Bản tại Peru - Morihita Aoki.

Ở dưới nhà, sau một lúc giải thích với các con tin còn lại về mục đích của vụ bắt cóc, Netror Cerpa Cartolini ra lệnh trả tự do cho tất cả - trong đó có mẹ và em gái của Tổng thống Peru là ông Fujimori - không phải vì nhân đạo mà vì nhóm khủng bố không đủ người để canh giữ. Trước đó, nhân lúc hỗn loạn, một thương gia người Nhật đã nhanh chóng dùng điện thoại di động gọi cho một đồng nghiệp của mình ở khách sạn Fiesta: "Chúng tôi bị bắt. Có khủng bố xông vào Tòa đại sứ. Mọi việc rất hỗn loạn. Chúng tôi có thể bị giết. Hãy cứu chúng tôi". Lập tức, người đồng nghiệp này liền báo cho cảnh sát nên khi các con tin ra đến cổng, họ thấy một rừng cảnh sát súng ống trên tay và rất nhiều xe gồm xe tăng, xe bọc thép, đèn pha quét thẳng vào sân sứ quán, sáng rực.

Nguồn gốc của Tổ chức khủng bố Tupac Amaru

Tupac Amaru - hay còn gọi là Thupa Amaro theo tiếng Inca - là tên vị vua cuối cùng của đế chế Inca. Lên ngôi năm 1545 rồi sau cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của người Tây Ban Nha, năm 1572 ông bị bắt và bị kết án tử hình bằng cách chặt đầu. Trước lúc đầu lìa khỏi cổ, Tupac Amaru đã hét lớn: "Ccollanan pachacamac ricuy auccacunac yahuarniy hichascancuta - Mẹ trái đất, hãy chứng kiến máu tôi đã đổ ra bởi kẻ thù của tôi". Từ đó, cái tên Tupac Amaru được người Peru xem như một biểu tượng của lòng yêu nước.

Vụ bắt cóc 72 con tin tại tòa Đại sứ Nhật Bản tại Peru: Cuộc đột nhập táo bạo (kỳ 1) - 3

Ictor Polay Campos, kẻ sáng lập "Phong trào cách mạng Tupac Amaru".

Năm 1980, Peru lúc này nằm dưới quyền cai trị của nhà độc tài Juan Velasco Alvarado. Thất nghiệp, nghèo đói và tham nhũng đã khiến sự bất mãn trong nhân dân lên đến cao độ. Trước tình hình ấy, Victor Polay Campos, một thợ mỏ cùng với một người đồng chí hướng là Néstor Cerpa Cartolini đứng ra thành lập một nhóm vũ trang, lấy tên vị anh hùng dân tộc Tupac Amaru đặt tên cho tổ chức của mình, thường được gọi là "Phong trào cách mạng Tupac Amaru - MRTA", mục tiêu là đánh đổ giai cấp thống trị, dựng lên một nhà nước của những người lao động nghèo.

Mặc dù xưng danh "cách mạng" nhưng hoạt động đầu tiên của MRTA lại là một vụ… cướp ngân hàng! Ngày 31-5-1982, Victor Polay Campos cùng Jorge Talledo Feria - là ủy viên Ủy ban Trung ương MRTA và 3 người nữa, súng trên tay, mặt mũi bịt kín, xông vào một ngân hàng trên đường La Victoria, thủ đô Lima. Tuy nhiên, khi xuống hầm chứa để lấy tiền rồi lúc quay lên, Talledo đã bị trúng đạn bắn ra từ một khẩu súng của đồng bọn nhằm uy hiếp những người có mặt trong ngân hàng, và đây là cái chết đầu tiên xảy ra trong tổ chức MRTA.

Ngày 31-5-1989, 6 thành viên MRTA bắn chết 8 cảnh sát ở thành phố Tarapoto. Theo tờ tuần báo Cambio, cơ quan ngôn luận của MRTA, hành động này nhằm "trừng phạt những kẻ bao che cho các tệ nạn xã hội và tham nhũng". Đến tháng 7-1992, một nhóm MRTA tổ chức tấn công vào thị trấn Jaen - một khu vực nghèo nàn nằm ở giữa rừng về phía bắc tỉnh Cajamarca. Sau những cuộc đấu súng dữ dội với sự tiếp viện của quân đội Peru, nhóm MRTA phải rút lui.

Bị thiệt hại nặng, từ năm 1993 đến 1996, MRTA chỉ tiến hành những hoạt động đánh phá, ám sát nhỏ lẻ. Quân số của họ lúc bấy giờ chừng 600 người, vũ trang chủ yếu là súng tiểu liên AK, súng phóng lựu RPG, lựu đạn và chất nổ. Cờ của họ hai bên màu đỏ, giữa trắng, có in hình một ngôi sao và một khẩu súng, chắp lại thành chữ V. Ở giữa chữ V là hình vua Tupac Amaru. Chỉ đến tháng 12-1996, khi Nestor Cerpa Cartolini, Phó chỉ huy MRTA cầm đầu cuộc đột kích vào Đại sứ quán Nhật Bản ở Peru thì cái tên "Phong trào cách mạng Tupac Amaru" mới được cả thế giới biết đến...

Sinh ngày 14-8-1953 tại ngoại ô thủ đô Lima, Nestor Cerpa Cartolini là công nhân nhà máy dệt Cromotex. Năm 1970, Nestor trở thành một trong những người lãnh đạo tổ chức công đoàn của nhà máy này. Tháng 12-1978, Nestor cầm đầu phong trào công nhân chiếm nhà máy, biểu tình bãi công đòi quyền lợi, dẫn đến việc chính quyền Peru tiến hành đàn áp khiến 2 cảnh sát và 6 công nhân thiệt mạng. Bị bắt và bị giam đến tháng 12-1979, Nestor được tha. Vài tuần sau đó, Nestor lập kế hoạch chiếm văn phòng của Liên Hiệp Quốc tại Lima rồi tuyên bố tuyệt thực để yêu cầu Chính phủ Peru phải trả tự do cho những công nhân còn bị giam giữ.

Việc Chính phủ Peru trả tự do cho số công nhân còn bị giam giữ đã làm nên tên tuổi của Nestor, và điều này đã khiến Victor Polay Campos cùng Nestor kết hợp với nhau để cho ra đời "Phong trào cách mạng Tupac Amaru". Theo sử gia Gordon H. McCormick, tác giả cuốn sách "Tupac Amaru Revolutionary Movement", Nestor nhanh chóng trở thành một trong những nhà lãnh đạo nổi bật của MRTA.

Các hoạt động gây chú ý của Nestor khi ấy có thể kể đến như việc xông vào tòa soạn báo El Nacional ở Lima, buộc Ban biên tập phải đăng một thông báo nói về sự ra đời của MRTA, treo cờ MRTA tại trung tâm thương mại Plaza Union ở Lima vào ngày 9-9-1984, đốt phá nhà hàng thức ăn nhanh KFC trên đại lộ Benavides, Surco, Lima ngày 20-3-1985, âm mưu tấn công văn phòng hãng Sedapal, hành hung và cướp có vũ trang tại phòng trưng bày mỹ thuật San Borja Galleria ngày 30-3-1985, tấn công Viện Công nghệ Julio ở Villa el Salvador ngày 6-5-1985, hành hung và cướp có vũ trang tại Công ty điện lực Electro Peru, ngày 25-5-1985…

Cuối năm 1985, Nestor đến Colombia, nơi có một đội MRTA với tên gọi "Leoncio Prado Squad" lúc ấy đang tham gia phong trào du kích của nhóm nổi dậy M-19 Colombia để thảo luận vớI M-19 về đường lối và sách lược. Trở lại Peru, Nestor trở thành nhà lãnh đạo nổi bật nhất của MRTA, và là một trong số ít những nhà lãnh đạo MRTA được cơ quan an ninh của các quốc gia Nam Mỹ, Bắc Mỹ đặt vào tầm ngắm.

Năm 1990, Alberto Fujimori trở thành Tổng thống Peru, và một trong những mục tiêu của vị tổng thống mới là quyết tâm tiêu diệt tổ chức khủng bố MRTA bằng các cuộc hành quân càn quét khiến tổ chức này bị tổn thất nặng nề. Nhiều thành viên MRTA bị bắt, một số khác đào ngũ hoặc nằm im thở khẽ. Có kẻ khi được gọi đi họp đã giãy như đỉa phải vôi, rằng "tôi đang ốm nặng".

Đến cuối năm 1996, MRTA gần như bị cô lập hoàn toàn khiến Nestor quyết định phải "làm một cái gì đó" nhằm xốc lại đội ngũ. Và "cái gì đó" chính là cuộc đột kích vào Đại sứ quán Nhật Bản…

(Còn tiếp)

Theo Cao Trí/Tupac Amaru Revolutionary Movement

An ninh thế giới