1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vụ ám sát Kennedy: Những câu hỏi 50 năm chưa có lời giải

(Dân trí) - Gần 50 năm sau ngày Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tử nạn vì 3 phát súng của kẻ ám sát tại Dallas, vẫn còn vô số tin đồn quanh việc ai thực sự đằng sau vụ việc này, cùng nhiều câu hỏi đã nửa thế kỷ chưa có lời giải.

Cho đến nay, ngoại trừ việc kẻ thực hiện vụ ám sát Lee Harvey Oswald đã bị bắt và kết án, hầu như mọi tình tiết khác đều có thể khiến người ta đặt câu hỏi nhưng không thể, hoặc ít nhất đến giờ chưa thể có câu trả lời thuyết phục. Điều tra chính thức của chính quyền Mỹ do Ủy ban Warren thực hiện kết luận rằng, có thể đây chỉ là một hành động riêng lẻ của Oswald.

Kennedy gục ngã trong chiếc xe sau khi trúng đạn
Kennedy gục ngã trong chiếc xe sau khi trúng đạn

Liệu Lee Harvey Oswald hành động một mình hay là nạn nhân hoặc một phần của một âm mưu có gắn với La Havana, Washington hay Mátxcơva? Phải chăng CIA đã đứng sau vụ việc? Hay những kẻ xã hội đen đã dàn dựng vụ việc? Điện Kremlin có biết hay liên quan không? Hay phải chăng một nhóm các doanh nhân đã đứng đằng sau vụ ám sát?

Có khả năng nào Oswald là một gián điệp hai mang, làm việc cho CIA với kế hoạch thâm nhập vào Cuba, để thực hiện âm mưu lật đổ Fidel Castro? Rất nhiều, rất nhiều những lý thuyết về âm mưu đã được đặt ra.

Trong một khảo sát mới nhất được hãng Gallup Poll tiến hành, được đăng tải trên tờ USA Today ngày 17/11, hơn 61% người Mỹ tin rằng có những kẻ khác đứng đằng sau Lee Harvey Oswald trong vụ ám sát. Đây là kết quả thấp nhất trong gần 50 năm qua mà Gallup thu thập được về khả năng trên, nhưng dù sao nó vẫn cho thấy sự áp đảo của số đông.

Những giả thuyết

Trong cuốn sách mới nhất viết về vụ ám sát có tiêu đề “Lịch sử giấu kín của vụ ám sát JFK”, tác giả Lamar Waldron cho rằng những kẻ côn đồ, mà cụ thể là “bố già” thành phố New Orleans Carlos Marcello là chủ mưu vụ ám sát, nhưng hầu hết bằng chứng hoặc đã bị hủy hoại hoặc vẫn chưa thể giải mật do các hoạt động chống Cuba của CIA.

Cuộc điều tra đầu tiên của đối với vụ ám sát ngày 22/11/1963 được tiến hành bởi Ủy ban Warren, do Bộ trưởng tư pháp Mỹ Earl Warren làm chủ tịch đã kéo dài 10 tháng. Bản báo cáo dài 889 trang cho thấy Oswald hành động một mình. Y đã bắn 3 phát đạn từ tầng 6 của kho sách của Trường trung học Texas.

Một cuộc điều tra khác do một Ủy ban hạ viện Mỹ tiến hành năm 1978 lại kết luận rằng sát hại Kennedy là hành động trong một âm mưu nhưng loại bỏ sự liên quan của Liên Xô cũ, Cuba, những người Cuba chống chính quyền của Chủ tịch Fidel Castro hay các nhóm tội phạm có tổ chức.
 
Waldron cho rằng Marcello, trong cơn giận dữ đối với JFK và em trai của vị Tổng thống Mỹ là Robert Kennedy đã hét lên trong nhà tù liên bang tại Texarkana, Texas rằng, chính mình đã thuê người sát hại Kennedy, và y ước mình đã có thể tự ra tay.

Tuyên bố này được đưa ra với sự chứng kiến của 2 bạn tù, một trong số họ là Jack Van Laningham, người sau này trở thành bạn cùng phòng của Marcello và đã giúp FBI ghi âm được những lời được cho là thú tội của “bố già” này.

Waldron cho biết Marcello, kẻ bị tống giam tại Texarkana vì dính líu đến âm mưu hối lộ của hãng bảo hiểm BriLab, căm ghét anh em Kennedy bởi họ đã phát động cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức, và tìm cách trục xuất Marcello khỏi nước Mỹ.

Tên này đặc biệt tức giận vì đã bị trục xuất tới Guatemala, dựa trên những hồ sơ giả khẳng định rằng đó là nơi hắn được sinh ra, và khó khăn trong quá trình tên này tìm đường trở lại Mỹ. Y đã phải đi bộ xuyên rừng để trở lại.

Waldron, sau khi rà soát những tài liệu được giải mật của FBI và CIA cũng như phỏng vấn nhiều bên liên quan, cho biết lời thú tội của Marcello được củng cố thêm bởi những bằng chứng có liên quan mà Laningham hoặc các điều tra viên FBI vào thời điểm đó không có.

Những thú nhận tương tự cũng được những kẻ bị cho là đồng mưu với Marcello là Johnny Rosselli đưa ra vào cuối đời. Tên này là một đệ tử của tay anh chị Sam Giancana tại Chicago, và Santo Trafficante, một kẻ kiểm soát khu vực Tampa, Florida cũng như điều hành các casino tại La Havana thời kỳ chế độ Batista còn hưng thịnh.

Marcello không khoác lác?

Điều gì khiến Waldron chắc chắn rằng những lời tuyên bố của Marcello không chỉ là sự khoác lác?

“Hầu hết những kẻ xã hội đen…đều không thể điều hành một đế chế có quy mô tương đương tập đoàn General Motors hàng thập niên mà không bị sờ gáy…Carlos Marcello đã kiểm soát Louisiana, Texas và một phần Mississippi. Một mặt Marcello có thể giữ cho đế chế đó tồn tại lâu bằng cách tránh bị để ý, tránh sự công khai.

Đó là một phong cách “bố già” hoàn toàn khác John Gotti (kẻ đứng đầu gia đình tội phạm Gambino tại New York, và được biết đến với biệt danh “Dapper Don)”, Waldron nhận định, và cho biết thêm rằng, do băng đảng New Orleans nêu trên là tổ chức mafia lâu đời nhất tại Mỹ, Marcello không phải tới các ủy ban nhà nước để tấn công các quan chức chính phủ.

Marcello, theo Waldron, thực ra đã vạch ra hai kế hoạch khác để ám sát Kennedy trước vụ tại Dallas, một âm mưu tại Chicago và âm mưu kia tại Tampa. Cũng giống như vụ Dallas, hai kẻ sát thủ - một trong số đó từng là lính thủy đánh bộ, và kẻ kia là thành viên một tổ chức ủng hộ Cuba có tên Fair Play for Cuba - đã được đặt vào vị trí để bị cáo buộc là hung thủ nổ súng sau khi Kennedy chết.

Một mô phỏng về đường đạn trong vụ ám sát Kennedy
Một mô phỏng về đường đạn trong vụ ám sát Kennedy

Waldron khẳng định cả Ủy ban Warren và Ủy ban điều tra Hạ viện Mỹ đều đã gặp trở ngại khi CIA từ chối giao nộp các tài liệu liên quan đến nỗ lực của Mỹ trong việc lật đổ Fidel Castro. Hàng trăm nghìn trang tài liệu liên quan đến những âm mưu trên vẫn được giữ bí mật cho dù đã có luật được thông qua yêu cầu công bố toàn bộ tài liệu về vụ ám sát Kennedy.

Về bằng chứng Kennedy bị sát hại bởi những viên đạn bay từ kho sách của Trường trung học Texas, “góc bắn là một sự tranh cãi lớn. Nó sai lệch tới 20 độ”, Waldron khẳng định.

Ủy ban Warren cho biết viên đạn đã khiến thống đốc Connelly - người ngồi cùng xe với JFK - bị thương, đã đi vào sau gáy của vị Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ và thoát ra ngoài ngay dưới yết hầu. Dù vậy, Waldron cho rằng kết luận này là sai.

Viên đạn thực chất đã xuyên vào phía dưới cổ áo của Kenny tới 6 inch (15,24 cm). Waldron cho rằng thượng nghị sỹ Arlen Specter, người khi đó là một điều tra viên của Ủy ban Warrren, đã làm sai lệch để khiến cho quỹ đạo bay của đạn có vẻ trùng khớp.

Thêm vào đó khi đạn thoát ra khỏi cơ thể vết thương để lại sẽ lớn hơn so với khi nó đi vào, trong khi đó lỗ thủng dưới yết hầu của Kennedy lại nhỏ hơn vết thương sau lưng.

Waldron cho biết những người tháp tùng ông Kennedy trong xe phía sau tin rằng có ít nhất một phát súng xuất phát từ phía gò đầy cỏ, nhưng đã phải thay đổi lời khai vì lý do an ninh quốc gia.

Robert Tanenbaum, một cựu công tố viên New York, người từng là trợ lý trưởng cho cố vấn Ủy ban điều tra Hạ viện cho biết, ông không tin rằng vụ ám sát đã được điều tra một cách đầy đủ. Ông đã rời khỏi ban điều tra khi tin rằng cách thành viên trong ban này không thực sự muốn biết chuyện gì thực sự xảy ra.

“Tôi không tin Oswald có thể bị kết tội dựa trên những bằng chứng tồi mà chúng ta có, nhất là khi có rất nhiều bằng chứng khác”, ông Tanenbaum nói. Một ví dụ được ông đưa ra đó là lời khai của tiến sỹ Charles Crenshaw, một bác sỹ trẻ đã điều trị cho Kennedy khi ông được đưa vào viện Parkland.

Crenshaw nói một trong những viên đạn đã xuyên qua cổ họng của Kennedy từ phía trước bên phải, trong khi viên thứ hai bắn vào đầu từ phía bên cạnh. Thông tin này “trùng khớp với lời kể một tiếng súng được bắn từ phía gò đất đầy cỏ”, Tanenbaum nói. Dù vậy Crenshaw thậm chí không được Ủy ban Warren thẩm vấn và lời điều trần của ông bị Ủy ban điều tra hạ viện phớt lờ.

Thanh Tùng
Tổng hợp