Lễ tang buồn thảm của kẻ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy

(Dân trí) - Một ngày chớm đông năm 1963, người ta làm lễ tang cho Lee Oswald - kẻ đã ám sát Tổng thống Mỹ John Kennedy. Không một người khách tới dự lễ tang, không có ai để khiêng quan tài, đến mục sư cũng lánh mặt để khỏi phải đọc kinh siêu thoát cho người chết.

“Một buổi chiều ảm đảm cuối tháng 11/1963, tôi đã trở thành người khiêng quan tài bất đắc dĩ trong đám tang của kẻ tội phạm sát nhân mà có lẽ lịch sử Mỹ sẽ mãi không thôi nhắc đến. Đó là đám tang của Lee Harvey Oswald, kẻ đã ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Tôi đã cùng những người đàn ông khác chung tay khiêng chiếc quan tài bằng gỗ rẻ tiền ra nghĩa địa. Sắp sang đông, bầu trời ảm đạm, mặt đất buồn bã một màu cỏ úa. Chẳng có người đi đưa tang nào, vì vậy, cũng chẳng có người hộ tang bên quan tài. Những nhân viên chịu trách nhiệm cử hành tang lễ tìm tới tôi để nhờ vả. Một nhiệm vụ bất đắc dĩ…

Tôi là một phóng viên của hãng tin AP, được cử đến để đưa tin về lễ tang của một tội nhân lịch sử. Làm sao tôi có thể xao nhãng nhiệm vụ quan trọng đó để làm bất cứ việc nào khác? Nhưng rồi tôi cũng nhận lời. 50 năm sau, tên tôi vẫn còn xuất hiện trong dòng chú thích ngắn ngủi của những cuốn sách lịch sử với tư cách một trong những người có mặt tại lễ tang của kẻ sát nhân”.

Đó là câu chuyện của cựu phóng viên Mike Cochran của hãng tin AP.

Lễ tang buồn thảm của kẻ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy

Tại lễ tang của Lee Harvey Oswald, Mike Cochran và những phóng viên khác đã cùng gác lại nhiệm vụ đưa tin để giúp khiêng quan tài ra nơi chôn cất. Mike Cochran là người đàn ông đang cầm trong tay phải một xấp giấy.

Tại lễ tang đặc biệt đó có khá đông cảnh sát, nhân viên an ninh liên bang, phóng viên, nhiếp ảnh gia nhưng chẳng có người đưa tang nào ngoài những người thân trong gia đình Lee Harvey Oswald.

Một nhân viên cảnh sát được giao nhiệm vụ chở quan tài của Oswald tới nghĩa trang. Sau đó, các nhân viên khác hộ tống gia đình của anh ta ra nơi cử hành tang lễ. Người nhà gồm có mẹ, anh trai, vợ và hai con gái nhỏ của Oswald.

Chẳng có ai khác xuất hiện, ngay cả mục sư cũng chẳng có. Một phóng viên đứng cạnh Mike Cochran hôm đó đã lắc đầu buồn bã nói nhỏ với ông rằng: “Cochran này, nếu ông và tôi buộc phải viết bài về đám tang của Lee Harvey Oswald, tôi có cảm giác như chúng ta đã chôn sống cả những người thân của hắn”.

Ngay sau đó, nhân viên nghĩa trang đến nhờ các phóng viên hỗ trợ cùng khiêng quan tài. Họ đã đến nhờ ông Mike Cochran đầu tiên, câu trả lời của Cochran là “Quỷ tha ma bắt! Không đời nào!”.

Cựu phóng viên Mike Cochran sau 50 năm nhớ lại câu chuyện xưa.

Cựu phóng viên Mike Cochran sau 50 năm nhớ lại câu chuyện xưa.

Ngay lập tức, một phóng viên khác cũng có mặt tại buổi lễ đã đứng lên và tình nguyện khiêng quan tài. Anh ta là “đối thủ đưa tin” đáng gờm nhất của Mike Cochran ngày hôm đó. Khi thấy ngay cả đối thủ của mình cũng sẵn sàng dẹp nhiệm vụ tác nghiệp sang một bên để làm nghĩa cử nhân đạo cuối cùng, Mike ngay lập tức nhận ra thiếu sót của mình và cùng với các đồng nghiệp khác nhanh chóng nhận lời.

Buổi lễ diễn ra ngắn gọn và sơ sài. Đức cha Louis Saunders, người đứng đầu Giáo hội Thiên Chúa giáo thành phố Fort Worth, bang Texas đã được mời tới khẩn cấp để làm nhiệm vụ thay cho vị mục sư vì lý do nào đó đã quyết định không đến đọc kinh siêu thoát cho người chết.

Khi đến nơi, Đức cha đã nói rằng: “Chúng ta ở đây không phải để phán xét mà để thực hiện nghĩa cử cuối cùng đối với một con người, đó là chôn cất anh Lee Harvey Oswald”. Khi Đức cha nói đến đây, mẹ và vợ của người chết đã không thể kìm nén xúc động - điều mà họ đã cố gắng thực hiện từ đầu lễ tang - họ bật khóc nức nở.

Cựu phóng viên Mike Cochran sau 50 năm nhớ lại câu chuyện xưa.

Mike Cochran và bức ảnh chụp lại cảnh ông cùng các đồng nghiệp khác khiêng quan tài của Lee Harvey Oswald.

Cựu phóng viên Mike Cochran sau 50 năm nhớ lại câu chuyện xưa.

Chiếc kính phóng đại phóng to khuôn mặt của phóng viên Mike Cochran tại lễ tang của kẻ sát nhân nổi tiếng trong lịch sử Mỹ.

Nhiều năm sau, Mike vẫn được các tòa báo đặt hàng viết bài xung quanh vụ ám sát lịch sử này. Ông đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn đối với những nhân vật có liên quan tới Lee Harvey Oswald nhưng người mà ông muốn phỏng vấn nhất - vợ của Oswald - thì vẫn chưa thực hiện được.

Sau khi tái hôn, bà Marina không muốn tiếp xúc với phóng viên nữa. Chồng bà cũng nổi tiếng là người dữ dằn đối với cánh phóng viên, ông ta đã từng rút súng rượt đuổi một phóng viên đeo bám dai dẳng.

Vì vậy, một hôm Mike đã đến chờ sẵn trước ngôi nhà của họ, chờ cho người chồng mới của Marina đi làm rồi mới gõ cửa. Đúng như dự đoán, bà Marina từ chối tiếp chuyện. Mike đứng sững ngoài cửa nhìn bà, quả thực sau tất cả những gì đã xảy ra, giờ đây, Marina đã trở lại là một phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp.

“Có gì lạ lắm sao?”, câu hỏi của Marina đã tạo điều kiện cho Mike sử dụng “đòn tâm lý”.

“Vâng, đã 2 năm rồi tôi không nhìn thấy cô, kể từ cái ngày đầu tiên tôi gặp cô ở lễ tang tại nghĩa trang Rose Hill”.

“Ông đã có mặt ở đó sao?”

“Tôi chính là người đã khiêng quan tài”.

“Vâng, vậy… Mời ông vào nhà uống nước”.

Kết quả sau đó là Mike đã có được cuộc phỏng vấn kéo dài vài tiếng đồng hồ với nhiều câu trả lời sâu sắc. Họ vừa trò chuyện, hút thuốc và nhấp cà phê. Marina cho biết khi còn sống với Oswald, chồng cũ của cô nhiều lần đưa thuốc lá bảo cô hút thử nhưng Marina luôn từ chối. Giờ đây, cô đã nghiện thuốc lá nặng.

Cựu phóng viên Mike Cochran sau 50 năm nhớ lại câu chuyện xưa.

Tại lễ tang của Lee Harvey Oswald chỉ có mẹ, anh trai, vợ và hai con gái nhỏ. Những người đứng xung quanh là phóng viên, nhân viên an ninh, cảnh sát, nhân viên nghĩa trang.

Marina nhìn chồng lần cuối tại lễ tang.

Marina nhìn chồng lần cuối tại lễ tang.

Marina nhìn chồng lần cuối tại lễ tang.

Oswald bị bắt vì tội ám sát Tổng thống John F. Kennedy vào ngày 22/11/1963. Hai ngày sau đó, Oswald cũng bị bắn chết khi đang được cảnh sát dẫn độ chuyển sang nhà tù khác.

 
Bích Ngọc
Theo DM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm