1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vòng xoáy lao lý của các cựu tổng thống Hàn Quốc

(Dân trí) - Hầu hết các cựu tổng thống Hàn Quốc trong những thập niên gần đây đều có những năm tháng nghỉ hưu và tại nhiệm không mấy suôn sẻ khi vướng vào hàng loạt vấn đề pháp lý khiến họ phải ngồi tù hoặc thậm chí tìm đến cái chết.

Đêm đầu tiên trong nhà giam của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak

Từ trên xuống dưới và từ trái qua phải: Các cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak (2008-2013), Park Geun Hye (2013-2017), Chun Doo Hwan (1980-1988), Roh Tae Woo (1988-1993), Roh Moo Hyun (2003-2008). (Ảnh: EPA-EFE)
Từ trên xuống dưới và từ trái qua phải: Các cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak (2008-2013), Park Geun Hye (2013-2017), Chun Doo Hwan (1980-1988), Roh Tae Woo (1988-1993), Roh Moo Hyun (2003-2008). (Ảnh: EPA-EFE)

Cựu Tổng thống Lee Myung-bak gần đây đã bị bắt giữ và bị đưa tới nhà giam ở thủ đô Seoul sau cuộc thẩm vấn với các công tố viên. Việc bắt giữ này đồng nghĩa với việc tất cả các cựu tổng thống còn sống của Hàn Quốc đều từng bị điều tra, kết án hoặc buộc tội vì các cáo buộc pháp lý. Thậm chí, một cựu tổng thống từng tìm đến cái chết sau khi bị thẩm vấn.

Chun Doo Hwan

Cựu Tổng thống Chun Doo Hwan (phải) chơi golf tại Câu lạc bộ đảo Singapore (Ảnh: ST)
Cựu Tổng thống Chun Doo Hwan (phải) chơi golf tại Câu lạc bộ đảo Singapore (Ảnh: ST)

Cựu Tổng thống Chun Doo Hwan, cựu tướng quân đội từng lãnh đạo đất nước Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 1980-1988, đã phải ngồi tù trong thập niên 1990 vì tội phản quốc và nhận hối lộ. Ông Chun năm nay 87 tuổi.

Cựu Tổng thống Chun bị cáo buộc tiến hành cuộc đảo chính quân sự để lên nắm quyền sau khi cựu Tổng thống Park Chung Hee qua đời. Ông cũng bị cáo buộc nhận các khoản tiền hối lộ trị giá hàng triệu USD từ các doanh nhân địa phương.

Ông Chun Doo Hwan ban đầu bị kết án tử hình, sau đó được tòa án tối cao Hàn Quốc giảm nhẹ hình phạt xuống mức tù chung thân vào năm 1997. 8 tháng sau đó ông được trả tự do sau lệnh ân xá của cố Tổng thống Kim Young Sam.

Roh Tae Woo

Hai cựu Tổng thống Roh Tae Woo (trái) và Chun Doo Hwan nắm tay nhau trong phiên xét xử tại Tòa án quận Seoul ngày 26/8/1996 (Ảnh: AP)
Hai cựu Tổng thống Roh Tae Woo (trái) và Chun Doo Hwan nắm tay nhau trong phiên xét xử tại Tòa án quận Seoul ngày 26/8/1996 (Ảnh: AP)

Cựu Tổng thống Roh Tae Woo, 85 tuổi, là người kế nhiệm ông Chun Doo Hwan. Ông là cựu tướng quân đội, nắm quyền lãnh đạo Hàn Quốc từ năm 1988 đến năm 1993.

Tương tự người tiền nhiệm, ông Roh Tae Woo cũng bị kết án với hai tội danh phản quốc và nhận hối lộ trong cùng phiên tòa xét xử với ông Chun Doo Hwan. Cựu Tổng thống Roh ban đầu bị kết án tù chung thân, nhưng sau đó đã được giảm xuống còn 17 năm tù.

Mặc dù được giam giữ ở hai nhà tù khác nhau nhưng hai cựu Tổng thống Roh Tae Woo và Chun Doo Hwan đều nhận được lệnh ân xá cùng một ngày và được trả tự do vào năm 1997.

Roh Moo Hyun


Cựu Tổng thống Roh Moo Hyun (Ảnh: Joongang)

Cựu Tổng thống Roh Moo Hyun (Ảnh: Joongang)

Lãnh đạo đất nước Hàn Quốc trong 5 năm, từ 2003-2008, cựu Tổng thống Roh Moo Hyun là chính trị gia theo đường lối tự do. Ông đã tự sát vào năm 2009, tức một năm sau khi rời Nhà Xanh giữa lúc đang bị điều tra về cáo buộc nhận hối lộ.

Từng là cựu luật sư về nhân quyền và là “người thầy” của đương kim Tổng thống Moon Jae-in, ông Roh Moo Hyun từng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các cử tri trẻ theo đường lối tự do tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, cuộc điều tra nhận hối lộ nhằm vào cựu Tổng thống Roh Moo Hyn và các thành viên trong gia đình đã làm sụp đổ uy tín của ông Roh - người luôn thần tượng cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Roh nói rằng cuộc điều tra nhằm vào ông thực chất xuất phát từ động cơ chính trị của ông Lee Myung Bak - đương kim tổng thống lúc bấy giờ.

Ông Roh Moo Hyun đã tìm đến cái chết bằng cách gieo mình xuống một vách núi chỉ 3 tuần sau cuộc thẩm vấn của các công tố viên. Ông Moon Jae-in, người từng giữ chức Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc dưới thời ông Roh Moo Hyun, sau này tiết lộ rằng chính cú sốc tự tử của ông Roh đã thôi thúc ông tự đứng ra tranh cử tổng thống.

Park Geun Hye

Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị đưa tới tòa án ở Seoul hồi tháng 10/2017 (Ảnh: EPA)
Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị đưa tới tòa án ở Seoul hồi tháng 10/2017 (Ảnh: EPA)

Cựu Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất năm 2017 sau vụ bê bối tham nhũng liên quan tới người bạn thân lâu năm Choi Soon Sil. Bà Park, con gái của cố Tổng thống Park Chung Hee, đang bị giam giữ và đối mặt với hàng loạt cáo buộc từ lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ, tham nhũng cho tới rò rỉ bí mật quốc gia.

Cựu Tổng thống Park bị cáo buộc đưa ra những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân hàng đầu, trong đó có người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae Yong, từ đó mang lại lợi ích cho bà Choi Soon Sil. Cựu lãnh đạo Hàn Quốc cũng bị cáo buộc để bà Choi, một người không có chức vụ trong chính phủ và cũng không được phép tiếp cận các thông tin mật, được tham gia vào công việc quốc gia, bao gồm việc bổ nhiệm nội các và hoạch định chính sách.

Bà Park Geun Hye và bà Choi Soon-sil bị cáo buộc nhận hối lộ 59,2 tỷ won (hơn 55 triệu USD) từ 3 tập đoàn gồm Samsung, Lotte và SK. Các công tố viên cũng cáo buộc bà Park cấu kết với bạn thân gây sức ép buộc các tập đoàn lớn tài trợ hơn 77 tỷ won cho hai tổ chức phi lợi nhuận do Choi lập ra.

Các công tố viên Hàn Quốc đang đề xuất mức án 30 năm tù đối với cựu Tổng thống Park Geun Hye và tòa án ở Seoul dự kiến sẽ tuyên án vào đầu tháng 4.

Lee Myung Bak

Cựu Tổng thống Lee Myung Bak là cựu lãnh đạo mới nhất vướng vòng lao lý tại Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)
Cựu Tổng thống Lee Myung Bak là cựu lãnh đạo mới nhất vướng vòng lao lý tại Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Lee Myung Bak nắm quyền lãnh đạo đất nước Hàn Quốc từ năm 2008-2013. Trước khi bị bắt hôm 23/3, ông Lee đối mặt với hàng loạt cáo buộc gồm nhận hối lộ, trốn thuế, tham ô và biển thủ công quỹ. Đặc biệt, điều khiến những người ủng hộ cựu tổng thống Hàn Quốc thất vọng hơn cả là cáo buộc ông lạm dụng quyền lực, đánh đổi an ninh quốc phòng lấy lợi ích cá nhân trong những năm cầm quyền.

Cuộc điều tra của các công tố viên nhằm vào cựu Tổng thống Lee Myung Bak tập trung vào cáo buộc ông nhận hối lộ và tham ô, bao gồm khoản tiền 11 tỷ won (khoảng 10 triệu USD) từ cơ quan tình báo và các tập đoàn kinh tế cũng như các công ty tư nhân để thành lập các “quỹ đen” với tổng giá trị lên tới 35 tỷ won.

Cựu Tổng thống Lee Myung Bak cho đến nay vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc nhằm vào mình, đồng thời cho rằng cuộc điều tra nhằm vào ông mang mục đích chính trị.

Thành Đạt

Tổng hợp