1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vòng luẩn quẩn khiến Angola khó thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Angola mắc khoản nợ lớn với Trung Quốc và đang phải phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc để trả nợ, yếu tố khiến cho nền kinh tế quốc gia châu Phi khó thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Vòng luẩn quẩn khiến Angola khó thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc - 1

Dàn khoan dầu nổi Kaombo Norte ở ngoài khơi Angola chụp tháng 11/2018 (Ảnh minh họa: Reuters).

Khi ông Jõao Lourenço tuyên thệ nhậm chức tổng thống Angola năm 2017, công chúng đã tỏ ra rất lạc quan rằng những ngày tươi sáng đang chờ quốc gia châu Phi ở phía trước.

Ông Lourenço, cựu bộ trưởng quốc phòng, cam kết sẽ xóa bỏ tham nhũng, đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ và các đối tác Trung Quốc trong hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, sau 4 năm, những cam kết của ông dường như chưa trở thành hiện thực. Nền kinh tế Angola vẫn đang gặp nhiều khó khăn và dự kiến sẽ vẫn suy thoái trong tương lai gần, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Angola đã tăng lên 26,6% vào tháng 9, mức cao nhất kể từ năm 2017.

Nền kinh tế đang mắc nợ nặng nề của Angola cũng phụ thuộc vào Trung Quốc do gần 20 năm trước, nước châu Phi này đã vay nợ gán bằng dầu mỏ với Trung Quốc để tái thiết lại đất nước sau 26 năm nội chiến kết thúc vào năm 2002.

Cụ thể, Angola đã vay 42,6 tỷ USD từ các chủ nợ Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số tiền Trung Quốc đã cho vay toàn bộ các nước châu Phi trong khoảng thời gian từ năm 2000-2019. Angola trả nợ cho Trung Quốc dưới dạng dầu mỏ.

Do dầu mỏ chiếm 90% doanh số xuất khẩu của Angola và họ rất dễ bị tổn thương khi giá dầu giảm. Tình trạng mà Angola đang phải đối mặt xuất phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do giá dầu giảm năm 2014 và dịch Covid-19 chỉ khiến cho vấn đề thêm phần trầm trọng hơn.

Trong một sự kiện năm 2019 tổ chức bởi tổ chức Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Mỹ), ông Lourenço thừa nhận rằng các khoản vay gán nợ bằng dầu mỏ không hiệu quả và cho biết họ đã ngừng phương thức này do nhận được tư vấn từ IMF và Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Khó thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Angola sẽ khó thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ít nhất trong tương lai gần.

Tiến sĩ Ana Cristina Alves tại Trường đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, dự đoán rằng Angola có thể sẽ tiếp tục tìm tới Bắc Kinh để tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính, cho dù quy mô các khoản vay có thể giảm đi so với quá khứ.

"Các lợi ích của Trung Quốc đối với kinh tế Angola sẽ còn tiếp tục cho dù quy mô có thể giảm bớt", bà nói.

Bà Alves cho rằng, thách thức lớn nhất hiện tại của nền kinh tế Angola là phải đảm bảo Trung Quốc vẫn muốn mua dầu của họ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng mua dầu mỏ từ Trung Đông, và giảm số lượng mua từ châu Phi. Angola đã đối mặt với hàng loạt khó khăn khi 70% lượng dầu xuất khẩu của nước này được bán cho Trung Quốc.  

Bà Alves cho rằng, Angola khó tìm được khách hàng thay thế trong tương lai gần, khi khách hàng lớn thứ 2 của họ là Ấn Độ chỉ chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu dầu của Angola trong năm ngoái. Trong khi đó, dầu mỏ chiếm tới 50% GDP của Angola.

"Vì vậy, Angola không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn ngân sách phát triển mà toàn bộ nền kinh tế của nước này cũng phụ thuộc vào sự ổn định trong mối quan hệ giữa 2 nước. Vì vậy, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Angola trong nhiều năm nữa", bà Alves nhận định.

Gần đây, Trung Quốc cũng đã giúp đỡ Angola trong các nỗ lực giãn nợ và xóa nợ. Tuy nhiên, một thực tế mà quốc gia châu Phi đang đối mặt là họ phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, trong khi sản lượng dầu mỏ của nước này đã giảm xuống 1,1 triệu thùng/ngày, so với 1,9 triệu thùng/ngày năm 2008.

Tổng thống Lourenço thừa nhận với Financial Times rằng đa dạng hóa nền kinh tế Angola là "vấn đề sống còn".

Dominik Kopinski, giáo sư tại trường đại học Wroclaw (Ba Lan) cho rằng Angola hiện rất cần hỗ trợ tài chính từ bên ngoài nhưng dưới dạng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn là các khoản nợ gán bằng dầu mỏ.

Ông Kopinski cho rằng, có những dấu hiệu rõ ràng rằng Angola sẽ đa dạng hóa các đối tác quốc tế để tránh "bỏ hết trứng vào một giỏ". Gần đây, họ đã hợp tác với IMF để xây dựng lại nền kinh tế và bắt đầu thực hiện các cải cách kinh tế cần thiết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm