1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Phi "mông lung" trong sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dự án sử dụng vốn của Trung Quốc nhằm xây đường sắt nối các nước châu Phi bị đình trệ, trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt cho vay với các công trình trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường".

Châu Phi mông lung trong sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc - 1

Con tàu trong dự án đường sắt ở Kenya do Trung Quốc cấp vốn (Ảnh minh họa: AFP)

Hơn 6 năm trước, Kenya, Uganda, South Sudan và Rwanda đã ấp ủ kế hoạch lớn nhằm xây một tuyến đường sắt tiêu chuẩn đầy tham vọng nối liền các quốc gia từ bờ biển Kenya và kéo dài đến Cộng hòa Dân chủ Congo - quốc gia giàu khoáng sản.

Công trình này dự kiến hoàn thành vào năm 2018, nhưng giờ đây nó mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 - nối liền 3 thành phố trong Kenya với ngân sách 4,7 tỷ USD do Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc (Exim) cấp vốn.

Kenya tới nay vẫn đang "loay hoay" trong việc xin cấp vốn để tiếp tục xây thêm đường sắt tới Kisumu và tới Malaba giáp với Uganda - nơi mà việc xây dựng theo kế hoạch phải được tiến hành.

Ngân hàng Exim - một trong những bên cho vay dự án nước ngoài hàng đầu Trung Quốc, đã yêu cầu Kenya thực hiện nghiên cứu tính khả thi cho phần mở rộng tới Malaba để chứng minh nó có tiềm năng thương mại trước khi vốn được cấp tiếp. Trong khi đó, Uganda cũng đang thương lượng để xin cấp vốn từ ngân hàng Exim.

Giới quan sát cho rằng dự án đường sắt - vốn nằm trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường" - là một ví dụ cho thấy Trung Quốc dường như đang chỉ đạo các ngân hàng chính sách nước này cẩn trọng hơn trong việc cấp vốn cho các công trình.

Các nguồn tin từ Bắc Kinh nói rằng việc Trung Quốc siết chặt hầu bao là do nước này bắt đầu tăng trưởng kinh tế chậm lại dẫn tới nguy cơ gia tăng rủi ro nợ nần.

Theo một thống kê do đại học Boston (Mỹ) thực hiện, các khoản cho vay từ ngân hàng phát triển Trung Quốc và ngân hàng Exim đạt mức 3,9 tỷ USD năm ngoái, giảm mạnh so với năm 2016 (75 tỷ USD).

Chuyên gia Tim Zajontz cho rằng cơ chế đánh giá rủi ro khắt khe hơn đã khiến Trung Quốc siết chặt việc chi ngân sách, đặc biệt từ các ngân hàng chính sách. Một trong những lý do chính dẫn tới việc này chính là khả năng sinh ra lợi nhuận của các dự án.

Ví dụ, dự án đường sắt ở Kenya đã chịu lỗ 200 triệu USD từ tháng 5/2017 tới tháng 5/2020. Đồng thời, chính phủ Kenya trong thời điểm này có nghĩa vụ theo hợp đồng phải trả gần 30 triệu USD mỗi quý tiền phí cho công ty Afristar thuộc sở hữu của Trung Quốc để vận hành dự án đường sắt.

Tình trạng tương tự xảy ra ở Ethiopia khi dự án đường sắt ở đây thu về 40 triệu USD doanh thu năm 2019 trong khi phí vận hành lên tới 70 triệu USD.

Chuyên gia Yun Sun, từ Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận định rằng việc Trung Quốc giảm tốc trong việc cấp ngân sách không có nghĩa là họ đã bỏ rơi "Một vành đai, một con đường" mà họ chỉ đang tính toán và thận trọng hơn khi mở hầu bao trong tương lai.