1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp 2022: Gay cấn đường đua tới Điện Élysée

Cẩm Hà

(Dân trí) - Kết thúc vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp, ông Macron và bà Le Pen lọt vào vòng tranh cử tiếp theo. Hiện cả hai đang tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử tại nhiều địa phương trên khắp nước Pháp.

Vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp 2022: Gay cấn đường đua tới Điện Élysée - 1

Tổng thống đương nhiệm của Pháp Emmanuel Macron (trái) và đối thủ Marine Le Pen (Ảnh: AA).

NPR đưa tin, đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người hầu như không vận động tranh trước vòng bỏ phiếu đầu tiên, đã khởi động chiến dịch vận động ngay vào sáng ngày 11/4 sau khi kết quả bầu cử vòng 1 ngày trước đó cho thấy ông giành 27,8% phiếu bầu, trong khi đối thủ gần nhất là bà Marine Le Pen giành 23,1% số phiếu.

Do không ứng viên nào đạt tỷ lệ phiếu bầu quá bán nên 2 ứng viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ 2 diễn ra vào ngày 24/4 tới.

Ông Macron có hai tuần để thuyết phục người Pháp ủng hộ ông tiếp tục nhiệm. Điểm dừng chân đầu tiên của Macron là thị trấn Denain ở phía bắc đất nước, nơi là đô thị nghèo nhất ở Pháp. Video trên truyền hình cho thấy Tổng thống Macron nói chuyện và gặp gỡ người dân tại khu vực.

Một người dân địa phương tha thiết nói với ông Macron: "Đừng bỏ quên về chúng tôi dù ở trong hay ngoài nước Pháp".

Kết quả trong vòng đầu tiên, Denain đã bỏ phiếu 41% cho bà Le Pen, so với 17% cho ông Macron.

Ông Macron và bà Le Pen đã từng đối đầu trong cuộc bầu cử vòng 2 cách đây 5 năm và ông Macron đã chiến thắng áp đảo với 66% phiếu bầu. Nhưng rất nhiều điều đã thay đổi kể từ năm 2017.

Mặc dù ông Macron được dự đoán sẽ tiếp tục giành chiến thắng ở vòng thứ hai, tỷ lệ chênh lệch đã được rút ngắn và các nhà phân tích cho rằng lần này bà Le Pen có cơ hội thực sự. Một nguyên nhân được cho là do toàn bộ cử tri của Pháp nói chung đã nghiêng về phe hữu.

Một số nhà phân tích cho biết 3 khối bỏ phiếu: người chủ trương ôn hòa, người theo phe cực tả và người theo phe cực hữu. Trong khi đó, những người khác cho rằng sự phân chia cực - hữu đã biến mất và thay vào đó là một mô hình mới - người theo chủ nghĩa toàn cầu và người theo chủ nghĩa chủ quyền.

Xét trên phương diện cá nhân, bà Le Pen đã xây dựng hình ảnh ôn hòa hơn. Anh David, 26 tuổi, cho biết: "Le Pen đã thành công. Bà đã đi vận động ở những nơi thực tế, bà đi chợ, gặp gỡ mọi người trên khắp nước Pháp. Đây là lý do tại sao bà nhận được nhiều phiếu bầu trong vòng đầu tiên, và đó cũng có thể là lý do cho chiến thắng sau hai tuần nữa của bà".

Trong khi đó, ông Macron được cho là hiện đã mất dần sự ủng hộ so với 5 năm trước đây. Những người theo cánh tả từng bầu cho ông Macron cảm thấy bị phản bội, cho rằng ông theo chủ nghĩa tinh hoa với những chính sách ủng hộ người giàu. "Ai cũng được trừ Macron" đã trở thành câu nói của một số người.

Bà Le Pen có thể mong đợi sẽ thu hút được các cử tri của ứng cử viên cực hữu là ông Zemmour - người về thứ tư với 7% phiếu bầu.

Trong khi đó, ứng cử viên cánh tả Jean Luc Melenchon, người đứng ở vị trí thứ ba, chỉ sau bà Le Pen, nói với những người ủng hộ rằng "sẽ không có bất kỳ phiếu bầu nào cho bà Le Pen". Tuy nhiên, ông cũng không ủng hộ Macron. Cả ông Macron và bà Le Pen hiện đang ganh đua quyết liệt để lôi kéo nhóm người ủng hộ ông Melenchon.

Tầm nhìn khác biệt về tương lai đất nước

Nhà phân tích Brice Teinturier chia sẻ với France 2 News rằng cuộc đua giữa ông Macron và bà Le Pen thực sự là cuộc đối đầu của hai tầm nhìn khác biệt về nước Pháp.

"Chúng tôi có một nước Pháp của những người giàu, họ tự tin rằng họ có mức lương cao và họ bỏ phiếu cho ông Macron. Còn có một nước Pháp khác với những người dân có mức lương thấp, lo lắng cho tương lai của mình. Thu nhập của những người này không đủ trang trải cuộc sống và họ bỏ phiếu cho bà Le Pen", ông Teinturier nói.

Ông Martin Quencez, Phó giám đốc Quỹ Marshall của Đức tại Paris, nhận định rằng sự lựa chọn của cử tri Pháp vào ngày 24/4 tới có thể sẽ tạo ra những kết quả khó lường ở Pháp và trên chính trường thế giới.

"Tầm nhìn, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại, mà bà Le Pen thúc đẩy rất khác với tầm nhìn mà ông Macron ủng hộ", ông nói.

Ông Quencez cho biết thêm rằng mặc dù bà Le Pen đang cố gắng bình thường hóa hình ảnh của mình và loại bỏ một số khẩu hiệu gây tranh cãi nhất khỏi chương trình vận động tranh cử, nhưng chủ trương của bà thực sự không thay đổi nhiều. "Vẫn chỉ là việc rút Pháp khỏi bộ chỉ huy quân sự của khối NATO và xem xét lại mối quan hệ đối tác của Pháp với EU, Mỹ và Nga", ông cho biết.

Ông Macron dự kiến sẽ thúc đẩy một thông điệp trong hai tuần tới: bỏ phiếu cho bà Le Pen đồng nghĩa với việc đưa nước Pháp đi theo một hướng mới nguy hiểm.

Một quảng cáo tranh cử của ông Macron cho thấy khuôn mặt một nửa của bà Le Pen, một nửa của Tổng thống Nga Vladimir Putin, với một câu trích dẫn từ bà Le Pen trong cuộc nói chuyện giữa bà với một nhà báo vào ngày 31/ 3. 

"Liệu ông Putin có thể lại trở thành đồng minh của phương Tây không?", phóng viên hỏi. "Điều đó là đương nhiên," bà trả lời.

Theo NPR