Vợ phiến quân IS hé lộ cuộc sống hãi hùng tại "Vương quốc Hồi giáo" tự xưng
(Dân trí) - Những phụ nữ từng cố gắng thoát khỏi sự kìm kẹp của các phần tử khủng bố IS đã kể lại những cảnh tượng hãi hùng mà họ phải trải qua, hé lộ nhiều câu chuyện về tình trạng bạo lực tràn lan, việc mua bán nô lệ tình dục và cuộc sống địa ngục tại nơi được gọi là “Vương quốc Hồi giáo”.
Cô Khadija, người đến Syria từ Tunis để sống trong thành trì của IS tại Raqqa (Syria) trong 3 năm, nói với RT rằng cô đã nhìn thấy nhiều hành động tội ác và tàn nhẫn, và hoàn toàn không có việc tuân thủ đúng nghĩa về tôn giáo hay luật Hồi giáo tại "Vương quốc Hồi giáo" tự xưng.
“Tôi và chồng đã phạm một sai lầm lớn khi tới đó. Và tôi khuyên bạn không nên tin những người nói rằng IS là một nhà nước Hồi giáo”, Khadija nói.
Các phần tử phiến quân không tha thứ cho bất kỳ ai chống lại sự thống trị của họ, Khadija cho hay.
“Tất cả những người đứng lên chống lại họ đều bị chặt đầu. Và mọi người không biết khi nào điều này sẽ xảy ra”.
“Họ không đi theo đường lối đúng đắn. Đây là một nhà nước của sự bạo hành. Chồng tôi đã trốn khỏi họ và đề nghị tôi cũng làm như vậy”, Khadija cho hay, nói thêm rằng cô và chồng thoát khỏi Raqqa bằng việc chạy trốn về phía nam tới thị trấn al-Mayadeen và sau đó tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng trước khi trốn thoát thành công, người phụ nữ trẻ đã biết đến mặt tối nhất của IS, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ và trẻ em.
Vợ phiến quân IS hé lộ cuộc sống hãi hùng tại "Vương quốc Hồi giáo" tự xưng
“Có đầy rẫy những hành động xấu xa tại những nơi phụ nữ sống. Trẻ em bị bệnh ghẻ. Khi những đứa trẻ bị ốm, chúng không được điều trị tại bệnh viện”, Khadija cho hay.
Nếu phụ nữ bị phát hiện vi phạm quy định ứng xử khắt khe do IS áp đặt, họ bị nhốt trong các trung tâm giam giữ như nhà tù, do các phụ nữ canh gác.
“Thật ghê tởm khi bị nhốt ở đó”, Khadija nói, nhớ lại câu chuyện các phụ nữ sinh con tìm kiếm sự trợ giúp nhưng cuối cùng chỉ nhận được sự thờ ơ. Các phụ nữ thường bị từ chối chăm sóc sinh sản và bị buộc phải sinh con ngay tại phòng giam.
Một phụ nữ đã bị chảy nhiều máu và tử vong trong khi sinh con sau khi người quản lý phòng giam từ chối trợ giúp.
Trong một trường hợp khác, một phụ nữ đã trở thành tàn tật sau khi lời van xin đưa cô tới bệnh viện bị từ chối, bất chấp việc cô nói rằng chân cô đang bị thương nghiêm trọng.
Mua bán nô lệ tình dục
Theo lời những phụ nữ trốn thoát khỏi IS, các phiến quân cũng thường có một nô lệ tình dục, ngoài người vợ hợp pháp.
“Bạn tới tòa thị chính thành phố và kết hôn. Nếu bạn đã kết hôn và chồng bị chết sau đó, bạn có thể lấy một người khác”, Khadija nói. Tuy nhiên, câu chuyện hoàn toàn khác khi một phụ nữ bị bắt và bị biến thành một nô lệ tình dục.
Là nô lệ tình dục, người phụ nữ bị xem là tài sản của chủ sở hữu, phải làm hắn hài lòng, và có thể bị bán hay cho đi như một món hàng.
“Vợ và người phụ nữ kia sống độc lập. Tay súng IS sống với họ luân phiên, ngày này sống với vợ thì ngày kia sống với nô lệ tình dục… Nhiều tay súng thích các cô gái Yazidi hơn vợ của họ”.
Nur Al-Khouda, 20 tuổi, tới từ Tripoli (Li-băng), cho hay chồng cô ban đầu tham gia một nhóm Salafi, nơi anh ta được truyền bá tư tưởng của IS, và sau đó tới Syria.
“Anh ta thuyết phục tôi rằng không có điều gì tồi tệ ở đó và tôi tin anh ấy, vì thế tôi chuẩn bị tất cả các giấy tờ và tới Syria cùng anh ta”, Nur Al-Khouda kể với RT sau khi trốn thoát.
Theo Nur Al-Khouda, việc mua bán nô lệ là một thị trường đang bùng nổ tại IS.
“Họ rất chú ý tới vẻ bên ngoài của phụ nữ. Họ mua đồ trang điểm và bán lại các phụ nữ với giá 15.000 USD, các cô gái còn trinh thậm chí được trả 30.000 USD”, Nur Al-Khouda nói.
Các cô gái trẻ trở thành một món hàng khi rơi vào tay của IS, Nur Al-Khouda cho biết, kể lại câu chuyện các phiến quân định bán một bé gái 10 tuổi với gái khoảng 10.000 USD.
Đã có các thông tin nói rằng những bé gái có khi mới 8 tuổi đã bị bắn tại các chợ nô lệ như vậy. Ước tính, khoảng từ 3.000-5.000 phụ nữ người dân tộc thiểu số Yazidi được tin là đã bị IS giam giữ như các nô lệ tình dục.
An Bình
Theo RT