1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Virus đột biến 30 lần trong cơ thể bệnh nhân HIV mắc Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân tiềm tàng khiến châu Phi trở thành nơi xuất hiện nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, sau khi nghiên cứu trường hợp một bệnh nhân HIV mắc Covid-19.

Virus đột biến 30 lần trong cơ thể bệnh nhân HIV mắc Covid-19 - 1

Châu Phi đang đối mặt với việc thiếu nguồn cung vắc xin Covid-19 trầm trọng (Ảnh: Getty).

Châu Phi là lục địa được tiêm chủng ít nhất thế giới và cũng là nơi xuất hiện nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2 như biến chủng Delta được tìm thấy ở Nam Phi, Eta ở Nigeria và gần đây nhất là C.1.2 cũng từ Nam Phi.

Theo Bloomberg, các nhà khoa học đã tìm ra lý do để giải thích cho sự xuất hiện của nhiều biến chủng ở châu Phi. Đây cũng là khu vực có nhiều người mắc bệnh suy giảm miễn dịch nhất thế giới, trong đó có HIV/AIDS.

Nghiên cứu về một phụ nữ dương tính với HIV ở Nam Phi cho thấy, virus SARS-CoV-2 đã tồn tại trong cơ thể bệnh nhân 216 ngày và đột biến đáng kể. Tại một hội nghị về miễn dịch học, Tulio de Oliveira, giáo sư điều hành các tổ chức giải trình tự gen tại 2 trường đại học ở Nam Phi, cho biết số lần đột biến lên tới 30 lần.

Nam Phi là nơi có nhiều người mắc HIV lớn nhất thế giới, với khoảng 8,2 triệu người bị nhiễm virus có nguy cơ mắc bệnh suy giảm miễn dịch. Các nước lân cận như Botswana, Zimbabwe và Eswatini cũng có tỷ lệ lây nhiễm HIV rất cao.

Châu Phi đối mặt với tình hình bệnh dịch cao hơn so với phần còn lại của thế giới. Dịch bệnh tràn lan cùng với tình trạng nghèo đói khiến hàng triệu người ở châu lục này ít có khả năng chống chọi với các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 tồn tại trong vật chủ càng lâu, nó càng có khả năng đột biến.

"Có bằng chứng cho thấy, việc nhiễm bệnh kéo dài ở những người bị suy giảm miễn dịch là một cơ chế cho sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2", giáo sư de Oliveira nói.

Hiện chỉ có một phần nhỏ trong 1,2 tỷ dân châu Phi được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin Covid-19. Tỷ lệ tiêm chủng cao hơn có thể làm giảm sự lây lan của dịch bệnh và trong hầu hết trường hợp, có thể ngăn các ca bệnh tiến triển nghiêm trọng và kéo dài. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ hình thành đột biến mới.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi Matshidiso Moeti ngày 16/9 cảnh báo, châu Phi có nguy cơ trở thành nơi sinh sôi các biến chủng kháng vắc xin Covid-19 do thiếu hụt vắc xin và tỷ lệ tiêm chủng thấp.

"Sự bất bình đẳng đáng lo ngại và sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc giao các lô vắc xin có nguy cơ biến các khu vực ở châu Phi thành nơi sinh sôi của các biến chủng kháng vắc xin", quan chức WHO cảnh báo, đồng thời cho rằng tình trạng này có thể đưa cả thế giới trở lại điểm xuất phát.

WHO cho biết châu Phi đang có nguy cơ thiếu 470 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay, sau khi sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX thông báo sẽ không thể chuyển đủ số vắc xin tới châu lục này như kế hoạch ban đầu vì nguồn cung hạn chế. COVAX sẽ chuyển tới châu Phi ít hơn 150 triệu liều vắc xin so với dự kiến.

Với số vắc xin dự kiến về châu Phi trong năm nay, sẽ chỉ có khoảng 17% dân số của châu lục này được tiêm chủng vào cuối năm nay, so với mốc 40% mà WHO đặt mục tiêu trước đó. WHO tuần trước cho biết châu Phi đã vượt mốc 8 triệu ca mắc Covid-19.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm