1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biến chủng Delta hoành hành khắp châu Phi

Thanh Thành

(Dân trí) - Hơn 1 triệu ca nhiễm mới đã được ghi nhận trên khắp châu Phi chỉ 1 trong tháng qua, nâng tổng số ca nhiễm tại "lục địa đen" lên 6 triệu.

Biến chủng Delta hoành hành khắp châu Phi - 1

Nhân viên y tế trợ giúp một bệnh nhân Covid-19 tại Johannesburg, Nam Phi hôm 10/7 (Ảnh: Reuters).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/7 cảnh báo đại dịch Covid-19 đang càn quét khắp châu Phi với tốc độ chưa từng thấy, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của làn sóng dịch thứ ba do sự lây lan mạnh của biến chủng Delta.

Theo WHO, hơn 1 triệu ca mắc mới đã được báo cáo trên khắp lục địa này chỉ 1 trong tháng qua, nâng tổng số ca Covid-19 tại khu vực lên 6 triệu. Trong một cuộc họp báo trực tuyến, tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO tại châu Phi cho biết, đây là mức tăng nhanh kỷ lục cho đến nay ở lục địa này. Trước đó, châu lục này tăng từ 4 triệu ca lên 5 triệu ca trong 3 tháng.

"Làn sóng thứ ba của châu Phi tiếp tục hủy diệt lục địa nghèo khó này, đẩy nó đến một cột mốc nghiệt ngã khác", tiến sĩ Moeti nói.

Tình hình ở ít nhất 18 quốc gia châu Phi vẽ nên bức tranh tồi tệ. Với nguồn cung cấp vắc xin hạn chế, nhiều quốc gia trên lục địa này đã không thể ngăn làn sóng dịch mới. Không giống những nơi khác như Mỹ hoặc châu Âu, châu Phi thiếu vắc xin nghiêm trọng, "tạo điều kiện" để biến chủng Delta tấn công mạnh, khiến số người nhập viện tăng lên, trong khi số ca tử vong tăng 43% trong tuần qua.

Các biến chủng Delta đã được phát hiện tại 21 trong số 54 quốc gia châu Phi, trong đó Algeria, Malawi và Senegal đang chứng kiến làn sóng tấn công dữ dội nhất. Một số nước đã áp dụng các biện pháp phong tỏa mới, bao gồm hạn chế di chuyển giữa các thành phố, kéo dài giờ giới nghiêm và đóng cửa trường học.

Theo một nghiên cứu mới, ngoài những nguy hiểm do Covid-19 gây ra là những rủi ro khác mà những người nhiễm HIV phải đối mặt. Khu vực Châu Phi cận Sahara là nơi sinh sống của 2/3 ca nhiễm HIV trên toàn thế giới.

1% dân số châu Phi được tiêm vắc xin đầy đủ

Đại dịch Covid-19 đã khiến các hệ thống y tế vốn đã rất mỏng manh của châu Phi càng thêm căng thẳng, khiến các bác sĩ và y tá kiệt sức trong khi nguồn cung cấp ôxy hạn chế. Ít nhất 5 quốc gia đã báo cáo tình trạng thiếu giường bệnh chăm sóc đặc biệt, trong đó có Nam Phi, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Số ca bệnh nhập viện ở 10 quốc gia khác cũng tăng đột biến.

Tại Congo, Bộ trưởng Bộ Y tế Jean-Jacques Mbungani Mbanda cho biết, hàng chục nghị sĩ Quốc hội đã tử vong do Covid-19 khi nước này phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng, với hơn 70% ca mắc mới là do biến chủng Delta. Bộ trưởng Mbanda kêu gọi các quốc gia giàu có tăng cường tài trợ vắc xin.

Ngay cả khi các ca bệnh tăng lên, chỉ có khoảng 1% người dân ở châu Phi đã được tiêm đầy đủ. Trong số hơn 1 tỷ dân tại khu vực này, chỉ 52 triệu người đã được tiêm 1 liều - chiếm khoảng 1,6% trong số 3,5 tỷ người đã được tiêm chủng trên toàn thế giới, theo WHO. Điều này làm tăng thêm lo ngại về suy thoái kinh tế kéo dài khi thế giới đang dần mở cửa trở lại.

Tại cuộc họp hôm 15/7 tại thủ đô thương mại Abidjan của Bờ Biển Ngà, các nhà lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi tài trợ khẩn cấp trị giá 100 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2025 từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), một chi nhánh của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho một số các nước nghèo nhất thế giới.

Trước tình hình tồi tệ của châu Phi, WHO kêu gọi các quốc gia giàu có phân phối nhiều vắc xin hơn cho người dân ở khu vực này.