1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Việt Nam trao công hàm phản đối giàn khoan Hải Dương 981 trở lại Biển Đông

(Dân trí) - Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc để trao công hàm phản đối việc nước này đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà hai nước đang tiến hành đàm phán phân định.

Ngày 7/4/2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông tin về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc bắt đầu đưa trở lại Biển Đông từ tối ngày 3/4/2016 để tiến hành tác nghiệp.

Đây là lần thứ 3 Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trở lại Biển Đông kể từ lần đầu tiên vào tháng 5/2014.

Giàn khoan Hải Dương 981 (Ảnh: AFP)
Giàn khoan Hải Dương 981 (Ảnh: AFP)

“Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ tối ngày 3/4/2016, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã di chuyển đến vị trí có tọa độ 17º3’12 Bắc - 110º04’18 Đông để tác nghiệp. Đây là khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định", ông Lê Hải Bình cho biết.

Người Phát ngôn nêu rõ, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Việt Nam bảo lưu tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực nói trên bằng tất cả các biện pháp hòa bình được luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp đó, ông Bình cũng cho hay.

Theo ông Lê Hải Bình, chiều ngày 5/4/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Sau lần hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ tháng 5- 8/2014, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trong tháng 8/2015, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan này xuống thăm dò dầu khí mới ở Biển Đông.

Sau đó, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 tiếp tục được đưa xuống thăm dò dầu khí tại vị trí mới thuộc mỏ Lăng Thủy từ ngày 28/12/2015-10/2/2016.

Ngày 19/1/2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ mà hai bên đang tiến hành đàm phán phân định.

Hải đăng phi pháp trên đá Xubi

Cũng trong ngày 7/4/2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng nêu rõ phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa vào hoạt động trạm hải đăng trên đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, là bất hợp pháp và vô giá trị, ông Bình nói.

"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có thêm các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông", Người Phát ngôn nhấn mạnh.

Chiều ngày 7/4/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Nam Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm