1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Việt Nam sẵn sàng cho vị trí Chủ tịch ASEAN

(Dân trí) - Việt Nam đã sẵn sàng cho vị trí Chủ tịch ASEAN trong năm 2010 – thời điểm đánh dấu 5 năm hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, cũng là thời điểm chuyển tiếp quan trọng đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống.

Việt Nam sẵn sàng cho vị trí Chủ tịch ASEAN - 1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan hôm 23/12

ASEAN, một năm nhìn lại

ASEAN đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, đặc biệt là phát triển các cơ chế hướng tới một ASEAN hội nhập và hoạt động trên cơ sở luật pháp. Hiến chương ASEAN, theo đó chính thức khẳng định Hiệp hội ASEAN là một tổ chức hoạt động dựa trên cơ sở luật pháp, đã có hiệu lực vào ngày 15/12/2008 và năm qua là thời điểm để các nước thành viên cùng tăng cường đưa Hiến chương vào cuộc sống.

Những thành công cơ bản của tiến trình thực hiện Hiến chương ASEAN được phản ánh rõ nét qua kết quả của hai hội nghị cấp cao lần thứ 14 và 15 diễn ra trong tháng 3 và tháng 10/2009, trong đó có việc thành lập Uỷ ban các phái đoàn đại diện thường trực tại ASEAN (CPR), Uỷ ban liên chính phủ về nhân quyền (AICHR), Thoả thuận về đặc quyền và miễn trừ ngoại giao cho các cá nhân thực thi nhiệm vụ chính thức của ASEAN trong khu vực và những tiến bộ vượt bậc trong việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN.

Cũng với việc Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2008, ASEAN đang ngày càng nhận được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế, ngày càng có nhiều quốc gia và tổ chức ghi nhận sự đóng góp của ASEAN, nhất là vai trò mở rộng của hiệp hội trong một số vấn đề toàn cầu.

Một loạt nước trên thế giới đã bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN, trong đó có các nước nước thành viên EU là Pháp, Anh, Đức, CH Séc và Phần Lan, cùng Ủy ban châu Âu (EC). Đến nay, đã có khoảng 30 nước cử phái bộ hoặc bổ nhiệm Đại sứ tại Ban Thư ký ASEAN đặt ở Jakarta (Indonesia).

ASEAN đã mở rộng quan hệ với các đối tác lớn quan trọng, với các tổ chức khu vực, tổ chức đa phương. Khu vực thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ được thiết lập vào năm 2010, tạo thành một thị trường khổng lồ với 1,9 tỷ dân. ASEAN cùng ba nước Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã đồng ý nâng quỹ trao đổi tiền tệ khu vực châu Á từ 80 tỷ USD lên thành 120 tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hồi tháng 4 và tháng 9 năm nay, Thủ tướng Thái Lan Abhisit, với tư cách Chủ tịch ASEAN, đã thay mặt Hiệp hội tham dự hai hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G-20 tại London (Anh) và Pittsburgh (Mỹ). Đây là những tín hiệu đáng khích lệ, cho thấy vị thế của tổ chức ngày càng được củng cố. Ngày 15/11, nhân Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN- Mỹ đầu tiên tại Singapore, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nối vòng tay thân hữu với 10 nhà lãnh đạo ASEAN, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-ASEAN với việc Washington công khai thừa nhận vai trò ''trung tâm'' của ASEAN trong khu vực.

Các quan chức EU tuyên bố ASEAN là động lực quan trọng thúc đẩy hội nhập khu vực tại châu Á, trong khi thế giới đang ngày càng tập trung vào Đông Nam Á, xem ASEAN là tâm điểm của thế giới về khả năng khôi phục kinh tế. Trả lời phỏng vấn mới đây nhân dịp kỷ niệm một năm triển khai Hiến chương ASEAN, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nói rằng mặc dù mỗi nước có những điều kiện và vấn đề khác nhau, ASEAN đã và đang tiếp tục vượt qua nhiều trở ngại thách thức.

Năm Chủ tịch ASEAN 2010 – vinh dự và trách nhiệm của Việt Nam

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15 hồi tháng 10, khi chính thức nhận vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo chủ đề cho Năm Chủ tịch ASEAN 2010 là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ Tầm nhìn đến Hành động”. Đây là một chủ đề mang tính hành động, phản ánh rõ nhu cầu và trọng tâm hợp tác của ASEAN trong thời gian tới, cũng như mong muốn của Việt Nam nhằm biến các cam kết của ASEAN thành hành động cụ thể, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Trong năm làm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ chủ trì và đăng cai tổ chức một loạt các hội nghị quan trọng, trong đó có hai Hội nghị Cấp cao ASEAN cùng với các Hội nghị cấp cao liên quan giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ ưu tiên tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN; phối hợp chặt chẽ cùng các nước thúc đẩy triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hợp tác với những hành động cụ thể và nguồn lực thích đáng; hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên đối tác, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN.

Thách thức đặt ra cho Việt Nam, quan trọng nhất là Việt Nam phải phát huy vai trò của toàn khối ASEAN trong quan hệ với các cường quốc, lãnh đạo để ASEAN phát triển, trở thành một tổ chức hợp tác chặt chẽ.

Ngày 23/12, tại buổi tiếp Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam ý thức được vinh dự và trách nhiệm nặng nề khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN. Cùng với các quốc gia thành viên, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ngừng lớn mạnh và mở rộng các quan hệ hợp tác giữa ASEAN và các quốc gia khác trên thế giới.

Tổng thư ký Pitsuwan bày tỏ tin tưởng trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phát huy các lợi thế đã đạt được, tiếp tục xây dựng cộng đồng ASEAN ngày một lớn mạnh vì lợi ích của các quốc gia thành viên và hoàn thành tốt các mục tiêu mà ASEAN đã đề ra.

Việt Hà
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm