1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Việt Nam - ngôi nhà thứ 2 của nhiều cựu binh Mỹ

(Dân trí) - Sau chiến tranh, nhiều cựu binh sĩ đã quay trở lại Việt Nam, chọn Đà Nẵng là nơi sinh sống với mong muốn trợ giúp người dân địa phương khắc phục các di chứng chiến tranh. Họ yêu mến Việt Nam như ngôi nhà thứ 2, và cũng nhận được tình cảm của người dân địa phương.

Cựu chiến binh Mỹ Chuck Palazzo tại một xưởng may ở Đà Nẵng (Ảnh chụp màn hình)

Cựu chiến binh Mỹ Chuck Palazzo tại một xưởng may ở Đà Nẵng (Ảnh chụp màn hình)
 
Mike Cerre, từng tham chiến tại Việt Nam, đã quay trở lại thành phố Đà Nẵng với tư cách là một phóng viên đặc biệt của đài PBS (Mỹ) để gặp gỡ một nhóm cựu chiến binh Mỹ, những người đang nỗ lực trợ giúp Việt Nam khắc phục các di chứng chiến tranh.
 
Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi đơn vị chiến đấu đầu tiên của Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, những hậu quả chết người của chiến tranh vẫn đeo bám nhiều thế hệ tại đất nước này.
 
Khi đơn vị chiến đấu đầu tiên của của Mỹ được triển khai tại Việt Nam vào năm 1965, Lữ đoàn số 9 đã đặt chân xuống Đà Nẵng. Các lính thủy đánh bộ Mỹ tới đây trong một sứ mệnh hạn chế nhằm bảo vệ căn cứ không quân chiến lược tại Đà Nẵng. Cuộc đổ bộ diễn ra rất nhanh và trót lọt.
 

Nhưng lữ đoàn này đã nhanh chóng trở thành một phần của một trong những chiến dịch quân sự dài nhất và cay đắng nhất trong lịch sử Mỹ, kéo dài hơn 2 thập niên.

Các bãi biển của Đà Nẵng là giờ đây là địa điểm du lịch phổ biến của người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài. Đây cũng là ngôi nhà thứ 2 của nhiều cựu binh sĩ, những người đã quay trở lại để sống và làm việc để khắc phục một trong những di chứng nguy hiểm nhất của cuộc chiến.

Chuck Palazzo, cựu lính thủ đánh bộ Mỹ, là một trong những người đã hỗ trợ tích cực cho việc hàn gắn viết thương chiến tranh. “Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào năm 1970. Khi đó tôi là một lính thủy đánh bộ Mỹ. Tôi mới bước sang tuổi 18 và nhận thấy mình ở xa quê nhà New York 10.000 km”, Palazzo nhớ lại.

Palazzo cho hay ông từng không mơ ước quay trở lại một ngày nào đó và làm điều gì đó tích cực tại Việt Nam cũng như trợ giúp người dân.

Cựu binh Manus Campbell tới từ bang New Jersey. Campbell tham chiến tại Việt Nam với tư cách là lính thủy đánh bộ từ 1967-1968. Ông chuyển tới sống tại Việt Nam vào năm 2010. Tổ chức của ông hỗ trợ giáo dục cho những trẻ em bị khuyết tật và nạn nhân bom mìn sau chiến tranh.

Cũng như Palazzo và Campbell, ông Mike Cerre đến Việt Nam lần đầu tiên trong chiến tranh. Vào năm 1970 và 1971, ông là lính thủy đánh bộ, tham chiến tại căn cứ Đà Nẵng.

Nhiều chiến dịch chất độc da cam cất cánh và hạ cánh tại căn cứ. Và phần lớn chất độc da cam được trữ tại căn cứ trong khoảng 10 năm. Kết quả là phần lớn khu vực quanh sân bay Đà Nẵng ngày nay đã bị nhiễm chất độc màu da cam.
 
 
Ông Manus Campbell đã chuyển tới sống tại Việt Nam từ năm 2010 (Ảnh chụp màn hình)
Ông Manus Campbell đã chuyển tới sống tại Việt Nam từ năm 2010 (Ảnh chụp màn hình)

Phóng viên Cerre cho hay, chất độc da cam - được quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam - chứa dioxin, một hợp chất nguy hiểm gây dị tật bẩm sinh và các bệnh ung thư trong các gia đình Việt Nam và các cựu chiến binh Mỹ.

“Chúng tôi đang nhìn thấy ngày càng nhiều các ảnh hưởng về gen của chất độc da cam. Những đứa trẻ bị ảnh hưởng giờ đây là những nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3. Và tôi nhìn thấy điều đó trong gia đình chính các cựu binh tại Mỹ. Những vấn đề này truyền qua các thế hệ. Những đứa cháu và chắt giờ đây sinh ra với những dị tật do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam”, ông Palazzo nói.

Sau 30 năm hoạt động với tư cách là nhà phát triển phần mềm, cuộc ly hôn gần đây và sau một thời gian dài chiến đấu với hội chứng rối loạn tâm lý, Palazzo đã bán nhà và hầu hết tài sản và chuyển tới Việt Nam. Tại Đà Nẵng, ông đã mở một công ty phần mềm để có thể hợp tác với một tổ chức địa phương nhằm trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam.

Palazzo cho biết một trong những động lực để ông làm điều đó, 4 hay 5 năm về trước, là giải quyết vấn đề của chính mình, và cũng là để trợ giúp các nạn nhân chiến tranh. Ông nói sẽ tiếp tục hàn gắn các vết thương chiến tranh và trợ giúp nạn nhân chất độc da cam tại đây.

“Tôi không có kiến thức chuyên môn về khoa học và y tế, chỉ là giao tiếp với bọn trẻ. Tôi có thể thấy điều đó giúp chúng hạnh phúc. Và tôi cũng hạnh phúc. Tôi thích điều đó”, Palazzo tâm sự.
 
Campbell (phải) trong một bức ảnh thời tham chiến tại Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)
Campbell (phải) trong một bức ảnh thời tham chiến tại Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)

Trong khi đó, Manus Campbell, một cảnh sát về hưu tại New Jersey, đang dành lương hưu và các khoản chi trả thương tật đối với cựu chiến binh để trợ giúp các trẻ em có nhu cầu đặc biệt tại một trung tâm bảo trợ trẻ em gần Hội An.

“Tôi hiểu rằng, với 60 USD mỗi tháng, tôi có thể giúp một đứa trẻ ra khỏi nhà, nơi đứa trẻ có thể chỉ có thể nằm trên giường hoặc xem tivi, đưa bé tới trường để giao tiếp với bạn bè cùng cảnh ngộ. Khi đó, đứa trẻ có thể nhận ra rằng nó không đơn độc trong cuộc đời và cũng có những người giống mình, và đứa trẻ có thể có thêm bạn bè”, Campbell nói.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng, trước đây là căn cứ không quân Đà Nẵng, hiện vẫn là một trong những địa điểm bị nhiễm chất độc da cam lớn nhất và nghiêm trọng nhất tại Việt Nam, với nồng độ nhiễm độc cao gấp 350 lần so với chuẩn an toàn quốc tế.
 
Những vòng tay rộng mở
 
Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy cho hay Mỹ đã chi 100 triệu USD để xử lý khu vực và xây dựng một cơ sở khử độc dioxin hiện đại.

Thượng nghị sĩ Leahy từ lâu đã vận động để cung cấp tài chính cho các tổ chức phi chính phủ nhằm trợ giúp Việt Nam giải quyết các di chứng của chiến tranh. Ông đã đến thăm Đà Nẵng hồi năm ngoái để dự lễ khánh thành một cơ sở nhằm khử độc dioxin trong đất, vốn có thể gây ô nhiễm nguồn nước và nguồn thực phẩm địa phương.

Mỹ chưa bao giờ chịu bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Việt Nam hay 3 tỷ USD cho các quỹ tái thiết mà Tổng thống Mỹ Nixon từng cam kết trong đàm phán hiệp định hòa bình Paris năm 1973.

“Chúng tôi có lý do đạo đức và nhân đạo để có mặt tại đây. Chúng tôi có lợi ích lâu dài nhằm trợ giúp đem lại sự ổn định tại Việt Nam và giúp Việt Nam hồi phục từ sự tàn phá của cuộc chiến mà đáng lẽ không nên xảy ra”, Thượng nghị sĩ Leahy nói.

Những mái nhà tranh đơn sơ của Đà Nẵng thời chiến giờ đây đã được thay thế bằng một trong những thành phố phát triển ấn tượng nhất Việt Nam. Thế hệ trẻ có rất ít hoặc hầu như không liên quan tới chiến tranh.

Các bãi biển mà lính Mỹ đổ bộ nhiều năm trước ngày nay chứng kiến một làn sóng các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước trong bối cảnh nền kinh tế bùng nổ kể từ khi lệnh cấm vận thương mại của Mỹ được dỡ bỏ.

Palazzo cho hay người dân địa phương biết ông từng tham gia chiến tranh nhưng vẫn chào đón ông và các đồng đội cũ.
“Không có sự hận thù. Tất cả họ đều chào đón tôi với vòng tay rộng mở. Họ mời tôi đến nhà. Chúng tôi uống bia cùng nhau. Tôi cảm thấy rất thoải mái và hòa nhập cộng đồng tại đây”, Palazzo nói.

Ông Campbell cũng cho biết điều tương tự. “Không còn kẻ thù ở đây nữa. Người dân không màng tới chiến tranh. Khi bạn nhắc tới cuộc chiến, họ nói hãy quên nó đi… Họ muốn sống cho hôm nay”.

“Mối liên kết với Việt Nam trong quá khứ và những gì xảy ra thời chiến tranh khi tôi mới 19 tuổi đã định hình cuộc đời tôi. Do đó, tôi đã quyết định quay trở lại để làm điều đó tốt đẹp cho người dân”, Campell nói.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm