1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam lên tiếng về luật hải cảnh mới của Trung Quốc

(Dân trí) - Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển.

Việt Nam lên tiếng về luật hải cảnh mới của Trung Quốc - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (Ảnh: Mạnh Quân)

Ngày 29/1, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ngày 22/1 thông qua Luật Cảnh sát biển nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc qia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982".
 
Bà Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.
 
"Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông", Người phát ngôn nhấn mạnh.
 

Trước đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của nước này, đã thông qua Luật hải cảnh. 

Theo dự luật được công bố trước đó, hải cảnh được phép sử dụng "tất cả các biện pháp cần thiết" để ngăn chặn hoặc đề phòng các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Luật còn cho phép các nhân viên cảnh sát phá hủy thực thể của các nước khác được xây dựng trên các đá mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền, đổ bộ và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là "đường chín đoạn" hay "đường lưỡi bò" phi pháp. Cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh tại vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.

An Bình