1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Việt Nam là trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ

(Dân trí) - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và kêu gọi thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong các lĩnh vực có thế mạnh.

Việt Nam là trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ - 1

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ngoài cùng bên phải) và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma (giữa) phát biểu tại Chương trình “Gặp gỡ Ấn Độ 2020”. (Ảnh: Thành Đạt)

Hôm nay 9/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức chương trình “Gặp gỡ Ấn Độ 2020”. Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết “đây là sự kiện đối ngoại địa phương đầu tiên của năm 2020 do Bộ Ngoại giao tổ chức”.

“Trong nỗ lực chung nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, các địa phương của hai nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Chương trình hôm nay với sự tham dự của lãnh đạo và đại biểu của hơn 20 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương từ tất cả các vùng miền của Việt Nam là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Ấn Độ gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, kết nối”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống lâu đời, kết nối văn hóa gần 2.000 năm lịch sử cùng chia sẻ những giá trị nhân văn rất tốt đẹp. Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm qua phát triển rất tốt đẹp.

“Ấn Độ hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng trưởng mạnh mẽ, từ 5,6 tỷ USD năm 2014 lên 7,63 tỷ USD năm 2017 và 11,5 tỷ USD năm 2019. Ngoài ra, hợp tác song phương trong các lĩnh vực đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa giáo dục, du lịch ngày càng sâu sắc và hiệu quả. Một số lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp chất lượng cao…”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mong muốn chương trình “Gặp gỡ Ấn Độ 2020” sẽ trao đổi sâu, cởi mở về các vấn đề về chính sách, về định hướng hợp tác cùng quan tâm, chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, phát triển đô thị thông minh và du lịch để phát huy mọi tiềm năng hợp tác cùng phát triển.

Việt Nam là trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ - 2

Lãnh đạo và đại biểu của hơn 20 tỉnh thành Việt Nam và các doanh nghiệp Ấn Độ, Việt Nam dự Chương trình “Gặp gỡ Ấn Độ 2020”. (Ảnh: Thành Đạt)

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết Ấn Độ và Việt Nam có truyền thống lâu đời về tình bạn thân thiết, được xây dựng dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước ngày nay trải rộng trên phạm vi hợp tác sâu rộng, bao gồm chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác năng lượng, trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân.

“Trong bối cảnh toàn cầu và khu vực rộng lớn hơn, Ấn Độ coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong Chính sách Hành động Hướng Đông của chúng tôi và là đối tác chính trong Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi”, Đại sứ Verma cho biết.

Theo nhà ngoại giao Ấn Độ, cũng như Việt Nam, Ấn Độ đang chuyển đổi nhanh chóng. Ngày nay, Ấn Độ là một trong 6 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Thủ tướng Narendra Modi đã đặt ra tầm nhìn đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Quy mô của sự chuyển đổi này sẽ tạo ra các khả năng và nhu cầu mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia khác. Là một trong những đối tác gần gũi nhất, Ấn Độ mong muốn Việt Nam cùng tham gia trong hành trình thịnh vượng chung này.

“Việc mở đường bay thẳng Ấn Độ và Việt Nam mang đến một bối cảnh hoàn hảo cho các cuộc thảo luận của chúng tôi về việc thúc đẩy trao đổi du lịch. Tăng cường du lịch tác động không chỉ tới giao lưu nhân dân, mà còn cho các mối quan hệ đầu tư và kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi rất muốn mở rộng quan hệ đối tác phát triển lâu dài với Việt Nam, với các dòng tín dụng và các chương trình hỗ trợ và các sáng kiến nâng cao năng lực có thể đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế xã hội cấp cơ sở”, Đại sứ Verma phát biểu.

Trong khuôn khổ chương trình, Đại sứ quán Ấn Độ đã chọn ra một số lĩnh vực mà Ấn Độ tin rằng có khả năng cho phép hai nước tham gia tích cực hơn, gồm công nghệ thông tin, dược phẩm, kỹ thuật và công nghiệp năng lượng. Đây cũng là những ngành chính được Ấn Độ ưu tiên đầu tư ở Việt Nam. Ngoài ra, chương trình cũng có phiên thảo luận tập trung vào các khu vực mới nổi như thành phố thông minh, nơi hai nước có thể hợp tác cùng có lợi.

Thành Đạt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm