1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Việt Nam đề nghị Na Uy thúc đẩy đàm phán FTA với khối EFTA

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Na Uy thúc đẩy quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và khối EFTA (gồm Iceland, Lichestein, Na Uy và Thụy Sĩ).

Việt Nam đề nghị Na Uy thúc đẩy đàm phán FTA với khối EFTA - 1

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Quốc Vụ khanh Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad chiều 1/3 (Ảnh: MOFA).

Chiều 1/3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Quốc Vụ khanh Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.

Tại cuộc tiếp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh chuyến thăm của Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy; khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác truyền thống với Na Uy và bày tỏ vui mừng nhận thấy hai bên đã phát triển các mối quan hệ tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương; đánh giá cao phái đoàn Bộ Ngoại giao Na Uy sẽ có các cuộc làm việc thiết thực với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành giữa hai bên.

Đánh giá Việt Nam và Na Uy có nhiều tiềm năng hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp; nỗ lực đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và khối EFTA (gồm 4 nước Iceland, Lichestein, Na Uy và Thụy Sĩ). Khẳng định Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu tại COP26 cũng như hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Na Uy.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh các cơ quan hai nước nghiên cứu khả năng thiết lập các khuôn khổ hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế biển, chuyển đổi xanh, góp phần tạo xung lực hợp tác mới và thiết thực trong các lĩnh vực mà Na Uy có thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm, nguồn vốn và Việt Nam có nhu cầu phát triển.

Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad bày tỏ vui mừng thực hiện chuyến thăm Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước phát triển tốt đẹp; khẳng định Na Uy coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên tại khu vực Đông Nam Á và mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước.

Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp hiện nay, Quốc Vụ khanh Erling Rimestad bày tỏ nhất trí tiếp tục thúc đẩy tiếp xúc chính trị, trao đổi đoàn các cấp; nỗ lực đàm phán trên tinh thần linh hoạt, cùng có lợi để có thể ký kết được hiệp định với EFTA; mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực có tiềm năng và quan tâm chung về đại dương, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và kinh tế xanh, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đã cùng tham gia Thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Hai bên đã nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại cơ chế của Liên hợp quốc cũng như trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN và Na Uy.

Tham vấn Chính trị Việt Nam - Na Uy lần thứ 9

Việt Nam đề nghị Na Uy thúc đẩy đàm phán FTA với khối EFTA - 2

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp Quốc Vụ khanh Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad sáng 1/3 (Ảnh: MOFA).

Cùng ngày, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Quốc Vụ khanh Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad đã đồng chủ trì Tham vấn chính trị lần thứ 9 giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Na Uy nhằm trao đổi về hợp tác song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá quan hệ Việt Nam - Na Uy đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực trong thời gian qua và đề nghị hai bên cần tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, giữa hai Bộ Ngoại giao nhằm tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị - đối ngoại. Với vị trí là đối tác thương mại lớn thứ hai của Na Uy tại khu vực, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Na Uy thông qua việc tạo điều kiện và thu hút các doanh nghiệp Na Uy đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, đóng tàu, vận tải biển xanh, dịch vụ hậu cần…

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị phía Na Uy và khối EFTA đặt quyết tâm đẩy nhanh quá trình đàm phán và ký FTA với Việt Nam trên cơ sở hài hòa lợi ích, hướng tới đạt được các tiến triển thực chất trong các vòng đàm phán tiếp theo, qua đó tận dụng những lợi thế FTA mang lại, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng mong muốn phía Na Uy hỗ trợ các thuyền viên Việt Nam có cơ hội làm việc tại tàu biển mang cờ Na Uy cũng như tạo điều kiện tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc thời vụ tại Na Uy.

Bày tỏ vui mừng thực hiện chuyến thăm Việt Nam, Quốc Vụ khanh Erling Rimestad khẳng định Chính phủ Na Uy coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại - đầu tư và chuyển đổi năng lượng. Ông Erling Rimestad chia sẻ mong muốn hai bên sớm đạt được tiến triển trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA. Đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 cũng như tiềm năng hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng công bằng (JETP) mà Na Uy là một bên tham gia, Quốc Vụ khanh Erling Rimestad cho biết Na Uy sẵn sàng hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn tài chính cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang năng lượng tái tạo.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và Quốc Vụ khanh Erling Rimestad cũng trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, lao động, khoa học - công nghệ và an ninh - quốc phòng. Hai bên đánh giá cao tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế biển, chuyển đổi xanh, góp phần tạo xung lực hợp tác mới và thiết thực trong các lĩnh vực mà Na Uy có thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm, nguồn vốn và Việt Nam có nhu cầu phát triển.

Về hợp tác quốc tế, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Na Uy. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình tại Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hai bên cũng dành thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm tại châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm