1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc lên LHQ

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo chiều nay 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, VN đã cho lưu hành trong Liên hợp quốc công hàm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam. Ông cũng cho biết tân đại sứ Trung Quốc đã có mặt ở VN.

Ông Lê Hải Bình

Ông Lê Hải Bình tại cuộc họp báo chiều 15/5.

Việt Nam kiên trì dùng biện pháp ngoại giao

Chiều nay (15/5), Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ tại Hà Nội. Một trong những nội dung chính là về tình hình Biển Đông. Đông đảo phóng viên trong và ngoài nước tham dự.

Theo người phát ngôn, từ 1/5 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương- 981 được hộ tống bởi nhiều phương tiện, hạ giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Liên tiếp trong những ngày qua, Việt Nam đã liên tục đối thoại, giao thiệp với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm phản đối Trung Quốc.

Đáp lại sự giao thiệp và thiện chí của VN, phía Trung Quốc tiếp tục hành vi sai trái của mình, điều thêm nhiều tàu và máy bay đến khu vực giàn khoan.

Đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì sự hoạt động của nhiều tàu các loại với sự hỗ trợ của máy bay quân sự trong khu vực của giàn khoan Hải Dương-981. Trong khi các tàu công vụ của Việt Nam vẫn hạn chế thì Trung Quốc lại cho nhiều tàu ra biển, dùng vòi rồng phun vào tàu Việt Nam, đâm vào tàu gây hư hại.

Ông Lê Hải Bình cũng cho biết Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng toàn bộ tàu, máy bay ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn hành động tương tự. Việt Nam trân trọng cảm ơn các nước, các tổ chức, cá nhân đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Cảm ơn báo chí trong nước, quốc tế đã đưa tin trung thực, khách quan về tình hình trên biển Đông.

Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Lê Hải Bình đã thẳng thắn trả lời một loạt các câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước về những diễn biến hiện nay liên quan đến căng thẳng trên Biển Đông.

Trả lời phóng viên Dân Trí về thông tin Bộ Ngoại giao Philippines đã có công hàm phản đối Trung Quốc đang thực hiện các hoạt động bồi đắp đất trên đảo Gạc Ma, Trường Sa, người phát ngôn Lê Hải Bình cho hay: “Chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan chức năng của Việt Nam xác minh thông tin này. Song chúng tôi tái khẳng định, mọi hành vi làm thay đổi hiện trạng tại vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa là vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông”.

Đang tiến hành điều tra vụ xô xát ở Hà Tĩnh

Về vụ xô xát ở khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, theo cơ quan chức năng thì đây là ẩu đả do hai nhóm công nhân. Có một người bị chết và một người bị thương. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, bắt kẻ gây rối và cấp cứu cho người bị thương.Ông cũng khẳng định thông tin 21 người thiệt mạng trong vụ việc là không có cơ sở.

Việc công nhân Việt Nam phản đối Trung Quốc song đã gây ảnh hưởng tới Đài Loan, tại sao? Phương hướng xử lý tổn thất và Chính phủ có nghĩ tới việc bồi thường cho DN Đài Loan hay không?

Ông Lê Hải Bình:Tôi xin khẳng định, một số đối tượng đã lợi dụng việc biểu tình ôn hoà để phá hoại các doanh nghiệp , trong đó có doanh nghiệp Đài Loan, gây mất an ninh trật tự tại Bình Dương.

Ngay khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã nhanh chóng trấn áp, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi kích động. Chúng tôi khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết, làm hết sức mình để bảo vệ tính mạng, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Đài Loan trên lãnh thổ Việt Nam.

Những vụ bạo động vừa qua ở Việt Nam có liên quan đến giàn khoan hay không?

Chúng tôi không có thông tin, song xin khẳng định, ở các địa bàn đã được ổn định. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo tính mạng, tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Chúng tôi xin khẳng định, một số hành động phá hoại ảnh hưởng tới con người của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc là hành động của một số đối tượng kích động. Và hành động này bị Nhà nước Việt Nam lên án. Việt Nam vẫn đang duy trì các hoạt động đối thoại với để giải quyết tình hình về giàn khoan Hải Dương-981.

Duy trì hoạt động hợp tác bình thường với Trung Quốc

Chúng ta có đặt cấp độ nào cho sự kìm chế này không và Việt Nam đang ở cấp độ nào? Chính phủ Việt Nam có gửi đến thông điệp nào tới người dân để tránh ảnh hưởng do kích động?

Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp quốc tế để phù hợp với tình hình, tùy vào các diễn biến thực tế, Việt Nam sẽ có những phản ứng tương tự, phù hợp.

Chúng tôi cho rằng, việc thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền là quyền hết sức chính đáng và tự nhiên. Tuy nhiên việc thể hiện này phải theo đúng pháp luật và theo đúng tinh thần hữu nghị trên thế giới.

Có ý kiến cho rằng Việt Nam và Philippine đã lôi kéo các nước về tình hình Biển Đông. Ông nghĩ sao về điều này?

Đó là những phát biểu không có cơ sở. Tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN, các Bộ trưởng đã ra tuyên bố riêng về biển Đông. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm cũng như những quan ngại của các nước về tình hình biển Đông.

Cho đến lúc này Việt Nam vẫn kiên trì các biện pháp ngoại giao, hoà bình giải quyết vấn đề. Việc thông tin kịp thời của Thủ tướng đã khiến dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam trong vấn đề này. Trong thời gian tới, tuỳ vào thời điểm, lãnh đạo Việt Nam sẽ có những lên tiếng về vấn đề này.

Kể từ sau cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì thì đã có thêm cuộc điện đàm nào không? Các hoạt động hợp tác hai bên có bị gián đoạn hay không? Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có hoạt động nào đối thoại với Trung Quốc không? Cuối tháng này có hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Việt Nam có định tiếp tục đưa vấn đề này ra hay không?

Việt Nam đã và đang kiên trì đối thoại với Trung Quốc với nhiều cấp độ, nhiều phương tiện khác nhau về hành vi sai trái của Trung Quốc.

Việt Nam luôn coi trọng đối tác, hợp tác hữu nghị toàn diện với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi cũng cho rằng, quan hệ giữa hai bên chỉ có thể phát triển tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau cũng như cùng nhau giải quyết các bất đồng. Rõ ràng, các hoạt động sai trái của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chính trị cũng như lòng tin của người dân Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì hoạt động hợp tác bình thường vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Đưa công hàm phản đối Trung Quốc lên LHQ

Cho đến nay Việt Nam đã thông báo ra LHQ chưa? Nếu Trung Quốc vẫn không rút giàn khoan thì Việt Nam có dự định đưa các vấn đề này ra Đại hội đồng LHQ không?

Ngày 7/5, Việt Nam đã cho lưu hành trong Liên hiệp quốc công hàm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam. Các giải pháp mà phóng viên nêu sẽ được tính đến.

Về việc Việt Nam luôn tuyên bố sử dụng mọi biện pháp cần thiết. Vậy nếu Trung Quốc vẫn không rút giàn khoan, liệu Việt Nam có sử dụng biện pháp quân sự hay không? Việt Nam có kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế hay không?

Việt Nam khẳng định mọi biện pháp cần thiết. Tôi chỉ khẳng định, việc sử dụng giải pháp pháp lý là một trong những quy định trong hiến chương LHQ về Luật biển. Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp này nếu cần thiết.

Xin ông có thể cho biết kết quả đối thoại nhân quyền lần thứ 18 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ?

Đối thoại Việt Nam, Hoa Kỳ: đối thoại nhân quyền lần thứ 18 đã diễn ra tại Thủ đô Hoa Kỳ. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tự do tôn giáo, nhà nước pháp quyền cũng như các vấn đề đa phương về nhân quyền.

Đối thoại nhân quyền Việt Nam-Hoa Kỳ giúp cho hai nước tăng cường hiểu biết và thu hẹp khác biệt, qua đó thắt chặt quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam- Hoa Kỳ.

Qua báo chí chúng tôi vẫn thấy sự va chạm như bắn vòi rồng, húc tàu. Vậy chiến thuật của Việt Nam ở vùng đó là như thế nào? Liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài. Ở khắp nơi phản ứng rất nhiều, người Việt Nam biểu tình ngay trước Đại sứ quán Trung Quốc khắp nơi. Bộ Ngoại giao đánh giá như thế nào đối với vấn đề này.

Cho dù sử dụng chiến thuật gì thì Việt Nam sẽ dựa trên nguyên tắc là kiên trì và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước, để Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi biển Đông. Đồng thời cũng hết sức hạn chế vì Việt Nam phản đối việc đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực.

Nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, dù ở trong hay ngoài nước đều trăn trở về chủ quyền đất nước. Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước trân trọng và hết sức xúc động với chia ngọt sẻ bùi của đồng bào ta ở nước ngoài.

Đại sứ mới của Trung Quốc đã có mặt ở VN

Đại sứ Trung Quốc đã về nước hơn 1 tháng trước, vậy Trung Quốc đã bổ nhiệm đại sứ mới hay chưa?

Đại sứ mới của Trung đã có mặt tại Hà Nội ngày 11/5. Hiện Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng đang xúc tiến để đại sứ trình quốc thư sớm nhất để có thể chính thức làm việc.


Cũng tại buổi họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 và thăm làm việc Philippines từ ngày 21-23/5/2014.

- Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 về Phối hợp Hành động và Củng cố Lòng tin ở Châu Á (CECA) tại Thượng Hải, Trung Quốc từ ngày 20-22/5/2014.

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ tham dự Hội nghị quốc tế Tương lai châu Á lần thứ 20 tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 22-23/5/2014.

Nam Hằng