1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Việt Nam có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư khởi nghiệp Singapore

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Những năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp từ Singapore.

Việt Nam có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư khởi nghiệp Singapore - 1
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian qua (Ảnh: Hải Long).

Straits Times đưa tin, theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư khởi nghiệp Singapore trong nhiều năm trở lại đây. Lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công giá rẻ cùng thị trường lớn là những nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển dịch này.

"Lực lượng lao động ở Việt Nam đang được đào tạo ngày một bài bản và giá nhân công hiện vẫn khá rẻ so với Singapore", ông James Tan, đối tác quản lý cấp cao của Quỹ đầu tư mạo hiểm Quest Ventures, nhận định.

Bên cạnh đó, ông Tan cũng cho rằng tầng lớp trung lưu đang phát triển và hiểu biết công nghệ của người dân ngày càng tăng biến Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng cho các công ty khởi nghiệp Singapore, qua đó giúp việc tìm kiếm vốn đầu tư tại Việt Nam trở nên dễ dàng hơn.

Ngoài ra, sinh hoạt phí rẻ cùng cơ hội kết nối dễ dàng cùng cộng đồng khởi nghiệp quốc tế cũng được cho là một điểm cộng của thị trường Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam đang có những bước tăng trưởng vững chắc trong thời gian qua. Hầu hết các chuyên gia kinh tế nước ngoài đều lạc quan khi nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 bất chấp bối cảnh quốc tế còn nhiều khó khăn, bao gồm giá năng lượng cao.

Vào đầu tháng 8, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với tựa đề "Giáo dục để tăng trưởng", với những nhận định lạc quan. Theo đó, World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ ở mức 7,5%, tăng hơn 3 lần so với mức 2,1% năm ngoái.

Các chuyên gia của World Bank cho biết, bất chấp những cú sốc và tình trạng bất định gia tăng gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên lộ trình phục hồi. Trong 6 tháng qua, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam của tăng tốc nhờ khu vực chế tạo, chế biến vững vàng và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ.

Moody's Analytics, công ty con chuyên cung cấp dịch vụ phân tích trực thuộc tập đoàn tài chính Moody's của Mỹ, cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang nổi lên như là một điểm sáng giữa tình hình biến động và rủi ro lạm phát trong khu vực.

Trước đó, trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Phòng nghiên cứu Phát triển của Trường chính sách công Kennedy trực thuộc Đại học Harvard, Việt Nam cùng với Trung Quốc, Uganda, Indonesia và Ấn Độ được dự đoán sẽ là các quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong thập niên tới.

Theo Straits Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm