1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ - Trung gạt bỏ bất đồng, tìm kiếm hợp tác về khí hậu

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, đã đến Trung Quốc để khởi động nỗ lực đàm phán bị đình trệ lâu nay giữa hai quốc gia phát thải khí CO₂ lớn nhất thế giới.

Mỹ - Trung gạt bỏ bất đồng, tìm kiếm hợp tác về khí hậu - 1

John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden về biến đổi khí hậu (Ảnh: AFP).

Ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ đã đến Bắc Kinh vào Chủ nhật trong một chuyến công du được chờ đợi từ lâu, để khởi động lại các cuộc đàm phán về khí hậu. Khi bước xuống máy bay, ông chứng kiến cái nóng ngột ngạt của một trong những mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận ở thủ đô Trung Quốc.

Lần đầu tiên kể từ năm 1951, Bắc Kinh đã chứng kiến nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C trong 11 ngày, với gần một nửa trong số đó xảy ra trong vài tuần qua, bao gồm kỷ lục mới về ngày nóng nhất của thành phố vào tháng 6.

Tại Mỹ, một đợt nắng nóng cực độ cũng đang gia tăng, với nhiệt độ ở tây nam tăng cao tới 49 độ C.

Đây là một vấn đề toàn cầu, ngày nóng nhất hành tinh từng được ghi nhận trong 4 ngày liên tiếp vào đầu tháng này.

Li Shuo, cố vấn chính sách toàn cầu của tổ chức môi trường Hòa bình Xanh Trung Quốc, cho biết: "Nếu có bất kỳ điều gì xảy ra, đây là vấn đề có thể đưa Trung Quốc và Mỹ trở lại cùng quan điểm. Bất kể sự khác biệt về chính trị của họ, tác động của biến đổi khí hậu giờ đây đã trở thành trải nghiệm chung của cả hai quốc gia, đó không còn là một cuộc khủng hoảng giả định hay thách thức phân tích nữa, mà là một thực tế sống động có thể cảm nhận được qua làn da".

Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% lượng khí thải toàn cầu, trong đó lượng khí thải gây ô nhiễm của Trung Quốc cao hơn gấp đôi so với Mỹ.

Điều này có nghĩa là những nỗ lực ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ cần phải có sự tham gia của hai cường quốc này. Tuy nhiên, sự hợp tác về khí hậu giữa họ đã bị đóng băng trong gần một năm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Tháng 8 năm ngoái, Bắc Kinh đã dừng các cuộc đàm phán về khí hậu với Washington để phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi tới đảo Đài Loan.

Hơn 2 tháng nắng nóng như thiêu đốt đã làm khô cạn các hồ chứa nước, gây thiệt hại mùa màng và giết chết gia súc, làm tê liệt nguồn cung cấp điện và dẫn đến mất điện luân phiên ở một số đô thị lớn và thịnh vượng nhất của Trung Quốc.

Năm nay, nhiệt độ ngột ngạt thậm chí còn đến sớm hơn, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu cư dân và một lần nữa gây áp lực lớn lên lưới điện quốc gia. Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc, nhà sản xuất điện than lớn nhất thế giới, cho biết, sản lượng điện của họ đạt mức cao lịch sử vào đầu tuần trước.

Các chuyên gia cho biết những đợt nắng nóng không ngớt nêu bật tính cấp bách của việc Mỹ và Trung Quốc nối lại hợp tác, vì cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra sẽ không đợi hai nước hàn gắn quan hệ trước.

"Việc đình chỉ các cuộc đàm phán về khí hậu đã tạo ra một tiền lệ rất xấu. Những căng thẳng trong quan hệ song phương không nên cản trở các cuộc thảo luận về khí hậu. Cần phải có nhiều khả năng phục hồi hơn nữa", ông Li nói.

Lĩnh vực hợp tác nhiều triển vọng

Ông Kerry là thành viên nội các thứ ba của Mỹ đến thăm Trung Quốc trong những tuần gần đây, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường nỗ lực hàn gắn các liên lạc bị rạn nứt, và ổn định quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh.

Alex Wang, giáo sư Luật tại Đại học California ở Los Angeles Mỹ và một chuyên gia về chính sách khí hậu của Trung Quốc, cho biết: "Sau đại dịch Covid-19 và mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, biến đổi khí hậu hứa hẹn sẽ là một lĩnh vực mà sự hợp tác hiệu quả có thể mang lại lợi ích cho hai nước chúng ta và phần còn lại của thế giới".

Mỹ - Trung gạt bỏ bất đồng, tìm kiếm hợp tác về khí hậu - 2

Khách thăm quan Tử Cấm Thành đội mũ và che ô trong ngày nắng nóng ở Bắc Kinh hôm 29/6 (Ảnh: AP).

Ông nói thêm: "Mỗi quốc gia hiện có các chương trình lớn để đầu tư và thúc đẩy quá trình giảm CO₂, nhưng không bên nào hành động đủ nhanh".

Ông Kerry, 79 tuổi, đã đến Trung Quốc 2 lần kể từ khi được bổ nhiệm làm đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Biden. Lần này, ông Kerry dự kiến ở Bắc Kinh 4 ngày để gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc.

"Ngoại trưởng Kerry mong muốn hợp tác với Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, bao gồm cả việc tăng cường thực hiện và tham vọng cũng như thúc đẩy COP28 thành công", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố. 

Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết hai bên sẽ "trao đổi quan điểm chuyên sâu về hợp tác để giải quyết biến đổi khí hậu".

Ông Wang cho rằng tốc độ chuyển đổi của Trung Quốc từ than đá sẽ là chủ đề thảo luận chính của ông Kerry.

"Điều này quan trọng vì đây là một nguồn phát thải khổng lồ và nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề này, tất cả những thành công của họ đối với xe điện sẽ không có ý nghĩa bởi vì bạn chỉ đang sử dụng điện tạo ra từ than đá", ông nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết rằng Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải CO₂ cao nhất vào năm 2030 và sau đó đưa về 0 vào năm 2060. Để làm được điều đó, yêu cầu nước này sẽ phải loại bỏ dần năng lượng than, vốn đang chiếm khoảng 60% tổng sản lượng điện của nước này.

Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc đã ồ ạt đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch. Theo một nghiên cứu từ Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu phi lợi nhuận, công suất năng lượng mặt trời của Trung Quốc hiện lớn hơn phần còn lại của thế giới cộng lại và công suất gió của họ  gần bằng tổng công suất của 7 quốc gia hàng đầu khác.

Nhưng đồng thời, Trung Quốc cũng đang xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than mới do lo ngại mới về an ninh năng lượng sau nhiều tháng thiếu điện trong năm 2021 và 2022.

Đối với nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc, than vẫn được coi là giải pháp dễ nhất và rẻ nhất để giải quyết sự cố mất điện. Ông Wang nói: "Ý tưởng về an ninh và ý tưởng có đủ nguồn dự phòng cho năng lượng tái tạo đều là một phần của câu chuyện giải thích tại sao than vẫn được phụ thuộc vào mức độ như vậy".

Theo một tài liệu nghiên cứu chính thức của Hòa bình Xanh, trong quý đầu tiên của năm nay, chính quyền các tỉnh tại Trung Quốc đã phê duyệt nhiều nhà máy điện than mới, hơn so với cả năm 2021.

"Việc mở rộng khai thác than là một thách thức nghiêm trọng đối với chính sách khí hậu của Trung Quốc. Nếu tiêu thụ than không giảm theo tỷ lệ và số lượng tuyệt đối, Bắc Kinh sẽ rất khó đạt được mức giảm phát thải dài hạn và có ý nghĩa", ông Li nói.

Theo CNN