1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Viện trợ Mỹ tới chậm, phòng tuyến Ukraine có nguy cơ "sụp đổ hàng loạt"

Quốc Đạt

(Dân trí) - Tình trạng thiếu đạn dược và sự kiệt sức của binh sĩ Ukraine rất có thể sẽ buộc Kiev phải từ bỏ các vị trí tiền tuyến hiện tại trừ khi nhận được viện trợ mới từ phương Tây, theo New York Times.

Viện trợ Mỹ tới chậm, phòng tuyến Ukraine có nguy cơ sụp đổ hàng loạt - 1

Quân nhân Ukraine bắn đại bác trong cuộc tập trận ở tỉnh Zhytomyr vào ngày 30/1 (Ảnh: Reuters).

Lực lượng phòng thủ của Kiev gần thành trì Avdiivka ở tỉnh Donetsk đang quay cuồng trước các đợt tấn công không ngừng nghỉ của Nga, và các vấn đề của Ukraine vượt ra ngoài phạm vi của chỉ một trận đánh.

Quân đội Ukraine đang kiệt sức và thiếu vũ khí, đạn dược, đặc biệt là các hệ thống phòng không. Kiev chỉ có số tên lửa phòng không đủ dùng đến tháng 3, trừ khi nhận được đợt viện trợ mới, New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên.

Nhưng viện trợ Mỹ cho Ukraine không phải là điều chắc chắn, khi mà Quốc hội nước này vẫn bế tắc trong việc phê duyệt dự luật an ninh trị giá 118 tỷ USD, trong đó có 60 tỷ USD được phân bổ cho Kiev.

Nhiều đảng viên Cộng hòa không muốn ủng hộ dự luật trên vì cho rằng không có hiệu quả cải thiện an ninh ở biên giới chung với Mexico.

Các quan chức phương Tây tin rằng, nếu không có viện trợ từ Mỹ, khả năng Ukraine hứng chịu "sự sụp đổ hàng loạt dọc tiền tuyến là có thể xảy ra" vào năm 2024. Dù vậy, các nguồn tin của New York Times ước tính rằng sẽ mất ít nhất vài tháng trước khi tình trạng thiếu hụt gây ra tổn hại.

Theo giới phân tích, đến tháng 3, Ukraine có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các cuộc phản công cục bộ, và đến mùa hè, Kiev có thể gặp khó khăn trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga.

Nếu không có viện trợ từ Mỹ, các nguồn tin của New York Times cho rằng "thật khó để biết Ukraine có thể duy trì cục diện chiến trường hiện tại bằng cách nào".

Quan chức Ukraine đã nhiều lần phàn nàn về tình trạng thiếu đạn dược. Trong khi đó, Financial Times hôm 9/2 dẫn lời một quan chức cấp cao của EU nói rằng trên phương diện viện trợ quân sự, "châu Âu sẽ không dễ dàng thay thế Mỹ".

Năm 2023, EU từng công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo vào mùa xuân năm 2024. Nhưng tới tháng 3 này, Kiev dự kiến chỉ nhận được một nửa số đó, theo nhà ngoại giao hàng đầu của EU, ông Josep Borrell.

Nga đã nhiều lần lên án các chuyến hàng vũ khí của phương Tây tới Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng chúng sẽ chỉ kéo dài xung đột mà không làm thay đổi kết quả cuối cùng.

Theo RT, New York Times